Rằm tháng 7: Có phải chúng ta đã lệch khỏi lời dạy của Đức Phật?

Chia sẻ Facebook
12/08/2022 09:34:02

Trong quan niệm của nhiều thế hệ người Việt, tháng 7 Âm lịch là tháng dành cho các sự kiện Phật giáo, rằm tháng 7 là đại lễ Vu Lan, càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên xã hội phát triển đến hôm nay, rất nhiều điều đã đi đến cực đoan hoặc rời xa truyền thống. Đôi lúc đi qua các chùa, tôi thường tự hỏi: “Phật giáo ngày nay phải chăng đã rời xa khỏi lời dạy của Đức Phật?”

Rất nhiều điều mà khoa học đang nghiên cứu đều đã được Đức Phật giảng từ 2.500 năm trước rồi. (Ảnh qua Pixabay)

Tôi không phải là một tín đồ Phật giáo, nhưng từ thuở nhỏ tôi đã rất ngưỡng mộ lòng từ bi và trí huệ được giảng trong kinh Phật. Lớn hơn một chút, tôi tìm hiểu về khoa học và nhận ra rằng rất nhiều điều mà khoa học đang nghiên cứu, như sự tồn tại của không gian khác, các trường thời gian khác nhau, mối liên hệ giữa vật chất và ý thức,… thì hơn hai ngàn năm trước đều từng được Đức Phật giảng qua rồi.

Vi thế tôi lại càng khâm phục Đức Phật hơn nữa, tôi tin rằng Ngài không chỉ là một vĩ nhân có lòng từ bi, mà còn là một bậc giác ngộ có đại thần thông và đại trí huệ, Ngài biết tất cả về thế giới, nhân sinh và vũ trụ. Đây chính là ấn tượng hồi ấy của tôi với Phật giáo.

Nhưng khi trưởng thành tôi nhận ra rằng, Phật giáo mà tôi ngưỡng mộ, Pháp mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni truyền lại, từ lâu đã bị người ta thay đổi rồi, những điều tinh hoa đều không còn nữa, có chăng chỉ xuất hiện trong một số kinh sách cổ xưa hoặc lời kể của người già.

Nhân dịp lễ Vu Lan, tôi muốn viết ra ra đôi dòng bằng vào chút hiểu biết của cá nhân mình, để gửi gắm đến mọi người cái nhìn của tôi về sự thay đổi của Phật giáo ngày nay so với thời xưa. Những điều này đều dựa trên nhận thức cá nhân, nên không tránh khỏi sơ sót, vẫn mong nhận được chia sẻ và góp ý của bạn đọc.

Lễ bái và truy cầu

Người Việt từ xưa đến nay luôn bái Phật, điều này vốn xuất phát từ cái tâm kính ngưỡng Thần Phật của dân tộc chúng ta, là một truyền thống rất tốt đẹp. Người xưa bái Phật một là để thể hiện lòng thành, hai là để mong được học theo sự từ bi của Phật, hướng theo đường Thiện mà Phật chỉ dạy, từ đó khai mở trí huệ, đạt được cảnh giới tư tưởng cao hơn, sinh mệnh được thăng hoa và giải thoát khỏi thế tục.

Còn người thời nay bái Phật đa số đều là để cầu tiền tài danh vọng, tiêu tai giải nạn, cầu tình duyên, sinh quý tử,… hoàn toàn tương phản với điều mà Phật dạy. Đức Phật vốn là hoàng tử từ bỏ ngôi vua xuất gia, Ngài dẫn các đệ tử của mình đi xin ăn, đối với lợi ích thế gian thì tất cả đều buông bỏ. Điều mà Phật dạy con người cũng là buông bỏ dục vọng và chấp trước, trở về với bản tính thiện lương vốn có, Ngài lẽ nào còn đáp ứng cho những truy cầu lợi ích của con người, để con người đắm chìm trong dục vọng hay sao?

Hơn nữa ngày nay có rất nhiều người đều làm chuyện xấu: vì quyền lực, tiền bạc, danh tiếng, tình cảm,… mà làm tổn hại người khác, nói xấu người khác, không điều ác nào không làm, những người như vậy cũng đến chùa lễ bái, hỏi Phật có thể đáp ứng và bảo hộ cho họ hay không? Nếu Phật thỏa mãn truy cầu của họ thì chẳng phải đã làm đảo lộn quy luật nhân quả báo ứng rồi sao?

Hương khói nghi ngút, rốt cuộc người ta bái Phật để truy cầu điều gì? (Ảnh qua Yan)

Người thành tâm bái Phật, chân thành sám hối, tích cực hành thiện tích đức, thì dù mỗi năm chỉ đến đốt cho Phật một nén hương Phật cũng cảm thấy hài lòng. Còn người toàn làm việc xấu, cầu cái này cái kia chỉ để thỏa dục vọng cá nhân, dẫu có dâng lên mâm cao cỗ đầy, đốt hương tỏa khói mịt trời, cũng không thể nhận được sự chứng giám của Phật!


