Romania tìm thấy mảnh vỡ UAV trên sông Danube gần biên giới Ukraine

Chia sẻ Facebook
31/03/2024 04:43:57

Nga thường xuyên tấn công các cảng của Ukraine ở khu vực phía Tây Nam, gần biên giới với Romania, một quốc gia thành viên NATO.


Romania hôm 29/3 cho biết họ đã tìm thấy thứ có vẻ là mảnh vỡ của máy bay không người lái (UAV) trên một hòn đảo trên sông Danube thuộc lãnh thổ nước này và gần biên giới với Ukraine, nơi Nga thường xuyên tiến hành các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng cảng của nước láng giềng.


“Vào tối ngày 28/3/2024, các mảnh vỡ được xác định có vẻ như đến từ một thiết bị trên không (máy bay không người lái), trên một cánh đồng nông nghiệp ở Đảo Great Brăila”, Bộ Quốc phòng Romania cho biết trong một tuyên bố.


Nguồn gốc của máy bay không người lái vẫn chưa được xác định. Bộ Quốc phòng Romania cho biết các cơ quan chức năng đã mở cuộc điều tra về vụ việc. Các nhà chức trách đang nỗ lực làm việc để xác định bản chất của UAV (là UAV tấn công tự sát hay UAV trinh sát…), điểm xuất phát của nó và bất kỳ tác động tiềm tàng nào đối với an ninh quốc gia.


Mặc dù những phát hiện ban đầu cho thấy có khả năng xảy ra trục trặc hoặc tai nạn đối với chiếc UAV có mảnh vỡ rơi trên lãnh thổ Romania, nhưng vẫn tồn tại những lo ngại về sự liên quan của các tác nhân bên ngoài hoặc các hoạt động giám sát trái phép.

Lính biên phòng Ukraine phóng máy bay không người lái để khảo sát biên giới với Romania, tháng 9/2023. Ảnh: The Guardian


Đây không phải là lần đầu tiên mảnh vỡ của các thiết bị quân sự được tìm thấy bên ngoài lãnh thổ Ukraine và rơi vào lãnh thổ của các quốc gia thành viên EU và NATO.


Vào tháng 11/2022, NATO đã họp khẩn sau khi một tên lửa rơi xuống Ba Lan khiến 2 người địa phương thiệt mạng. Nhưng sau đó Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết tên lửa này khó có thể do Nga bắn ra.


Vào tháng 9/2023, một UAV được cho là của Nga được tìm thấy trên đất Romania gần sông Danube, khiến các quan chức Romania giận dữ. Ngay sau đó, Bulgaria, cũng là thành viên NATO, báo cáo đã tìm thấy một UAV cảm tử trên lãnh thổ của mình nhưng không thể xác nhận nguồn gốc của nó.


Là thành viên NATO, Romania được bảo vệ theo Điều 5 – điều khoản nổi tiếng nhất trong Hiến chương của liên minh, trong đó quy định rằng một cuộc tấn công vào một thành viên sẽ bị coi là tấn công vào tất cả các thành viên.


Nhưng liên minh xuyên Đại Tây Dương và các quan chức Romania cho biết sau những sự cố tương tự như vậy trong quá khứ rằng họ không tìm thấy bằng chứng nào về bất kỳ cuộc tấn công có chủ ý nào nhắm vào Romania .


Minh Đức (Theo Politico EU, Novinite)

Chia sẻ Facebook