Rác và tai nạn giao thông
Sau giao thừa tết dương vừa rồi, nhiều hình ảnh lan truyền trên báo và trên mạng về... rác ở hai thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và Tp.HCM.
Nó là căn bệnh lưu cữu lâu nay của người Việt, dù phải nói cho công bằng, thế hệ trẻ bây giờ đã rất có ý thức về rác, từ các cháu lẫm chẫm đi ngoài công viên cương quyết cầm vỏ bánh tới thùng rác bỏ, tới các cháu học sinh trước khi đứng lên đồng loạt dọn sạch chỗ mình vừa ngồi.
Nhưng về đại thể, cứ chỗ nào có người Việt là chỗ ấy có rác, có bao nilon. Câu này tôi nghe trong một lần sang... Lào, vùng nông thôn chứ không phải đô thị.
Có anh bạn nói với tôi, lỗi là tại chúng ta phát triển đô thị nhanh quá, nên có đô thị mà chưa có thị dân. Trong khi nhẽ ra phải... đào tạo thị dân trước.
Vốn dĩ nước ta tới hơn chín chục phần trăm là nông dân, ở nông thôn, mà nông thôn thì, đất rộng thế, bạ đâu cũng có thể biến thành bãi rác được. Và nữa, đa phần rác nông thôn là rác hữu cơ, nó có thể tự hủy hoặc động vật nuôi trong nhà chén.
Tới ngay đầu ra của con người, cũng có đội quân chó phục vụ hết mình. Nhiều vùng nông thôn, em bé ị xong, kêu êu êu phát, chó phóc lên giường dọn sạch, và còn “vệ sinh” cho em bé luôn, bố mẹ chị em rất nhàn.
Khi lên đô thị, họ mang phong cách nông thôn ấy lên.
Và như chúng ta thấy, cứ sau một hoạt động gì đấy đông người thì rác lại tràn ngập. Từng có những hội cổ động viên nước ngoài tới Việt Nam, khi mà người Việt xem bóng đá xong hoan hỉ vươn vai ra về thì họ mỗi người một tay nhặt rác.
Và giao thừa vừa rồi lại vẫn như thế.
Biển người ở Hà Nội, Tp.HCM và một số địa phương đón lễ đếm ngược Countdown mang phong cách rất tây. Nhưng hành xử thì rất... không tây, khi mà sau đấy trắng xóa dưới chân là rác, mà đa phần là rác vô cơ, chai nhựa, bao nilon, hộp xốp đựng thức ăn.
Thì cũng đã bảo, dân ta rất thích làm ngược. Đếm ngược thì không nói rồi, nhưng cứ chỗ nào cấm đổ rác thì tức là mời họ đổ, chỗ nào CAM TE BAY thì tức là có quyền... úp mặt vào tường và nơi ấy thành cái toilet công cộng.
Một nạn nữa của những ngày lễ là tai nạn giao thông.
Theo thống kê từ cơ quan chức năng thì trong ba ngày nghỉ tết dương lịch 2024, cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử phạt 7.570 lái xe vi phạm nồng độ cồn, có năm mươi sáu người chết vì tai nạn giao thông.
Và xem cái clip anh chàng lái xe, chở con trên xe nữa, chống đối không chịu đo nồng độ cồn, cương quyết lái xe bỏ chạy cho tới lúc không chạy được nữa thì mới... thúc thủ nhưng chốt cửa ngồi trong xe, cảnh sát phải đập kính xe cưỡng chế mà kinh.
Cứ những ngày nghỉ là tai nạn giao thông tăng, bao giờ cũng thế. Ngày nghỉ là ngày đi chơi, nhưng rất nhiều người đã ra khỏi nhà rồi không trở về nhà, mà đến thẳng bệnh viện hoặc... nghĩa địa.
Ngoài số năm mươi sáu người chết thì còn một trăm ba mươi mốt người bị thương.
Số bị thương còn tội nợ hơn nữa.
