Rò rỉ hồ sơ Tân Cương, Trung Quốc lên tiếng

Chia sẻ Facebook
25/05/2022 07:09:43

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói vụ rò rỉ hồ sơ Tân Cương là ví dụ mới nhất về việc "các lực lượng chống Trung Quốc bôi xấu Tân Cương" và đây "chỉ là trò tương tự những gì họ từng làm trước đây".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tại cuộc họp báo vào ngày 24-5 - Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO TRUNG QUỐC


Hôm 24-5, Hãng AFP đưa tin hàng ngàn bức ảnh và tài liệu chính thức từ khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc vừa bị rò rỉ. Các nhà nghiên cứu nói rằng chúng đã "làm sáng tỏ về những phương pháp bạo lực" được sử dụng tại đây.


Hồ sơ này do học giả Adrian Zenz, thành viên của một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở ở Mỹ, có được. Chúng được công bố trong bối cảnh Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Michelle Bachelet bắt đầu chuyến thăm Tân Cương.


Kho ảnh và tài liệu nói trên là của cảnh sát, và một nguồn tin giấu tên đã xâm nhập vào các cơ sở dữ liệu chính thức ở Tân Cương để lấy chúng. Sau đó, nguồn tin ẩn danh này gửi số ảnh và tài liệu cho học giả Zenz.


Theo AFP, các tài liệu có chứa nội dung một bài phát biểu nội bộ năm 2017 của ông Chen Quanguo, một cựu quan chức ở Tân Cương. Trong đó, ông Chen bị cáo buộc ra lệnh cho lính canh dùng súng để hạ bất cứ ai tìm cách trốn thoát.


Trong khi đó, hơn 2.800 bức ảnh của cảnh sát cho thấy những người bị bắt giữ ở Tân Cương, trong đó có các trẻ vị thành niên như Zeytunigul Ablehet (17 tuổi) bị giam giữ vì nghe một bài phát biểu trái phép và Bilal Qasim (16 tuổi).


Nhiều phần trong hồ sơ nói trên đã được xác minh bởi nhiều tổ chức tin tức như báo Le Monde (Pháp). Chúng cũng cung cấp cái nhìn về cuộc sống bên trong các cơ sở giam giữ ở Tân Cương.

Tuy nhiên, tại cuộc họp báo vào ngày 24-5, khi được phóng viên Hãng tin Bloomberg hỏi về vụ rò rỉ nói trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói:

Những lời dối trá và tin đồn mà họ lan truyền không thể đánh lừa thế giới. Chúng cũng không thể che giấu sự thật rằng Tân Cương được hưởng hòa bình và ổn định, nền kinh tế của Tân Cương đang thịnh vượng, và người dân nơi đây sinh sống cũng như làm việc trong hòa bình và mãn nguyện".


Cái gọi là các trung tâm đào tạo nghề ở khu tự trị Tân Cương được báo chí Trung Quốc gọi với tên đầy đủ là "Trung tâm giáo dục và đào tạo kỹ năng nghề". Những người được đưa tới đây là các "học viên".

Trong khi đó, truyền thông phương Tây lại gọi đây là các trại cải huấn/cải tạo chính trị vì cho rằng những nơi này giam giữ các tù nhân người thiểu số Duy Ngô Nhĩ. Tuy nhiên, Bắc Kinh không đồng ý với cách gọi như vậy.


Các nhà hoạt động cho rằng Trung Quốc đã giam giữ hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác trong mạng lưới các trung tâm này.

Cao ủy Liên Hiệp Quốc phụ trách nhân quyền, bà Michelle Bachelet sẽ đến thăm Trung Quốc vào tháng 5 tới. Một trong các điểm dừng chân của bà là Tân Cương, nơi làm bùng phát tranh cãi giữa Bắc Kinh và phương Tây lâu nay.

Chia sẻ Facebook