RFA đóng cửa văn phòng Hong Kong do sức ép từ Luật An ninh Quốc gia - BBC News Tiếng Việt

Chia sẻ Facebook
05/04/2024 04:47:11

Là một trong số ít hãng tin độc lập đưa tin về Hong Kong bằng tiếng Quan Thoại và Quảng Đông, RFA đã phải đóng cửa do lo ngại về an toàn của nhân viên.

RFA đóng cửa văn phòng Hong Kong do lo ngại an toàn của nhân viên

Nguồn hình ảnh, PETER PARKS/AFP/Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Các thành viên Hội đồng Lập pháp Hong Kong biểu quyết thông qua Điều 23 hôm 19/3. Luật mới bắt đầu có hiệu lực từ ngày 23/3, giới chỉ trích cho rằng nó sẽ là công cụ để chính quyền dập tắt mọi tiếng nói bất đồng.

30 tháng 3 2024

Đài Á châu Tự do (RFA) do Mỹ tài trợ thông báo đã đóng cửa văn phòng Hong Kong do những lo ngại về an toàn của nhân viên sau khi Luật An ninh Quốc gia mới được ban hành.

Thành phố do Trung Quốc quản lý đã ban hành luật mới gọi là Điều 23 vào thứ Bảy tuần trước (ngày 23/3), mở rộng Luật An ninh Quốc gia do Trung Quốc ban hành từ năm 2020.

Điều 23 bổ sung thêm các hình phạt nghiêm khắc hơn, bao gồm bỏ tù từ vài năm đến chung thân đối với các tội danh như phản quốc, kích động nổi loạn, tiết lộ bí mật nhà nước, gián điệp và can thiệp từ bên ngoài.

Luật này cũng siết chặt kiểm soát hơn đối với các tổ chức chính trị nước ngoài hoạt động ở Hong Kong, thông qua các điều khoản về việc định nghĩa “thế lực ngoại bang" và cấm "can thiệp từ bên ngoài".

RFA đóng cửa văn phòng

“Động thái từ phía chính quyền Hong Kong, bao gồm việc gọi RFA là ‘thế lực ngoại bang’, dấy lên những câu hỏi nghiêm trọng về khả năng hoạt động an toàn của chúng tôi dưới Điều 23", bà Bay Fang, giám đốc đài RFA, cho biết trong một thông cáo.

Tuyên bố của RFA vào ngày 29/3 cho biết cơ quan truyền thông này đã đóng cửa văn phòng Hong Kong.

Hồi tháng 1/2024, cảnh sát Hong Kong đã chỉ trích việc RFA phỏng vấn ông Ted Hui, một nhà hoạt động lưu vong.

Phía cảnh sát nói rằng RFA không nên cung cấp nền tảng để ông Hui phỉ báng cảnh sát.

RFA và Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) trước đó đã bị các tờ báo thân Bắc Kinh ở Hong Kong cáo buộc là “chống Trung Quốc”, theo NBC News.

Hong Kong: Tương lai nào cho trung tâm tài chính toàn cầu? 25 tháng 3 năm 2024 Hong Kong ban hành dự thảo luật an ninh quốc gia mới 8 tháng 3 năm 2024 'Buồn, không sợ': Sống dưới Luật An ninh Quốc gia Hong Kong 28 tháng 6 năm 2022

Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) đã xếp Hong Kong ở thứ 140 trong số 180 quốc gia/vùng lãnh thổ trong bảng Chỉ số Tự do Báo chí Toàn cầu Thường niên năm 2023. (Việt Nam xếp 178/180)

Trước khi Luật An ninh Quốc gia năm 2020 được ban hành, Hong Kong từng xếp thứ 73.

Ông Cédric Alviani, giám đốc văn phòng châu Á-Thái Bình Dương của RSF, cho biết các cơ quan truyền thông và các tổ chức liên quan đến truyền thông đã có xu hướng rời Hong Kong khi Luật An ninh Quốc gia được ban hành năm 2020, theo NBC News.

Theo luật này, các nhà báo có thể bị cáo buộc là tội phạm an ninh quốc gia trong quá trình làm việc.

Dù từ chối bình luận về RFA với NBC News, ông Alviani đánh giá Điều 23 sẽ gia tăng áp lực lên các nhà báo ở Hong Kong và "rõ ràng có mục đích khiến mọi người tự kiểm duyệt”.

"Có quá nhiều cách để diễn giải các điều khoản [của Luật An ninh Quốc gia mới]. Về cơ bản, cách duy nhất để không vi phạm các điều khoản an ninh quốc gia là không viết gì về bất kỳ chủ đề nào mà chính phủ coi là nhạy cảm,” ông nói.

Góc nhìn quốc tế về Điều 23

Chính phủ Mỹ là một trong nhiều bên chỉ trích Điều 23, đánh giá rằng luật này trao cho chính quyền [Hong Kong] thêm nhiều quyền hạn để đàn áp những người bất đồng chính kiến.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết “quyết định của RFA là ví dụ mới nhất về hậu quả của việc chính quyền Hong Kong tiếp tục đàn áp tự do báo chí".