Còn có người cho rằng càng cúng nhiều thì càng được lộc nhiều, thậm chí một số nhà sư cũng giảng như vậy: Bỏ ra bao nhiêu tiền “cúng dường” cho Tam bảo thì sẽ được bấy nhiêu phúc phận. Rất nhiều quan chức và người giàu có hàng năm đều tốn tiền tỷ cho các chùa chỉ để lễ bái Thần Phật. Nhưng xuất phát điểm của họ không thật sự vì muốn hồng dương Phật Pháp, mà là muốn thực hiện “đổi chác” với Thần Phật: “Ngài có thấy không, con đã cúng cho Ngài rất nhiều thứ, Ngài hãy phù hộ cho con giàu có hơn nữa, thăng quan tiền chức, có được tình duyên như ý,…”

Cái tâm ấy rất xấu, không chỉ là tương phản với lời Phật dạy mà còn đang trong vô minh mà bất kính với Phật, khinh nhờn Phật. Người ta đã hoàn toàn xem Phật như tham quan ô lại, nhận tiền tài quà cáp đút lót của người khác rồi giúp đỡ cho họ. Lẽ nào Thần Phật lại nhận hối lộ, đi cửa sau? Đây chính là phỉ báng Phật! Chúng ta không thể dùng lòng mình để đo tâm tính của Phật Đà được.

Phóng sinh


Có lẽ ai trong chúng ta cũng đã từng xem qua một đoạn phim Tây Du Ký 1986: Đường Tăng khi còn là tiểu hòa thượng trong một lần nhìn thấy ngư dân câu được cá, liền đem bó củi của mình đổi lấy con cá ấy, rồi lại mang con cá thả xuống sông. Đây chính là tâm từ bi của người tu hành, cũng là biểu hiện cho Phật tính của con người. Cổ nhân giảng “Nhân chi sơ tính bản Thiện” hẳn cũng có ý như vậy.

Chỉ khi người ta thật sự xuất ra tâm từ bi, xuất phát từ lòng thương xót mà cứu giúp những sinh vật gặp nạn, thì đó mới là phóng sinh chân chính. Còn việc “phóng sinh” trong các chùa hiện nay đã phát triển đến cực đoan, trở nên vô cùng kỳ quái, điều này vẫn liên tục được tiếp diễn, dù hằng năm nó đều bị dân tình lên án gay gắt. Rất nhiều Phật tử đã xem “phóng sinh” là một trào lưu về tu Phật, ai thả nhiều chim nhiều cá hơn thì cho rằng mình tu tốt hơn, từ bi hơn, sẽ được Thần Phật bảo hộ nhiều hơn.


Nhiều nhà sư cũng giảng những lời như “phóng sinh là việc làm công đức vô lượng, có thể tăng phúc tăng thọ, trừ bệnh giải nạn” . Đại đa số người chính là vì truy cầu cái công đức, phúc thọ, trừ bệnh, giải hạn ấy nên mới đi phóng sinh, chứ không phải xuất phát từ tâm từ bi chân chính. Nhưng Phật gia giảng rằng, chỉ khi chúng ta vô tư mà làm Thiện, không mong không cầu, không nghĩ lợi riêng, không có toan tính chấp trước, thì mới thật sự có được công đức. Còn như cố ý làm vì mục đích truy cầu công đức hay phúc phận thì rồi sẽ không đạt được gì cả.

Chỉ khi người ta thật sự xuất ra tâm từ bi, xuất phát từ lòng thương xót mà cứu giúp những sinh vật gặp nạn, thì đó mới là phóng sinh chân chính. (Ảnh qua Songdep)

Về góc độ phá hoại môi trường tự nhiên và cân bằng sinh thái của việc “phóng sinh” thì rất nhiều nhà nghiên cứu đã từng phân tích rồi, ở đây tôi thử nhìn từ một góc độ khác. Bản thân việc phóng sinh không phải lúc nào cũng tốt. Vì nhà Phật giảng nhân quả báo ứng, sinh mệnh nào mắc nhiều nợ nghiệp thì mới phải đầu thai làm động vật để hoàn trả, nếu cứu chúng thì tức là không cho chúng cơ hội trả nghiệp, đời sau chúng sẽ tiếp tục làm động vật, không có cơ hội đắc được thân người.

Hơn nữa, thả một con cá lớn xuống sông, lỡ như nó lại ăn những con cá nhỏ hơn thì lúc đó tính là “phóng sinh” hay “sát sinh”? Rất khó nói! Vả lại ngay cả những người đi phóng sinh chim cá cũng thừa biết những động vật ấy là được người đi săn cố tình bắt về cho họ thả, họ thả rồi chẳng mấy chốc những người kia vẫn sẽ bắt trở lại. Thừa biết là vậy mà vẫn làm, thì đây là phóng sinh hay hữu ý giúp tàn hại sinh mệnh? Là phúc hay là tội? Do đó việc này cũng không thể làm một cách tùy tiện hồ đồ được, người chân chính tin vào Phật Pháp sẽ hiểu điều này.

