Rao bán nhiều lần không được, SCIC tiếp tục thoái vốn khỏi công ty sản xuất nắp chai và kem bình dân với giá khởi điểm 20.000 đồng/cp

Chia sẻ Facebook
17/11/2022 16:42:14

SCIC tiếp tục thông báo bán toàn bộ phần vốn góp vào Công ty cổ phần Kỹ nghệ Thực phẩm Á Châu, sau nhiều lần rao bán trước đó nhưng chưa thể thoái vốn.

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) vừa thông báo bán đấu giá 1,34 triệu cổ phần đang sở hữu tại CTCP Kỹ nghệ Thực phẩm Á Châu (Á Châu Food Tech), tương ứng 79,2% vốn tại đây (tương ứng gần 13,5 tỷ đồng vốn). Giá khởi điểm của lô cổ phần là 27,7 tỷ đồng, tương đương hơn 20.000 đồng/cp.

CTCP Kỹ nghệ Thực phẩm Á Châu hoạt động chính trong lĩnh vực chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa; sản xuất thực phẩm khác như: trái cây sấy khô, thạch rau câu; sản xuất đồ uống không cồn; sản xuất nắp chai, phụ kiện đóng chai các loại…

Công ty tiền thân là Nhà máy Bia Huế - một doanh nghiệp nhà nước được thành lập vào năm 1990, sau đó chuyển thành doanh nghiệp cổ phần từ năm 2009. Năm 2011, Công ty được cấp phép kinh doanh và chính thức kế thừa các hoạt động sản xuất - kinh doanh từ Nhà máy Bia Huế, có vốn điều lệ 17 tỷ đồng. Người đại diện pháp luật là ông Trần Hồng Quân.

Đây không phải lần đầu tiên SCIC thoái vốn tại đây khi nhiều năm qua, khó khăn vẫn bủa vây Á Châu Food Tech.

Tỷ suất lợi nhuận thấp, l ãi từ tiền gửi có kỳ hạn chiếm phần lớn tỷ trọng

Giai đoạn 2019-2021, dù doanh thu, lợi nhuận của Á Châu Food Tech duy trì khá ổn định nhưng không để lại nhiều dấu ấn về tăng trưởng so với nhiều đối thủ có cùng dải sản phẩm. Lãi của công ty này chỉ đều đặn đi ngang từ 3-400 triệu, trong khi doanh thu dao động ở mức 3-40 tỷ mỗi năm.

Năm 2021, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty đạt 31,3 tỷ đồng, giảm 2% so với cùng kỳ. Hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất nắp chai và kem, sữa chua, nên doanh thu bán hàng mảng này của công ty chiếm lần lượt 28% và 70% tổng doanh thu.

Đáng chú ý, tiền gửi có kỳ hạn luôn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị tài sản của Á Châu Food Tech. Tại thời điểm cuối năm 2021, tiền gửi có kỳ hạn của công ty là 5,5 tỷ đồng, chiếm 24% tổng tài sản.

Cùng kỳ năm trước, tiền gửi có kỳ hạn của công ty là 6 tỷ đồng và riêng lãi từ các khoản tiền gửi này đóng góp khoảng 50-60% lợi nhuận trước thuế của công ty.

Tại 31/12/2021, tổng tài sản Á Châu Food Tech là 23,30 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm 2020 do tài sản cố định trong năm giảm gần 2 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu công ty là 19,8 tỷ đồng.

Kế hoạch năm 2022, công ty đặt mục tiêu doanh thu 32 tỷ đồng, lợi nhuận 380 triệu đồng.

Sản phẩm không đáp ứng xu hướng, nhiều đối thủ bành trướng

Theo thống kê, sản phẩm kem của Á Châu Food Tech chiếm khoảng 30-35% thị phần đối với dòng kem bình dân trong khu vực thị trường từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi. Một số sản phẩm được biết đến nhiều nhất có thể kể đến kem Rosi, sữa chua Rosi, hoa quả sấy...

Song trong thực tế, thị trường kem liên tục đón nhận tên tuổi ngoại nổi lên như Unilever, hay các thương hiệu đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản cạnh tranh, cùng loạt sản phẩm giải khát ra đời (trà sữa, trà thạch...) thay thế chức năng giải nhiệt độc tôn của kem như trước.

Một sản phẩm chủ lực đóng góp lớn vào cơ cấu doanh thu của công ty nữa là nắp chai bia. Địa bàn phân phối chủ yếu ở miền Trung với các khách hàng như Nhà máy bia Dung Quất, Nhà máy nước khoáng Thạch Bích, CTCP nước khoáng Bang...

Nhưng do tính tiện lợi, gọn nhẹ ngày càng được ưu tiên, nhu cầu dịch chuyển mạnh mẽ từ sử dụng bia chai sang bia lon trở thành tất yếu. Nắp bia của Á Châu Food Tech vì thế không còn thu hút được nhiều đối tác cung ứng. Đơn cử, từ năm 2019, Công ty không còn thực hiện hợp đồng bán nắp chai cho Công ty TNHH Bia Carlsberg Việt Nam.

Những dòng dịch chuyển này khiến thị phần của Á Châu Food Tech dần bị thu hẹp. Thêm vào đó, giá hầu hết nguyên liệu đầu vào đồng loạt tăng từ đầu năm 2022 hiến hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng.


Mặt bằng sản xuất bị thu hồi, không được gia hạn

Theo tìm hiểu, Á Châu Food Tech thuê đất tại số 71 - Nguyễn Khoa Chiêm, phường An Tây, TP. Huế để làm cơ sở sản xuất - kinh doanh với diện tích 13.300 m2, thuê đất trả tiền hàng năm từ ngày 1/1/2022.

Nhưng tháng 8/2022, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có quyết định thu hồi diện tích đất này do công ty đã hết thời hạn thuê đất và không được gia hạn.

Công ty này phải tháo dỡ, di dời tài sản và bàn giao đất trước ngày 31/12/2022. Công ty cho biết, đã có tờ trình gửi tới các cơ quan liên quan xin gia hạn thời gian bàn giao mặt bằng đến ngày 31/12/2023 và xin hỗ trợ bố trí địa điểm mới phù hợp với quy hoạch của tỉnh để thuê làm cơ sở sản xuất mới.


Vì sao SCIC thoái vốn?

Với quá khứ đã nhiều lần rao bán lô cổ phần tại A Châu Food Tech, cùng với những khó khăn trong hoạt động kinh doanh của công ty này chưa thể tháo gỡ, nhiều năm qua, SCIC liên tục rao bán cổ phần tại SCIC nhưng chưa thể ''rút chân''.

Gần nhất hồi tháng 10/2022 vừa qua, theo VietinBank Securities Đà Nẵng, phiên đấu giá của SCIC đã không được tổ chức do không có nhà đầu tư nào đăng ký tham gia. Do đó, SCIC hiện vẫn là cổ đông lớn nhất tại công ty này.

Mục đích chuyển nhượng vốn của SCIC tại công ty nhằm cơ cấu doanh mục đầu tư theo chủ trương thoái vốn tại các DN mà SCIC không cần giữ cổ phần. Việc chuyển nhượng cổ phần của SCIC chỉ làm thay đổi tỷ lệ sở hữu của cổ đông SCIC mà không không làm thay đổi vốn điều lệ đã đăng ký của Á Châu Food Tech.

Chia sẻ Facebook