'Rái cá' ở Hòn Nghệ
Gió Nam thổi mạnh, những đợt sóng biển trắng xóa liên hồi đánh vào bờ, chàng 'rái cá' Trần Văn Tuấn hăm hở rẽ sang hướng bãi Chướng, Hòn Nghệ, để bắt đầu cuộc mưu sinh kỳ lạ bằng cách... cắm đầu xuống đáy biển.
Trần Văn Tuấn (ở xã Hòn Nghệ, huyện Kiên Lương, Kiên Giang) đã gắn bó với việc sống ở trên bờ, mưu sinh dưới đáy biển này nhiều năm rồi nên chỗ nào có sò, có ốc, cá mú... hay không anh cũng đều sành sỏi như lòng bàn tay.
Còn bạn bè, ngư dân xứ đảo này đều phục lăn chàng "rái cá" có biệt tài sống ở đáy biển nhiều hơn trên bờ.
Độc chiêu của chàng "rái cá"
Chiều về ở bãi Chướng (Hòn Nghệ) yên bình. Nắng dần khuất sau núi nhạt vàng. Gió thổi nhẹ, mặt biển xanh trong êm đềm. Tiết trời này chính là thời điểm tốt nhất để anh Tuấn hóa thành "rái cá" lặn dưới biển săn ốc, cá.
Khi lặn biển, chúng tôi quan sát thấy anh Tuấn chẳng chuẩn bị gì nhiều. Chẳng có ống lặn ở dưới biển, cũng chẳng thấy bình oxy, chân vịt bơi lặn biển... mà chỉ thấy anh có vỏn vẹn túi lưới đựng ốc, lưới vây bắt cá mú, cây cạy cát bắt sò (cây làm bằng tre và được anh gọt cẩn thận dài khoảng 40cm) và ống kính lặn vừa đỡ cay mắt vừa nhìn thấy rõ ốc, cá dưới đáy biển.
"Nước trong này cá, ốc ra ăn dạn lắm, mình cũng dễ bắt nó" - anh Tuấn vừa nói vừa quơ tay chân như muốn giữ ấm cơ thể trước khi trầm mình xuống nước.
Triều cường hôm nay dâng cao nên mực nước biển ở sát mé cầu chợ xã Hòn Nghệ ít gì anh Tuấn nói cũng có độ sâu nhiều mét. Nhưng nước trong vắt, chúng tôi vẫn nhìn thấy cả nhum, ốc, cá bơi thành đàn ở dưới biển.
Anh Tuấn không bắt cá nhỏ, để chúng có cơ hội sinh sản. Thay vào đó, anh chỉ săn sò tộ, sò cò, sò lông, ốc the, ốc trinh nữ và cá mú - loài cá đắt tiền được chàng "rái cá" này ví von là "thủy quái đại dương".
Sò cò, ốc the, ốc trinh nữ không nói nhưng để bắt sò tộ, cá mú "thông minh" ở dưới biển này "rái cá" Tuấn buộc phải am hiểu và có chiêu riêng để bắt được chúng.
Hơn 10 năm kinh nghiệm, Tuấn nói ở dưới biển có những lớp cát, đá sỏi xen kẽ với những hốc đá to, sâu đầy rêu - đây được xem là nhà trú ẩn an toàn cho chúng. Muốn bắt sò tộ được nhiều, anh Tuấn phải hít một hơi thật sâu, lặn một đoạn đường dài để kiếm còi sò (vòi của sò) vươn lên khỏi lớp cát dưới biển.
Không giống như ốc hay nhum có gai nhọn tua tủa đu bám ở gốc đá mà sò tộ ẩn mình sâu dưới cát. Nước biển trong, sò tộ mới vươn vòi lên. Thấy nó rồi, anh Tuấn dùng cây bới cát bắt chúng lên. Có chỗ nhiều anh lặn rồi lấy tay hốt lên cả mấy ký sò.
Bắt sò tộ đã khó, nhưng bắt cá mú "rái cá" Tuấn nói còn khó hơn. Cá mú có nhiều loại như cá mú sao, cá mú trân châu... và chúng có miệng lớn, hàm răng sắc nhọn, ưa sống ẩn mình sâu trong hang, hốc đá dưới biển.
"Cá mú nó mạnh lắm. Chỉ cỡ 3 - 4kg thôi, dưới nước mình làm lơ mơ là hổng lại nó", anh Tuấn vui vẻ kể. Chạm trán với cá này, chàng "rái cá" không bao giờ vội vàng. Anh thường quan sát xem chỗ núp của cá. Sau đó, anh sẽ dùng lưới chuyên dụng của mình làm (lưới giống như một cái chài thu nhỏ có chì xung lưới) để vây cá. Cuộc chiến giữa người và cá dưới nước này anh buộc lặn nhiều hơi hơn.
Với cá mú nhỏ, chàng "rái cá" có thể dùng hai tay bóp chặt. Cá mú lớn thấy nguy hiểm hay ém sát vào sâu trong hốc đá, anh cũng buộc phải áp sát và luồn tay của mình sâu vào mang cá - cách này đảm bảo cá không thể giãy giụa thoát được.
