Rối loạn giấc ngủ hậu COVID-19

Chia sẻ Facebook
14/04/2022 15:52:20

Sau khi mắc COVID-19, rất nhiều trường hợp gặp triệu chứng mất ngủ hậu COVID-19.

Đã lớn tuổi lại mắc bệnh lý nền cao huyết áp, đái tháo đường nên khi mắc COVID-19, bà Nguyễn Thị Thẳm (sinh năm 1940, trú tại phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) rất lo lắng cho sức khỏe của mình. Rất may mắn sau 10 ngày điều trị, bà đã khỏi COVID-19. Tuy nhiên, sau khi khỏi bệnh, bà thường xuyên mất ngủ. Hầu như đêm nào bà cũng trằn trọc tới 2, 3 giờ sáng mới chợp mắt được.


"Lúc nào tinh thần tôi cũng lơ mơ, mệt mỏi, hay cau gắt, khó chịu trong người, cảm giác ăn không ngon. Suốt một tuần tình trạng mất ngủ không cải thiện, tôi phải vào Bệnh viện Y học Cổ truyền để thăm khám và hỗ trợ điều trị. Rất may nhờ các bác sĩ hướng dẫn các bài tập, xoa bóp, bấm huyệt, ngâm chân, điện từ trường kết hợp với uống thuốc đều đặn, nay giấc ngủ của tôi đã đều đặn và dễ dàng hơn, tôi cảm thấy phấn khởi hẳn" - bà Thẳm chia sẻ.

Cùng tham gia các bài tập dành cho người mất ngủ hậu COVID-19 tại Bệnh viện Y học Cổ truyền, ông Lê Quang Đại (sinh năm 1958, trú tại huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) cho biết: Sau khi mắc COVID-19 và khỏi bệnh, tôi thấy sức khỏe mình bị giảm sút đi rất nhiều. Mặc dù trong quá trình bị bệnh tôi không có biểu hiện bệnh nặng, nhưng chứng mất ngủ hậu COVID-19 khiến tôi vô cùng mệt mỏi. Trước khi đến bệnh viện, tôi đã thử nhiều cách như đi ngủ đúng giờ, hạn chế uống trà, cà phê, thậm chí buổi trưa tôi cũng không ngủ nhưng đến tối vẫn không thể nào ngủ được. Sau khi vào điều trị tại bệnh viện, giấc ngủ của tôi đã cải thiện hơn rất nhiều.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, qua khảo sát ghi nhận hơn 200 triệu chứng phổ biến thường gặp của hậu COVID-19 như khó ngủ, đau cơ khớp, khó thở, hụt hơi, buồn nôn, ho, chán ăn, mệt mỏi… Hội chứng hậu COVID-19 với các ảnh hưởng ở đường hô hấp (ho kéo dài), tim mạch, gan, cơ, thận, khớp, da (mày đay, phát ban, thần kinh) hoặc gây rối loạn thần kinh như lo âu, căng thẳng, trầm cảm… thậm chí đột quỵ não, nhồi máu cơ tim… Những biến chứng đó góp phần đáng kể làm cho giấc ngủ giảm chất lượng, dẫn đến tình trạng mất ngủ.

Khi sức khỏe trong giai đoạn hậu COVID bị suy giảm sẽ tác động nghiêm trọng đến năng suất và chất lượng cuộc sống làm ảnh hưởng rất lớn đến công việc hàng ngày. Đồng thời, tinh thần người bệnh cũng trở nên sa sút, không ổn định vì lo lắng quá mức, trong đó mất ngủ là tình trạng khá phổ biến.

Bác sĩ tại Bệnh viện Y học Cổ truyền thăm khám, hỗ trợ điều trị bằng nhiều phương pháp. Ảnh: Quang Nhật


Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy, Trưởng Khoa Châm cứu - Dưỡng sinh, Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh Đắk Lắk cho biết: Mất ngủ là tình trạng rối loạn giấc ngủ , khó đi vào giấc ngủ, thường xuyên bị thức giấc giữa đêm, giấc ngủ chập chờn, trằn trọc, ngủ không sâu, không ngon giấc, thường thức dậy sớm trong khi mọi người đang yên giấc và không thể ngủ lại được. Nhiều bệnh nhân bị mất ngủ hậu COVID-19 do tâm lý căng thẳng, sợ hãi khi mắc bệnh, khi cách ly một mình người bệnh cảm thấy cô đơn, bất ổn, thậm chí trầm cảm, suy nghĩ nhiều, lo lắng lây bệnh cho người khác hoặc có thể bị mất ngủ do gặp di chứng nặng gây tổn hại sức khỏe sau khi mắc COVID-19.

Bên cạnh đó, có không ít bệnh nhân mất đi người thân khiến họ buồn rầu, lo lắng, và cũng có không ít bệnh nhân mất ngủ vì lo lắng về tương lai, khó khăn kinh tế, stress… Tình trạng mất ngủ kéo dài sẽ khiến người bệnh bị suy giảm trí nhớ, mất tập trung, giảm hiệu suất làm việc.

Mất ngủ cũng khiến bản thân người thiếu ngủ dễ bị trầm cảm hơn, tính khí thay đổi thường xuyên cáu kỉnh, khó chịu, khó kiềm chế cảm xúc. Thiếu ngủ còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư, tim mạch và tiểu đường, thậm chí có những người có thể bị ảo giác, gây nguy hiểm khi tham gia giao thông.

Theo bác sĩ Thúy, dù là vì lý do gì, điều cần thiết là phải khắc phục sớm tình trạng rối loạn giấc ngủ để giúp tăng cường sức khỏe, phục hồi hệ thống miễn dịch để chống lại bệnh tật và có đủ sức khỏe để sống và làm việc bình thường như trước khi mắc COVID-19.

Để khắc phục tình trạng rối loạn giấc ngủ hậu COVID-19, có thể điều trị bằng phương pháp dùng thuốc và không dùng thuốc. Những người bị stress, trầm cảm nhẹ gây mất ngủ có thể cần dùng thuốc điều trị, nhưng phải có sự chỉ định của bác sĩ, bởi việc dùng thuốc sẽ có tác dụng phụ, có thể gây nghiện. Trong y học cổ truyền, có nhiều cây thuốc giúp hỗ trợ điều trị mất ngủ, ít tác dụng phụ như lạc tiên, lá vông, tâm sen, bình vôi, cây đinh lăng, lá dâu tằm, hoa tam thất…


Bên cạnh các bài thuốc thì hiện nay, Bệnh viện Y học Cổ truyền đã áp dụng nhiều phương pháp hỗ trợ điều trị chứng rối loạn giấc ngủ cho bệnh nhân hậu COVID-19 như châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, dưỡng sinh, ngâm thuốc thảo dược, laser nội mạch, điện từ trường… Đây là các phương pháp an toàn, hiệu quả, ít tác dụng phụ và đã đem lại nhiều kết quả tốt cho bệnh nhân.

"Để giúp cho quá trình điều trị chứng rối loạn giấc ngủ hậu COVID-19, người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, thành phần bữa ăn có đủ rau xanh, hoa quả tươi, protein và tinh bột. Cần hạn chế ăn đồ ngọt nhiều đường, không uống các chất kích thích như rượu, bia, hút thuốc lá, tránh uống nhiều cà phê, trà. Cần vệ sinh tốt giấc ngủ, cụ thể giữ phòng ngủ yên tĩnh, đủ tối, nhiệt độ thích hợp, nệm, gối thoải mái. Tránh ăn quá no hoặc vận động mạnh trước khi đi ngủ. Hạn chế xem điện thoại, ti vi, laptop trong vòng 1 giờ trước khi ngủ. Nên duy trì thời gian đi ngủ và thức dậy đều đặn và tránh ngủ trưa quá nhiều. Nếu không ngủ được khi nằm trên giường quá 20 phút, nên ra khỏi giường sau đó làm việc nhẹ nhàng trong ánh sáng êm dịu như làm việc nhà, nghe nhạc, tập hít thở, thiền, viết ra những suy nghĩ của mình… Sau đó, hãy quay lại giường khi thấy buồn ngủ", bác sĩ Thúy chia sẻ thêm.

Chia sẻ Facebook