Rải CV xin việc cả trăm nơi nhưng vẫn trong tình trạng thất nghiệp
Sau làn sóng nghỉ việc và sa thải dịp cuối năm 2022 - đầu năm 2023, nhiều người đang chật vật tìm việc. Ứng tuyển mãi cũng chưa có việc làm, phải chấp nhận thất nghiệp trong thời gian dài.
Thất nghiệp là một vấn đề phổ biến và luôn là nỗi ám ảnh của hầu hết mọi người. Càng đáng sợ hơn khi bạn vô số lần hy vọng và mỏi mòn chờ đợi nhưng không được một hồi đáp. Hồ sơ được rải khắp nơi nhưng mãi chẳng thấy hồi âm. Mệt mỏi và thất vọng dường như là tâm trạng chung của những ai rơi vào hoàn cảnh này.
Hiểu được áp lực và khó khăn trong việc tìm việc mới, đặc biệt trong bối cảnh hiện tại. Trên các hội nhóm than thở công sở, lời khuyên được nhiều người đưa ra nhiều nhất là đừng nghỉ việc ở thời điểm hiện tại bởi không dễ để tìm việc mới. Có người rải CV khắp nơi vẫn đang thất nghiệp, nhiều người mất 4 tháng đến nửa năm để tìm được việc ưng ý,... Mỗi người một tình huống khác nhau nhưng thế hệ thuộc CỘT SỐNG GEN Z đều cùng chung một cảm nhận.
Ứng tuyển mãi vẫn chưa tìm được việc
Nhắc đến quá trình xin việc, Hoàng Minh, 25 tuổi, quê ở Bắc Giang, đang sống và làm việc tại Hà Nội không giấu được sự mệt mỏi. Minh học chuyên ngành quản trị kinh doanh, tìm công việc sale (bán hàng) hoặc marketing, lĩnh vực được xem là có nhu cầu cao mà lại không hề dễ xin việc. Từ đầu năm tới nay, Minh không nhớ chính xác đã gửi CV (bản tóm tắt thông tin ứng viên tuyển dụng) đến bao nhiêu nơi nhưng chắc chắn không dưới một trăm. Nghĩ rằng rải CV càng nhiều sẽ càng tăng cơ hội việc làm nên thấy nơi nào tuyển dụng là Minh "nhập cuộc", có vài nơi nộp trực tiếp, còn chủ yếu là gửi qua email.
Không tìm được việc làm là một thử thách lớn với minh trong thời điểm hiện tại. Không nản chí, Minh bất chấp rải CV khắp nơi. Nhiều nơi cậu không nhận được phản hồi sau khi nộp hồ sơ, có vài nơi hẹn phỏng vấn rồi không thấy gọi lại, hiếm hoi có nhà tuyển dụng lịch sự gửi lời "chúc may mắn lần sau".
Thất nghiệp, Minh không dám gọi điện về nhà, bố mẹ gọi hỏi về công việc cậu làm lơ, lái sang việc khác. Minh không dám nói mình - một cử nhân, từng là niềm tự hào của bố mẹ đang chạy xe ôm để kiếm tiền trang trải cuộc sống hàng ngày trong khi chờ việc. Cậu gặp rất nhiều người trong "đội quân xe ôm" cũng rải CV khắp nơi nhưng không có kết quả.
Cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình xin việc, anh Hoàng Hải Nam (24 tuổi, quê Thanh Hóa) ra trường đã được hai năm nhưng vẫn trong tình trạng “mòn mỏi chờ đợi” xin việc. Anh Nam đã nộp 12 bộ hồ sơ tới nhiều công ty, cũng có vài nơi gọi đến phỏng vấn nhưng đều chưa được nhận vào làm.
Tốt nghiệp ngành kỹ thuật, “chân ướt, chân ráo” mới vào nghề. Hầu hết các vị trí tuyển dụng đều đòi hỏi phải có kinh nghiệm. Ngay cả những vị trí việc làm ở trong các khu công nghiệp, giờ cũng rất khó khăn. Họ cần những thợ lành nghề, kỹ thuật cao. Suốt gần 1 năm qua, anh liên tục lên mạng tìm kiếm và gửi hồ sơ xin việc đến nhiều công ty nhưng rất khó để được nhận.
Trước đây khi chọn ngành học, Nam chưa từng nghĩ một ngày bản thân lại rơi vào tình trạng này. Anh lo lắng khi chưa biết lúc nào mới xin được việc; bỏ ra 4 năm học đại học bây giờ lại phải “treo bằng”. Muốn về quê nghỉ ngơi, thăm bố mẹ để có động lực đi “rải hồ sơ” tiếp. Nhưng mỗi lần chạm mặt họ hàng lại bị hỏi về vấn đề việc làm khiến bản thân anh vô cùng sốt ruột và lo lắng.