"Cá tung ra lưới, mình tóm gọn khỏi nói. Còn không thì buộc tôi phải chịu đau vì răng cá và các hốc đá có vỏ ốc, vỏ hàu đeo bám khiến đôi tay tôi bị cứa nát bươm, tứa máu..." - anh Tuấn xắn tay áo lên để lộ ra nhiều vết sẹo ngang dọc do răng cá mú táp.
Lặn được cả 8 - 10 tiếng mỗi ngày
Cái nghề lặn biển này chàng "rái cá" Tuấn cho biết bất đắc dĩ lắm mới làm. Cực khổ và đánh đổi sức khỏe thật nhiều gia đình anh mới vừa có cơm vừa có điều kiện để ba đứa con ăn học đàng hoàng.
Chị Phạm Thị Nhuộm (vợ anh Tuấn) cho biết: "Giờ cuộc sống cũng ổn định, tôi nói ảnh bớt đi lặn lại. Ảnh hổng chịu, nhớ nghề hay sao tôi không biết". "Quen rồi, nghỉ ở nhà mình cũng buồn lắm", anh Tuấn cười khà khà.
Dân làng biển, không làm ngư dân đi đánh cá, đánh mực khơi xa thì ở nhà anh Tuấn lặn xung quanh hòn để mò cua, bắt ốc. Ốc, sò, cá giờ cũng khan hiếm, mỗi ngày trầm mình lặn 8 tiếng anh bắt được 10 - 15kg ốc, sò đủ loại.
Cân xô bán cho thương lái với giá 70.000 - 100.000 đồng/kg ốc, sò hoặc anh mang về nhà cho chị Nhuộm nướng rồi bán cho khách du lịch ăn đêm cũng sống được.
"Tôi dân gốc Cần Thơ. Lập gia đình rồi cùng vợ về Hòn Nghệ này sống đến giờ. Cuộc sống giờ cũng ổn định. Ốc, cá bắt hằng ngày được nhiêu xài nhiêu hà. Dư chút đỉnh, vợ tôi để đó có cần gì thì xài...", anh Tuấn nói rồi xách túi lưới lên khoe mới lặn hơn một tiếng đã bắt được 5kg ốc, sò.
"Số ốc này lát nữa tôi sẽ gửi các anh ăn cho biết ốc, sò ở hòn ngon cỡ nào" - Tuấn cười nói hào sảng. Đáp lại chân tình này, chúng tôi nói: "Anh lặn cực khổ, để tụi tôi gửi lại tiền cho anh...".
Chàng "rái cá" xua tay: "Bán bao nhiêu cho đủ, với lại trước lạ sau quen, lấy đi cho tôi vui. Không chỉ có tôi đâu. Dân xứ hòn này vậy đó, mộc mạc thiệt tình lắm".
Sau khi trút hết số ốc trong túi lưới, anh Tuấn lặn một hơi thật sâu xuống biển hốt lên một nắm ốc mắt ngọc gửi thêm cho chúng tôi. Chưa dứt nụ cười vui vẻ, phóng khoáng, chàng "rái cá" lại lao cắm đầu xuống đáy biển.
Lúc này, đồng hồ đã chỉ đúng 5h chiều, mặt biển vẫn rực nắng vàng...
Hổng lặn thì nhớ biển như... nhớ vợ
39 tuổi nhưng nhìn chàng "rái cá" Tuấn rất già dặn. Anh cao, ốm và có làn da đen vì nắng và nước biển. Anh kể hồi đầu chưa quen nên khi lặn xuống nước sâu lỗ tai bị đau nhức, và đặc biệt là lặn lâu thì về nước từ trong lỗ mũi cứ chảy ra ròng ròng...
Anh Tuấn cũng không lý giải được sự việc nước từ lỗ mũi chảy ra. Chỉ biết qua hôm sau, tự dưng nó hết. Về sau lặn quen, nhiều khi anh lặn cả ngày. Lạnh quá, anh ngoi lên ăn vội chén cơm, quần áo chưa ráo nước lại cắm đầu lặn tiếp.
Hôm nào gió bão, biển động, không lặn được, chàng "rái cá" lại đâm nhớ, cứ ra vô thẫn thờ như... nhớ vợ. Nhiều người, kể cả bạn bè ngư dân cứ ví von gọi anh là chàng "rái cá" xứ hòn.
Lặn giỏi mà leo dừa cũng bá phát
Anh Nguyễn Minh Nhựt (xã Hòn Nghệ, huyện Kiên Lương) cho hay nói về Tuấn "rái cá" ở đây không ai không biết. Không chỉ lặn biển giỏi mà Tuấn còn leo dừa "ăn chia" bá phát. Leo dừa núi, Tuấn chia đôi với chủ vườn.
"Dừa núi ốm nhách, có cây cao khoảng 30 - 40m là chuyện bình thường, tôi leo nhanh lắm. Số dừa tôi hái được chia hai. Dừa tươi tôi đem về cho vợ bán khoảng 10.000 đồng/trái kiếm tiền phụ thêm cho mấy đứa con ăn học", anh Tuấn cười nói.
Hói Mít - cái tên làng kỳ lạ đã khiến chúng tôi tìm ngôi làng heo hút trong góc núi Hải Vân một ngày hè 21 năm trước và chứng kiến nhiều chuyện 'cười ra nước mắt'.