Rau quả và gạo dẫn đầu về tăng trưởng trong nhóm nông sản

Chia sẻ Facebook
29/08/2023 14:16:32

8 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS ước đạt 33 tỷ USD, giảm 9,5%. Trong đó, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất.


Theo báo cáo mới công bố của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) 8 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 59,69 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu 33,21 tỷ USD, nhập khẩu 26,48 tỷ USD, xuất siêu 6,72 tỷ USD.


Theo đó, tháng 8/2023, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 4,36 tỷ USD, giảm 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm nông sản 2,16 tỷ USD, tăng 11,5%; chăn nuôi 50 triệu USD, tăng 24%; thủy sản 750 triệu USD, giảm 24%; lâm sản 1,19 tỷ USD, giảm 21,5%; đầu vào sản xuất 207 triệu USD, tăng 13,3%.


Giá xuất khẩu bình quân một số nông sản chính giảm: Cao su 1.346 USD/T, giảm 19,6%; Chè 1.727 USD/T, giảm 2,6%; Hạt điều 5.761 USD/T, giảm 3,6%; Hồ tiêu 3.263 USD/T, giảm 26,5%; sắn và sản phẩm từ sắn 412 USD/T, giảm 6,4%... Riêng giá gạo 542 USD/T, tăng 11,5% (có thời điểm lên đến gần 650 USD/T) và cà phê 2.455 USD/T, tăng 8,5%.


Lũy kế 8 tháng đầu năm, do giá trị xuất khẩu của nhiều mặt hàng xuất khẩu chính giảm so với cùng kỳ, nên tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 33,21 tỷ USD, giảm 9,5%. Trong đó, nhóm thuỷ sản 5,68 tỷ USD, giảm 25,4%; lâm sản 8,95 tỷ USD, giảm 25,1%; đầu vào sản xuất 1,32 tỷ USD, giảm 21,9%.


Theo Bộ NN&PTNT, một số nhóm mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng như: Nông sản 16,9 tỷ USD, tăng 11,5 % (đóng góp bởi giá trị xuất khẩu nhóm hàng rau quả 3,45 tỷ USD, tăng 57,5%; gạo 3,17 tỷ USD, tăng 36,1%; hạt điều 2,23 tỷ USD, tăng 8,9%; cà phê 2,94 tỷ USD, tăng 2,3%); sản phẩm chăn nuôi 325 triệu USD, tăng 26,1%.


Về thị trường, 8 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản tới các thị trường thuộc khu vực châu Á đạt 16 tỷ USD, tăng 0,2%; châu Mỹ 7,5 tỷ USD, giảm 27,4%; châu Âu 3,7 tỷ USD, giảm 13,8%; châu Phi 681 triệu USD, tăng 11,5%; châu Đại Dương 480 triệu USD, giảm 23,5%.


Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất; giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỉ trọng 21,9%, tăng 9,8%; Hoa Kỳ chiếm 20,6%, giảm 27,4% và Nhật Bản chiếm 7,6%, giảm 10,6%.


Về nhập khẩu, kim ngạch 8 tháng đầu năm đạt 26,48 tỷ USD, giảm 12,9%. Trong đó, nhóm nông sản 16,25 tỷ USD, giảm 11,7%; sản phẩm chăn nuôi 2,3 tỷ USD, giảm 8,9%; thuỷ sản 1,71 tỷ USD, giảm 7,3%; lâm sản 1,48 tỷ USD, giảm 32,6%; đầu vào sản xuất 4,72 tỷ USD, giảm 12,8%; muối 30 triệu USD, tăng 26,3%.


Về thị trường, khu vực châu Mỹ chiếm 22,9% thị phần nhập khẩu của Việt Nam, châu Á chiếm 29,2%, châu Âu chiếm 4,1%, châu Đại Dương chiếm 7,3% và châu Phi chiếm 4,6%. Các nước Hoa Kỳ, Trung Quốc và Brazin là 3 thị trường cung cấp các mặt hàng nông lâm thủy sản lớn nhất cho Việt Nam trong 8 tháng qua, với thị phần trong tổng giá trị nhập khẩu lần lượt: 8,9%, 7,7% và 7,3%.


Về các thị trường trong nước, trong tháng 8, nhìn chung không có biến động bất thường, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu được bảo đảm. Riêng giá thóc, gạo tiếp tục xu hướng tăng do tác động của thị trường thế giới khiến nhu cầu tăng cao (giá trung bình tăng từ 200 - 800 đồng/kg).


Giá lợn hơi có xu hướng giảm nhẹ trong tháng (trung bình từ 1.000 - 2.000 đồng/kg), giá thu mua tôm nguyên liệu tiếp tục ở mức thấp và có xu hướng giảm (10.000 đồng/kg), giá trái cây tại một số tỉnh phía Nam có xu hướng tăng do nguồn cung giảm khi qua giai đoạn chính vụ (thanh long, xoài).


Bộ NN&PTNT thông tin, thời gian qua, Bộ đã phối hợp với Bộ Công Thương theo dõi sát sao và báo cáo kịp thời Ban chỉ đạo điều hành giá và Tổ điều hành thị trường trong nước tình hình sản xuất, nguồn cung các sản phẩm nông sản đang vào vụ thu hoạch, biến động giá cả, đặc biệt là các mặt hàng đang chịu tác động lớn từ thị trường thế giới như mặt hàng gạo.


Bên cạnh đó, triển khai thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 05/8/2023 của Thủ Tướng Chính phủ về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay.


Đồng thời, hướng dẫn các địa phương điều tiết kế hoạch sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu. Đẩy mạnh đàm phán, mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch. Chủ động xử lý các sự cố mất an toàn thực phẩm, các trường hợp lô hàng bị cảnh báo tại thị trường nhập khẩu và đàm phán xử lý rào cản kỹ thuật, mở rộng thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản. Chuẩn bị tổ chức Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 .

Chia sẻ Facebook