Hiện tại anh Nam đang làm ở một siêu thị với công việc chăm sóc khách hàng, khác hoàn toàn với ngành nghề đã học. Không những thế, lương lại thấp, chỉ 6 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập này, anh không đủ trang trải cuộc sống. Tháng nào anh cũng phải vay thêm tiền bạn bè, chờ tới ngày nhận lương. Có tháng anh phải vay tới 10 triệu đồng vì có chuyện đột xuất. Đến giờ số nợ ấy vẫn chưa được trả.
Tình hình kinh tế khó khăn đã được YAN chia sẻ rất nhiều, “bài toán” tìm việc của người lao động ngày càng nan giải. Ở thời điểm cuối năm 2022 - đầu năm 2023, làn sóng sa thải đã diễn ra đẩy nhiều người rơi vào tình cảnh lao đao. Bên cạnh đó, những doanh nghiệp ít bị ảnh hưởng thì chọn cách an toàn, chưa có kế hoạch mở rộng quy mô hay tuyển thêm người.
Thị trường lao động cạnh tranh hơn bao giờ hết
Chị Hà Linh (23 tuổi, Hà Nội) tốt nghiệp đã hơn một năm đến nay vẫn chưa có một công việc hài lòng. Là người hướng nội, ít nói nhưng Linh lại chọn ngành luật - một môi trường năng động, cần sự hoạt ngôn, nhạy bén. Trong suốt bốn năm học, Linh không đi làm thêm nên ít kinh nghiệm thực tế, đồng thời kỹ năng phỏng vấn còn rất kém. Bởi vì không đủ tự tin với kiến thức, kinh nghiệm của bản thân nên chị rất dễ mất bình tĩnh khi đứng trước các nhà tuyển dụng. Chỉ cần sau khi trải qua một vòng phỏng vấn Linh mới biết lý thuyết khác xa với thực tế rất nhiều.
Linh muốn tìm công việc theo đúng chuyên ngành nhưng giờ cũng cảm thấy thất vọng khi đã liên tục thất bại. Chị cho biết đã chờ đợi suốt hơn một năm và mỗi tháng bố mẹ vẫn phải gửi tiền ra như hồi còn đi học. Nhiều lần Linh cũng đi tới các phiên giao dịch việc làm ở Hà Nội để mong muốn tìm được công việc phù hợp với bản thân nhưng đều không ổn.
Anh Phạm Tuấn Anh, trưởng phòng nhân sự một công ty truyền thông ở Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cũng đã gặp nhiều trường hợp người xin việc "rải" CV khắp nơi. Khi chưa có việc làm, thấy đâu tuyển đều gửi CV là điều bình thường nhưng anh Tuấn Anh cho rằng "số lượng không bằng chất lượng" .
Anh ngán ngẩm khi gặp không ít trường hợp nộp hồ sơ cho công ty mình về truyền thông nhưng chình ình ở phần "kính gửi" lại là tên một công ty khác về bất động sản, về thời trang. Kiểu ứng viên soạn một hồ sơ xin việc y như nhau rồi bấm nút gửi hàng loạt. Nhiều trường hợp gửi mail rồi xin gửi lại cái khác vì nhầm tên của chính mình. Các bạn dùng mẫu hồ sơ xin việc của người khác, quên sửa luôn cả tên.
Trao đổi tại chương trình "Bí quyết chinh phục nhà tuyển dụng" với sinh viên mới đây, bà Trịnh Huyền Trang, Giám đốc nhân sự khách sạn Pullman Vũng Tàu lưu ý, điều kiện cần nhất khi xin việc là ứng viên phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ CV đến quá trình phỏng vấn.
CV có lối hành văn rành mạch rõ ràng, bố cục trình bày bắt mắt. Điều này thể hiện ứng viên rất đầu tư, chăm chút. Nhưng ngược lại, có những CV rất sơ sài, cẩu thả, làm nhà tuyển dụng cảm thấy không được tôn trọng. Ngoài ra, ứng viên cần có mục tiêu rõ ràng, có hoạch định kế hoạch của mình 3-5 năm. Trong CV bạn phải thể hiện được cái bản thân đang có và điều mà nhà tuyển dụng cần. Chỉ cần qua vài trang giấy, nhà tuyển dụng có thể đánh giá về tính cách chủ nhân CV có cẩn thận không, thái độ có nghiêm túc không và cả tư duy có logic không.
Học hỏi nâng cao giá trị bản thân
Câu chuyện khó xin việc làm không phải là nỗi lo của riêng ai. Không ít bạn trẻ cũng rơi vào tình trạng tương tự và đang chật vật tìm giải pháp cho mình. Thời buổi khó khăn việc cạnh tranh là điều không thể tránh khỏi khi yêu cầu tuyển dụng ngày càng khắt khe hơn. Điều đó khiến mọi người phải nỗ lực trau dồi kiến thức nhiều hơn nữa nếu muốn tìm được một công việc sau khi ra trường, đặc biệt là trong giai đoạn “bình thường mới”.
