RCEP, CCFTA được kỳ vọng sẽ thúc đẩy thương mại của Campuchia trong năm 2023

Chia sẻ Facebook
05/01/2023 17:35:26

Theo nhận định của các chuyên gia, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Thương mại Tự do Campuchia – Trung Quốc (CCFTA) được kỳ vọng sẽ thúc đẩy thương mại của Vương quốc trong năm 2023 này, Khmer Times đưa tin.

RCEP, CCFTA được kỳ vọng sẽ thúc đẩy thương mại của Campuchia trong năm 2023

RCEP là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Hiệp định này bao gồm sự tham gia của các nước Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc và 10 quốc gia thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Phát biểu trên trang Khmer Times gần đây, Thứ trưởng Bộ thương mại Campuchia, ông Penn Sovicheat, cho rằng: “Campuchia đã trở thành một phần của chuỗi cung ứng toàn cầu. Cả RCEP và CCFTA đã góp phần thúc đẩy thương mại của đất nước trong năm 2022”.

“Chúng tôi có thể tận dụng chuyên môn của mình trong việc sản xuất hàng may mặc, giày dép, sản phẩm du lịch, linh kiện, xe đạp,… và xuất khẩu các mặt hàng này sang các thị trường khác nhau trong năm 2023”.

Thứ trưởng Penn Sovicheat cho rằng các sản phẩm nông nghiệp của Vương quốc đã tạo được danh tiếng tại nhiều thị trường nước ngoài, nhất là tại châu Âu, Mỹ và Trung Quốc.

Ông Sovicheat chỉ ra: “Chúng tôi có cơ hội tiếp cận thị trường nhiều hơn cho các sản phẩm của mình nhờ việc ký kết các hiệp định thương mại tự do này”.

Theo ước tính của một số chuyên gia, kinh tế Campuchia sẽ đạt mức tăng trưởng GDP 5-6% nhờ xuất khẩu, nhất là xuất khẩu hàng may mặc, giày dép, hàng hóa du lịch và sản xuất xe đạp. Bên cạnh sự phục hồi của ngành du lịch và lữ hành, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài rót vào Vương quốc được kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho đà phục hồi kinh tế của đất nước trong năm mới này .

Quốc gia Đông Nam Á này cũng kỳ vọng sẽ thu hút được thêm nhiều đầu tư nước ngoài từ một số quốc gia trong năm 2023 này.


Tính trong giai đoạn 11 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Campuchia đạt 20,457 triệu USD , tăng 18.1% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo nhận định của các chuyên gia, việc Chính phủ Campuchia kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, đẩy mạnh tỷ lệ tiêm chủng, sau đó là việc mở cửa lại nền kinh tế và việc tham gia các hiệp định thương mại tự do đã thúc đẩy khả năng cạnh tranh các sản phẩm xuất khẩu của đất nước.

Tham gia sự kiện Cập nhật tình hình kinh tế Campuchia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Phnom Penh diễn ra hồi tháng 12/2022, chuyên gia kinh tế cấp cao Ly Sodeth của WB cho rằng RCEP và CCFTA đã giúp thúc đẩy ngành nông nghiệp và chế biến nông sản của Campuchia”.

Ông nói: “CCFTA được kỳ vọng sẽ thu hút thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến làm ăn tại Vương quốc, đặc biệt là những nhà đầu tư Trung Quốc”.

Trong báo cáo Cập nhật kinh tế Campuchia gần đây, WB chỉ ra rằng RCEP và CCFTA đã thúc đẩy ngành sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản của đất nước này.

Báo cáo của WB nêu: “Các ngành sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản sẽ tiếp tục được thúc đẩy nhờ các hiệp định thương mại tự do mới được phê chuẩn này”.  Báo cáo đồng thời cho biết thêm rằng Trung Quốc là thị trường xuất khẩu ngày càng quan trọng đối với các mặt hàng nông sản của Campuchia nhờ sự hiện diện của CCFTA.

Các mặt hàng nông sản Campuchia xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều nhất là chuối, gạo và sắn.

Theo CCFTA, hơn 90%  dòng thuế thương mại hàng hóa của Campuchia và Trung Quốc được hưởng mức thuế suất 0%.

Trong một báo cáo gần đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cho rằng các hiệp định thương mại mới sẽ hỗ trợ đà tăng trưởng của Campuchia trong trung hạn.

Ngoài RCEP và CCFTA, Campuchia cũng đã ký kết Hiệp định Thương mại Tự do với Hàn Quốc (CKFTA) và hiệp định này chính thức có hiệu lực kể từ đầu tháng 12/2022.

Campuchia hiện đang xem xét khả năng ký kết Hiệp định Thương mại Tự do với nhiều quốc gia hơn. Vương quốc đã đàm phán với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Campuchia-Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (CEPA). Trong năm 2023 này, UAE chủ trì các phiên đàm phán về CEPA.

Khai Tâm (Theo Khmer Times)

Chia sẻ Facebook