Quá nhiều người giả tu

Đức Phật giảng rằng thời mà chúng đang sống hiện nay là thời mạt Pháp, đạo đức suy đồi nghiêm trọng, hòa thượng trong chùa tự độ bản thân còn khó huống hồ là độ người khác. Đến bước như vậy rồi, một số nhà sư hoặc Phật tử vẫn khoác lên mình bộ áo tu hành, nhân danh Phật Pháp để hưởng dụng lễ vật của người khác.

Nói ra thì rất đáng buồn và dường như có phần hơi đụng chạm, nhưng khá nhiều nhà sư hiện nay không còn là bậc chân tu nữa, trong đó có cả những nhà sư có danh tiếng lớn. Nếu như có bậc chân tu chủ trì, thì Phật giáo sẽ không có nhiều hiện tượng hỗn loạn như chúng ta đang thấy.

Thỉnh thoảng xuất hiện một số nhà sư làm ra những việc bất hảo như biển thủ tiền công đức, ăn thịt uống rượu, thậm chí quấy rối tình dục người khác,… Có người gọi những nhà sư này là “ma phá hoại Phật giáo”. Tất nhiên họ thật sự không tốt, đã làm chuyện rất xấu, nhưng tôi cho rằng họ không gây hại quá lớn đối với Phật giáo và xã hội. Vì người khác nhìn vào đều biết họ là giả tu, là bất chính, nên sẽ xa lánh họ và không cấp thị trường cho họ, do đó họ không lừa được nhiều người, ít gây ra tổn thất đối với Phật Pháp.

Khó nhận ra hơn chính là những nhà sư có vẻ ngoài đạo mạo và rất nổi danh, nhưng một số trong họ tuy cũng giảng Thiện, cũng tuyên dương Phật Pháp, nhưng mục đích thật sự của họ thì là vì danh lợi của bản thân. Họ thậm chí dám bẻ cong lời giảng của kinh sách, tùy tiện dùng lời của bản thân để truyền giảng đạo pháp. Đây chính là phá hoại Phật giáo từ bên trong, lừa gạt rất nhiều Phật tử, gây ra hỗn loạn cho xã hội và tạo thành tổn thất lớn cho Phật Pháp.

Những việc như “cúng dường”, “phóng sinh”, “in ấn kinh sách”, “tụng kinh siêu độ”, “xây chùa tạc tượng”,… ngày nay hầu như đều mất đi ý nghĩa thực chất của nó, trở thành những thứ kì quái dị hợm, chẳng phải cũng là do người ta tùy tiện loạn giảng kinh Phật mà ra sao?

Thời mạt Pháp hòa thượng tự độ bản thân đã khó, huống hồ là độ người khác? (Ảnh qua Nguyenuoc)

Chẳng hạn có nhà sư đề nghị Phật tử bỏ tiền ra xây chùa, đúc tượng, in ấn kinh kệ,… nói là có công đức hồng dương Phật Pháp. Nhưng chùa quá nhiều rồi mà không có người chân chính thực tu thì cũng vô dụng, tượng Phật nhiều mà người ta đều chỉ truy cầu danh lợi chứ không ai thật tâm hướng Thiện thì Thần Phật cũng không triển hiện, kinh sách chất đầy tủ đó không ai đọc, rốt cuộc bị mối mọt ăn hết thì là công hay là tội?

Số tiền “cúng dường” ấy nếu mang ra giúp đỡ cho lĩnh vực giáo dục và y tế thì chẳng phải sẽ có ý nghĩa hơn đối với xã hội sao? Có người giàu lên nhờ làm chuyện xấu, tham nhũng hoặc cướp đoạt thứ của người khác, rồi mang tiền ấy đi xây chùa tạc tượng, đó chẳng phải đang làm xấu hình tượng của Phật giáo, báng bổ Phật hay sao?

Hiện tượng giả tu, loạn tu ngày nay đã xuất hiện quá nhiều. Có người là vì danh vì lợi mà cố ý thực hiện, nhưng cũng có người thật lòng kính Phật và mong muốn tu hành, nhưng do không phân biệt được thật giả hoặc bị lừa gạt nên mới làm ra nhiều chuyện phá hoại Phật Pháp.

Dù sao đi nữa, tôi nghĩ rằng tu hành cốt lõi ở cái tâm. Dẫu là chúng ta bái Phật cúng dường, phóng sinh, tụng kinh niệm Phật, hay tạc tượng xây chùa,… thì đều cần phải chân chính xuất phát từ tâm của mình, là chân thành, lương thiện, từ bi hòa ái, vô tư vô ngã. Chỉ khi tâm chính thì mới có chính niệm, lúc đó Thần Phật mới khai mở trí huệ cho chúng ta, giúp chúng ta nhận định được đúng – sai, Thiện – ác, việc nào nên làm và việc nào không nên làm, thì những gì chúng ta bỏ ra mới không uổng phí và thật sự tích được công đức.


Thế Di

Từ Khóa :

Chia sẻ Facebook