Rất nhiều bạn đã có sự chuẩn bị từ rất sớm. Ngay từ năm 2, năm 3 nhiều bạn đã có việc làm full-time, thích nghi và thay đổi để đáp ứng nhu cầu hiện nay. Vân Anh (Sinh viên năm 2 Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) cảm thấy lo lắng và quyết tâm tìm việc ngay từ cuối năm 1 khi biết nhiều người quen không có việc làm sau khi ra trường.
Vân Anh nộp CV xin làm cộng tác viên báo chí. Cô xin việc từ sớm không phải để kiếm tiền mà muốn tích lũy thêm kinh nghiệm cho bản thân. Vân Anh nghĩ có việc làm càng sớm, càng hạn chế rủi ro thất nghiệp trong tương lai. Hiện, nhờ làm cộng tác viên báo chí, Vân Anh tự tin hơn trong giao tiếp, xử lý tin bài cũng khéo léo hơn trước.
Trong những ngày đầu tác nghiệp, cô gái 19 tuổi gặp không ít tình huống oái ăm như liên tục bị nhân vật từ chối phỏng vấn, bài đầu tư công sức nhưng không được đăng. Tuy nhiên, cô vẫn cố gắng duy trì nhịp viết bài vì “không phải ai cũng may mắn có việc làm như ý lúc này”.
Có hàng ngàn lý do khiến một người không tìm được việc làm. Thời gian này cũng là cơ hội để chúng ta đánh giá lại bản thân cũng như tái tạo lại chính mình. Nếu bạn biết sử dụng khoảng thời gian này một cách khôn ngoan thì rất có thể là bước tiến nhảy vọt trong con đường sự nghiệp của bạn.
Mức độ cạnh tranh của mỗi lĩnh vực là khác nhau. Người ta đổ dồn vào lĩnh vực nào thì lĩnh vực đó càng nhiều nhân tài xuất hiện, càng khó cạnh tranh. Chính vì vậy, muốn có được công việc mơ ước, bạn cần phải trở nên xuất sắc hơn cả, không ngừng nâng cao năng lực, đoạt thêm nhiều bằng cấp, giải thưởng.
Tận dụng "lợi thế" để khai thác và làm mới bản thân. Trong thời gian rảnh đừng cho phép đầu óc của bạn nghỉ ngơi mà hãy giữ cho nó hoạt động bằng cách học một kỹ năng mới. Tận dụng khoảng thời gian này để bắt kịp những thay đổi của ngành hoặc phát triển một kỹ năng mới.
Đầu tư chỉn chu, cập nhật và "đánh bóng" sơ yếu lý lịch. Nếu bạn đã làm công việc tương tự trong một thời gian dài, bạn nên nghiên cứu cách tốt nhất để tối ưu hóa sơ yếu lý lịch của mình. Ngoài ra, hãy bắt đầu cải thiện hoạt động trực tuyến nhiều hơn bằng cách tạo hoặc cập nhật hồ sơ online và tham gia các nhóm ngành chuyên nghiệp. Tất cả những kết nối đó sẽ giúp bạn học hỏi và là cách tuyệt vời để tìm kiếm những vị trí mới cho bạn trong tương lai.
Tinh thần cầu tiến, không ngừng học hỏi, vươn lên cũng là điều rất quan trọng đối với mỗi bạn trẻ hiện nay. Vì vậy nếu chưa tìm được việc làm, các bạn cũng không nên quá chán nản, thất vọng. Ngoài các kiến thức sách vở, tận dụng thời gian trau dồi các kỹ năng mềm và khả năng ngoại ngữ. Chỉ có như vậy mới dễ dàng theo kịp yêu cầu ngày càng cao của xã hội.
Những năm vừa qua, tình trạng sinh viên thất nghiệp sau khi ra trường, hay ra trường nhiều năm vẫn loay hoay không tìm được công việc phù hợp không phải điều hiếm gặp. Đây là vấn đề nan giải ở nhiều quốc gia trên thế giới. Thậm chí có những sinh viên tốt nghiệp bằng giỏi ở những trường top đầu cũng khó kiếm việc làm bởi nhiều lý do khác nhau.
Vậy mới thấy không phải cứ học đại học ra là nghiễm nhiên có thể tìm được một công việc ổn định với mức lương cao. Có thể kiếm được việc làm hay không ngoài bằng cấp còn phụ thuộc rất lớn vào năng lực của mỗi người. Dù bạn có bằng cấp cao đến đâu nhưng quá trình làm việc không tốt thì vẫn sẽ bị đào thải. Để tránh rơi vào tình trạng thất nghiệp lâu, giới trẻ cần xác định thật kĩ lưỡng mục tiêu và con đường mình muốn đi để không đánh mất đi cơ hội của bản thân.
Xem thêm các bài viết tương tự TẠI ĐÂY!