Tôi từng rởn người khi chứng kiến mấy vụ xử tài xế cố tình cán người bị tai nạn giao thông cho... chết, vì họ đồn nhau, lỡ rồi, đền một lần còn hơn phải nuôi người bị thương, tàn tật cả đời.
Số bị thương ấy, nhẹ còn đỡ, chứ tàn phế thì đúng là cả đời khổ, trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội.
Nhưng biết làm sao, chả nhẽ ngày nghỉ lại... ở nhà.
Một trong những việc cần làm là tuyên truyền sâu và rộng luật giao thông.
Nhà tôi ở phía bên này đường, cách con đường đôi có dải phân cách cứng là cái quảng trường, hàng ngày tôi hai lần qua đường để sang quảng trường đi bộ thể dục.
Và mới phát hiện, rất ít người chịu đi đúng đường dành cho người đi bộ, đoạn có vạch trắng ấy.
Và những người chạy xe trên đường, cả ô tô và xe máy, cũng đều không có ý thức gì về cái chỗ đi bộ qua đường có vạch trắng ấy. Họ đa phần là không giảm tốc độ dù có hôm tôi đã đứng giữa đường giơ hai tay như xin hàng để qua đường nhưng chả xe nào giảm tốc độ.
Ngay các chiến sĩ công an nghĩa vụ ở trước nhà tôi làm nhiệm vụ bảo vệ mục tiêu, đi đổi gác cũng vẫn... điềm nhiên sải bước qua dải phân cách. Có lần ngồi với chỉ huy đại đội ấy, tôi bảo anh góp ý với em là ra nghiêm lệnh cho chiến sĩ đi đổi gác phải đi đúng luật qua đường. Mình phải làm gương cho dân, mặc cảnh phục mà thế nó phản cảm. Thấy có chuyển biến nhưng thi thoảng vẫn còn trường hợp... vượt rào. Chả thế nên mấy ông bà hàng xóm nhà tôi đi bộ thể dục cũng toàn... leo qua dải phân cách chứ không chịu đi lên mấy chục mét để qua đường đúng chỗ.
Không hẳn là họ cố tình, mà là họ chưa được học đúng học kỹ. Các chiến sĩ cảnh sát bảo vệ cũng thế, ở nông thôn lên, có phải qua đường đâu.
Nên cái sự yêu cầu học bắt buộc trong trường là rất quan trọng. Cũng phía trên nhà tôi có hai trường học. Đa phần phụ huynh đưa con đi học là đều dắt băng qua đường chứ không đi đúng vạch. Nếu trẻ em được học kỹ, chúng sẽ bắt buộc phụ huynh phải theo. Tôi cũng chứng kiến cháu bé cự nự ba nó khi ông cố tình vượt đèn đỏ. Hình như các cuộc cảnh sát giao thông xuống trường hướng dẫn học luật giao thông mới chỉ chú trọng chuyện đèn xanh đèn đỏ chứ cái sự qua đường thế nào, nhường nhịn làm sao, thậm chí bóp còi vô tội vạ chưa được đề cập kỹ. Tôi có anh bạn lái xe, cứ lên xe là bóp còi, góp ý thì ổng bảo, người ta chế tạo ra cái gì thì không bao giờ thừa, có còi thì phải bóp, nó yên tâm. Thế nên cũng lại trước cửa nhà tôi, có cái trường mẫu giáo, sáng chiều giờ đưa đón là loạn xạ còi...
Còi nhiều nhưng vẫn tai nạn giao thông thì rõ ràng không phải bóp còi thì yên tâm, thì an toàn hơn rồi, mà nó ở nhiều yếu tố khác.
Chúng ta mới chỉ lo phần ngọn, sau mỗi dịp nhiều tai nạn giao thông lại hối hả tổng kết, quyết tâm các cái, nhưng cái cơ bản nhất, hệ trọng nhất, là ý thức của những người tham gia giao thông thì hình như, hơi hẻo, hơi mỏng...
Nó gồm cả yếu tố kỹ thuật và yếu tố văn hóa.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả