Robot 'quậy' như em bé thật khi khám răng
Robot có kích thước tương đương em nhỏ, có thể liếc mắt và cử động chân tay giống như các bé đang sợ hãi khi khám răng phần nào giúp các nha sĩ 'làm quen' và đối phó dễ hơn khi khám chữa trong thực tế.
Nhật Bản chế tạo robot “em bé quậy phá” giúp bác sĩ khám răng dễ dàng hơn
Đi nha sĩ là điều mà nhiều trẻ em sợ hãi, thậm chí có hành động quậy phá chống đối khiến y bác sĩ khó khám bệnh. Nhiều trẻ thậm chí khóc lóc, đập chân đập tay lên ghế, tìm cách ngồi dậy trong lúc nha sĩ cố gắng kiểm tra răng cho mình.
Giờ đây, các nhà khoa học Nhật Bản đã phát triển một đứa trẻ robot giống như thật, với hy vọng giúp các nha sĩ tập dượt trước những khó khăn có thể xảy ra khi khám cho trẻ và cách giúp trẻ bớt lo lắng hơn.
Robot quậy phá này được gọi là Pedia_Roid, có thể cử động tay, chân và mắt để bắt chước một số cảm xúc của con người, bao gồm lo lắng, sợ hãi và phản kháng.
Yui Kawakubo, giám đốc điều hành của Tmsuk, công ty sản xuất robot Pedia_Roid , cho biết: "Pedia_Roid không chỉ phát triển các dấu hiệu lo lắng như một em bé thật mà còn nổi giận, buộc các sinh viên nha khoa phải tìm cách xoa dịu và khống chế được trong khi cố gắng chữa trị cho nó".
Pedia_Roid cao 106cm, nặng 22kg, tương đương với một đứa trẻ 5 hoặc 6 tuổi. Nó có tổng cộng 24 mức độ cảm xúc và có thể di chuyển đầu, miệng, lưỡi, mí mắt, đồng tử, tay, chân, ngực và thậm chí cả mạch. Các cử động miệng của nó bao gồm mở và đóng, hắt hơi, ho.
"Với tính năng nhận dạng giọng nói, robot này có thể mở miệng theo hướng dẫn của nha sĩ, thay đổi hướng khuôn mặt và thực hiện các hành động bất ngờ và ho", Tmsuk giới thiệu robot Pedia_Roid trên trang web của mình.
Không chỉ thế, Pedia_Roid cũng có thể tái tạo một cách chân thực các hành động phức tạp, như khép hàm và phản xạ nôn mửa; c ác chuyển động của cơ thể như quằn quại, co giật và đập tay chân, cũng như tỏ ra lả người, suy kiệt toàn thân. Màu sắc trên gương mặt nó cũng đổi từ đỏ sang xanh tái hoặc trắng nhạt biểu thị mệt mỏi.
Kawakubo cho biết: "Chúng tôi đã tập hợp chuyên môn để tạo ra một robot hình người có đủ các biểu hiện độc đáo, nhằm giúp các thực tập sinh y khoa có thể trải nghiệm trước những tình huống và giây phút căng thẳng sẽ xảy ra trong thực tế sau này. Họ sẽ học cách cứu người dưới áp lực khủng khiếp".
Từ trước đến nay, hầu như các sinh viên nha khoa nói riêng và y khoa nói chung chỉ được thực hành trên hình nộm bất động. Điều này làm hạn chế các kinh nghiệm ứng biến trong công việc sau này. Không ít sinh viên giỏi tại trường y nhưng khi va chạm khám chữa bệnh trong thực tế vẫn bị "sốc" vì những diễn biến bất ngờ từ người bệnh. Robot Pedia_Roid có thể phần nào giải quyết được điều này.
Tmsuk thông báo Pedia_Roid có giá khá đắt, hơn 4 tỉ đồng Việt Nam nhưng chưa cho biết khi nào phát hành rộng rãi loại robot này.
Trước đó vào tháng 2, các nhà nghiên cứu từ dự án Robot giám hộ RIKEN đã phát triển một robot tên là Nikola, có thể truyền tải sáu cảm xúc cơ bản. Nikola có các "cơ" chuyển động trên khuôn mặt cho phép nó truyền tải niềm vui, nỗi buồn, nỗi sợ hãi, tức giận, ngạc nhiên và ghê tởm.
Mặc dù Nikola đang thiếu phần thân, nhưng các nhà nghiên cứu hy vọng có thể sử dụng nó cho nhiều mục đích trong tương lai gần, như hỗ trợ điều trị sức khỏe tinh thần cho bệnh nhân.
Được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao độ chính xác của công nghệ nhận diện khuôn mặt, sản phẩm hiện được tung ra thị trường với giá 2.650 USD và được nhiều công ty công nghệ chú ý.