Rắn hổ mang bò vào giường cắn bé 2 tuổi nguy kịch

Chia sẻ Facebook
26/07/2023 01:07:14

Cháu bé 2 tuổi ở Tuyên Quang đang nằm ngủ trên giường thì bị rắn hổ mang bò lên giường cắn, gia đình không đưa cháu bé đến viện ngay mà đắp lá tự chữa, sau đó cháu phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.

Trưa 25/7, bé trai V.A.T (2 tuổi, trú tại huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang cấp cứu trong tình trạng nguy kịch vì bị rắn hổ mang cắn.

Theo các bác sĩ, bé trai nhập viện trong tình trạng co giật từng cơn, hôn mê, chân trái tím đen... Gia đình bé cho biết, trưa 24/7, khi bé ngủ trên giường, rắn hổ mang đã bò lên giường và cắn vào ngón chân cái bên chân trái của bé.

Thấy con khóc thét, gia đình phát hiện đã đánh chết con rắn và vứt ra vườn. Vì trẻ vẫn chơi và ăn uống bình thường, gia đình đã đi lấy thảo dược (không rõ nguồn gốc) về đắp vào đùi cho bé để 'chữa rắn cắn'. Qua một đêm ngủ dậy, chân bé tím đen, sốt cao, co giật, nên gia đình đã đưa con đi cấp cứu.


Các bác sĩ đang cấp cứu cho cháu bé.

Các bác sĩ đã cấp cứu ngay lập tức cho trẻ, chạy đua từng giờ từng phút để cứu tính mạng cháu bé. Tuy nhiên, tiên lượng bệnh nhi rất nặng, các bác sĩ Khoa Nhi của Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang đã hội chẩn với các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương để đưa ra phương án điều trị tốt nhất cũng như vận chuyển - chuyển tuyến an toàn nhất cho cháu bé.

BSCKI Nguyễn Thị Thanh Hương - Khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang khuyến cáo: Khi trẻ bị rắn độc cắn, trẻ cần được đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt để được các bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời.

Trong lúc chờ đợi để có xe đưa trẻ đi cấp cứu, các gia đình cần lưu ý một số điểm như: Cho trẻ ngồi hoặc nằm xuống, cố gắng hạn chế cử động. Điều chỉnh tư thế để giữ vùng bị rắn cắn thấp hơn tim, ngay cả trong lúc trẻ được vận chuyển đến bệnh viện. Nếu có thể, người thân hãy rửa vết thương cho trẻ bằng xà phòng và nước.

Theo các bác sĩ, thời gian qua, nhiều người liên tiếp bị rắn cắn do mùa mưa là giai đoạn sinh nở, phát triển của các loại rắn, nhất là rắn độc. Tình trạng biến đổi khí hậu và đô thị hóa đã phá vỡ môi trường sống của rắn nên chúng trú ẩn và kiếm ăn trong các khu vườn, tán cây, bụi cỏ, gần dân cư sinh sống và bò vào nhà cắn người.

Chỉ trong đầu tháng 7, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ tiếp nhận liên tiếp 3 bệnh nhân bị rắn cắn, sử dụng hết 70 lọ huyết thanh để giải độc cứu người.

Điển hình là bệnh nhân nam, bị rắn hổ mang ẩn nấp trong gầm tủ phòng ngủ cắn vào rạng sáng 2/7. Ông được đưa vào trung tâm y tế huyện cấp cứu, không có thuốc đặc trị nên chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ và được truyền 30 lọ huyết thanh kháng nọc rắn hổ mang. Ba ngày sau, ông đã ổn định hơn.

Theo bác sĩ, mỗi loài rắn có độc tính của nọc khác nhau. Triệu chứng, tình trạng ngộ độc của người bị rắn cắn phụ thuộc vào loài rắn, vị trí vết cắn. Điều trị hữu hiệu nhất là dùng huyết thanh kháng nọc rắn, thời điểm sử dụng tốt nhất là 6 giờ đầu, chậm nhất trong 24 giờ.

Vì vậy, người bị rắn cắn cần được xử trí và cấp cứu kịp thời để hạn chế tình trạng hoại tử tay chân, rối loạn đông máu, nhiễm trùng máu, thậm chí tử vong.

Tuyệt đối không dùng miệng hút nọc độc từ vết cắn, không rạch vết thương bằng dao, không cố đuổi theo để bắt, giết con rắn, không cầm máu bằng garo, không chườm đá, đắp lá cây hoặc bôi bất cứ thuốc gì lên vết thương. Đặc biệt, không tự ý cho trẻ bị rắn cắn uống thuốc, không cho trẻ uống rượu hoặc đồ uống chứa caffeine để giảm đau.

Chia sẻ Facebook