“Chúng tôi [Mỹ] vẫn có những lo ngại sâu sắc về sự suy thoái nhân quyền và các quyền tự do cơ bản khác, cũng như việc gỡ bỏ một cách có hệ thống quyền tự trị của Hong Kong bằng Luật An ninh Quốc gia và Điều 23 mới được thông qua,” vị này cho biết.

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Mỹ đang triển khai cách thức hạn chế thị thực mới đối với nhiều quan chức Hong Kong tham gia vào hoạt động đàn áp.

Theo giới chỉ trích, quyết định đóng cửa văn phòng và rút toàn bộ nhân viên toàn thời gian của RFA là dấu hiệu cho thấy quyền tự do báo chí ở Hong Kong đang dần biến mất.

Qua đó, đồng thời phản ánh lo ngại của các doanh nghiệp và tổ chức có quan hệ với chính phủ nước ngoài về sự nguy hiểm của những luật mới.

“[RFA] là một trong những hãng tin độc lập cuối cùng đưa tin về tình hình ở Hong Kong bằng tiếng Quảng Đông và tiếng Quan Thoại," bà Fang cho biết.


Trong những năm gần đây, các cơ quan truyền thông tự do của Hong Kong như Apple Daily, Stand News và Đài Phát thanh Công dân (Citizens’ Radio) đã buộc phải đóng cửa dưới áp lực từ phía chính quyền.


Ông Jimmy Lai, người điều hành Apple Daily và là nhà hoạt động dân chủ, hiện đang bị xét xử với cáo buộc gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia và xuất bản tài liệu kích động nổi loạn. Ông có thể phải lĩnh án tù chung thân.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Truyền thông theo dõi sát phiên tòa xử ông Jimmy Lai


Tiến sĩ Trần Gia Lạc từng, nhà khoa học chính trị tại Đại học Baptist Hong Kong, nói rằng việc Hong Kong bắt giữ và buộc tội ông trùm truyền thông Jimmy Lai theo Luật An ninh Quốc gia là một "sự thức tỉnh đối với cộng đồng quốc tế".

"Luật An ninh Quốc gia không có giới hạn. An toàn cá nhân, quyền tư hữu và tài sản tư nhân đều không được đảm bảo,” ông nói.

Trong một phản hồi qua email cho Reuters, chính quyền Hong Kong cho biết sẽ không bình luận về quyết định của RFA, nhưng "lên án tất cả những lời đe dọa và phỉ báng".

"Cứ nhằm vào Hong Kong để chỉ trích và nói rằng các nhà báo sẽ chỉ gặp rắc rối khi hoạt động ở đây chứ không phải ở các quốc gia khác là hoàn toàn thiếu công bằng, nếu không muốn nói là quá đáng," chính quyền Hong Kong phản hồi.

Trong những tuần gần đây, chính quyền Hong Kong đã lên tiếng chỉ trích một số hãng tin quốc tế, bao gồm cả BBC, vì cách đưa tin về Luật An ninh Quốc gia mới, đồng thời nhấn mạnh rằng họ vẫn tôn trọng quyền tự do báo chí.

Trước đó, chỉ vài giờ sau khi Điều 23 được chính quyền Hong Kong thông qua, đã có những phản đối từ phía Anh và Liên minh châu Âu.

Đáp lại, cả chính phủ Trung Quốc và chính quyền Hong Kong đều lên tiếng phản ứng lại động thái nói trên, theo tờ South China Morning Post.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ trước “những lời bôi nhọ và tấn công” từ phương Tây và thể hiện lập trường kiên quyết phản đối mọi sự can thiệp từ bên ngoài vào vấn đề của Hong Kong.

“Anh Quốc nên lập tức ngừng can thiệp vào các vấn đề của Hong Kong, vốn là nội bộ của Trung Quốc,” Cảnh sát trưởng Hong Kong Đặng Bính Cường lên tiếng cảnh báo.

Úc, Anh và Đài Loan sau đó đã cập nhật cảnh báo du lịch Hong Kong và kêu gọi công dân thận trọng.

Chính phủ Úc thông báo: "Quý vị có thể vô tình phạm luật và bị giam giữ mà không qua quy trình buộc tội, đồng thời bị từ chối tiếp cận luật sư."

Phản hồi những động thái trên, chính quyền Hong Kong "lên án mạnh mẽ những động thái chính trị như vậy với những nhận xét bóp méo, xuyên tạc sự thật, gieo rắc nỗi sợ hãi và gây hoang mang."

Bắc Kinh vẫn bảo vệ lập trường rằng Điều 23 là cần thiết để khôi phục trật tự tại thành phố trung tâm tài chính châu Á này, sau hàng loạt cuộc biểu tình lớn ủng hộ dân chủ hồi năm 2019.

Chia sẻ Facebook