Rộ vấn nạn trộm xăng khi giá nhiên liệu tăng chóng mặt
Trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao do những tác động tiêu cực từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, tình trạng trộm xăng đã diễn ra khắp nơi trên thế giới.
Giới chức nhiều nước đã phải đưa ra lời khuyến cáo người dân cần cẩn trọng hơn trong thời buổi giá xăng tăng chóng mặt.
Cảnh sát Newscastle đang điều tra vụ trộm nhiên liệu lớn nhất trong lịch sử thành phố. Hình ảnh từ camera giám sát cho thấy băng nhóm xăng tặc gồm 5 người đã sử dụng xe tải và vòi để hút 15.000 lít xăng với giá trị khoảng 25.000 Bảng, tương đương 750 triệu đồng tại một nhà chứa.
Không chỉ các trạm xăng, mà các tài xế xe tải chở xăng khắp châu Âu cũng trở thành nạn nhân của những kẻ trục lợi, với thủ đoạn tinh vi.
"Các đối tượng tìm cách phá nắp, rồi luồn ống vào trong. Họ có sẵn 1 cái bơm nhỏ dùng để hút xăng ra. Điều này xảy ra ngay trên đường, trong lúc các tài xế đang ngủ ở 1 bãi đậu xe, hay 1 khu vực dừng chân nào đó. Chỉ khi người tài xế thức dậy vào buổi sáng, nổ máy rời đi mới phát hiện bình xăng đã trống rỗng. Tình trạng cướp xăng này ngày càng trở nên tệ hơn, bởi vì giá cả nhiên liệu mỗi lúc một tăng cao", ông Christophe Codderrens, Quản lý hãng vận chuyển xăng CExpress, cho biết.
Giới chức nhiều nước đã phải đưa ra cảnh báo các nhà máy, các tài xế xe tải chở xăng cần tăng cường an ninh và cảnh giác trong thời điểm khủng hoảng nhiên liệu.
"Chúng tôi đã tăng số lượng các cuộc tuần tra giám sát cả vào ban ngày lẫn ban đêm, hy vọng sẽ ngăn chặn được tình trạng này", bà Isabelle Mares, Cảnh sát an ninh khu vực Haute-Garonne, cho hay.
Vấn nạn này còn diễn ra tại cả Mỹ và Canada, khi trước đó nhiều chủ xe đã đăng ảnh trộm đang khoan thủng bình nhiên liệu xe họ để lấy trộm xăng .
Một chủ xe Jeep ở Nelisville, bang Wisconsin, cho biết giá trị lượng xăng bị trộm chỉ khoảng 20 USD, nhưng việc bình nhiên liệu bị khoan thủng đã gây thiệt hại hơn 1.500 USD.
Trong thời gian tới, giá dầu nhiều khả năng sẽ còn bật tăng mạnh nếu khả năng EU cấm nhập khẩu dầu từ Nga trở thành hiện thực. Giá xăng tăng có thể khiến tình hình lạm phát ở các quốc gia thêm tồi tệ, tạo ra thách thức lớn đối với nỗ lực bình ổn thị trường hàng hóa.