Rắc rối ở Silicon Valley Bank khiến giới đầu tư “đứng ngồi không yên”
Cơn hoảng loạn càn quét thị trường startup trong ngày 09/03, khi một số nhà đầu tư mạo hiểm thúc giục các công ty startup rút tiền khỏi Silicon Valley Bank (SVB) vì lo ngại về tình hình tài chính bấp bênh của ngân hàng này.
Rắc rối ở Silicon Valley Bank khiến giới đầu tư “đứng ngồi không yên”
Cơn hoảng loạn càn quét thị trường startup trong ngày 09/03, khi một số nhà đầu tư mạo hiểm thúc giục các công ty startup rút tiền khỏi Silicon Valley Bank (SVB) vì lo ngại về tình hình tài chính bấp bênh của ngân hàng này.
Rắc rối diễn ra khi Silicon Valley Bank bất ngờ thông báo họ sẽ lập tức thực hiện các động thái bất thường để củng cố tình hình tài chính của ngân hàng.
Trước đó, bảng cân đối của Silicon Valley Bank (SVB) đã tệ đi trông thấy trong bối cảnh các khách hàng chính của ngân hàng (công ty startup và công nghệ) đối mặt với môi trường kinh doanh thách thức.
Để giải quyết vấn đề thanh khoản, SVB tiết lộ đã bán 21 tỷ USD các khoản đầu tư thanh khoản cao nhất, vay 15 tỷ USD và tổ chức đợt bán cổ phiếu khẩn cấp để huy động vốn.
Thông thường, các ngân hàng rất ngại phải thực hiện bất kỳ động thái nào trong số này (chứ đừng nói đến là thực hiện cả 3 cùng một lúc). Và lỡ như buộc phải thực hiện, họ cũng sẽ dàn xếp vô cùng cẩn thận. Giá cổ phiếu Silicon Valley Bank lao dốc 60% trong ngày 09/03 khi nhà đầu tư hoảng loạn sau thông báo mới.
Hoảng loạn càn quét nhóm ngân hàng
Rắc rối ở Silicon Valley Bank đã kéo giảm giá cổ phiếu của các ngân hàng khác, vì lo ngại các ngân hàng khác cũng có thể rơi vào tình cảnh tương tự. Cổ phiếu First Republic Bank sụt 16.5%, Signature Bank lao dốc hơn 12% và Zions Bancorporation tụt 11.4%.
Các ngân hàng lớn hơn cũng chịu trận. Cổ phiếu Bank of America và Wells Fargo sụt 6.2%, còn JPMorgan Chase rớt 5.4%. Chỉ số ngân hàng KBW – vốn theo dõi cổ phiếu của 24 ngân hàng lớn – giảm gần 8%, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 6/2020 (giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19).
Greg Becker, Tổng Giám đốc của Silicon Valley Bank, kêu gọi các công ty đầu tư vốn mạo hiểm bình tĩnh trong cuộc họp ngày 09/03.
Tuy nhiên, hàng loạt nhà đầu tư đã không nghe theo lời trấn an đó. Họ đã khuyến nghị các công ty startup rút một phần hoặc toàn bộ vốn khỏi Silicon Valley Bank. “Bất kỳ ngân hàng nào cũng sẽ sụp đổ nếu tất cả khách hàng rút vốn”, Arjun Sethi, nhà đầu tư tại Tribe Capital, viết trong một lưu ý.
Đối tác quan trọng của giới startup
Ra đời từ năm 1983, SVB có quy mô nhỏ so với các ngân hàng Phố Wall, nhưng có sức ảnh hưởng cực lớn tới các startup công nghệ. Họ tự gọi mình là “đối tác tài chính của nền kinh tế đổi mới”. Silicon Valley Bank được biết tới dịch vụ cung cấp các khoản vay cho startup và quản lý tài sản tư nhân cho nhân viên công nghệ.
Trên Twitter, một số nhà đầu tư mạo hiểm dự báo rằng ngân hàng sẽ phải bán tài sản hoặc sẽ được giải cứu. Trong khi đó, những người khác đã chuẩn bị sẵn tâm lý cho sự sụp đổ của SVB, ca ngợi ngân hàng là một đối tác tốt trong những năm qua.
Theo Mark Suster, nhà đầu tư mạo hiểm tại Upfront Ventures, rủi ro tài chính duy nhất đối với khách hàng của SVB là sự hoảng loạn dẫn đến hiện tượng rút tiền đột ngột (bank run). “Hãy nghĩ về lượng công ty sẽ bị xóa sổ chỉ sau 1 đêm nếu SVB phá sản”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn. “Đó sẽ là một thảm họa và mọi người đừng nên đùa về nó”.
Villi Iltchev, nhà đầu tư tại Two Sigma Ventures, thúc giục các công ty startup “hỗ trợ” SVB bằng cách không rút tiền. Roseanne Wincek, nhà đầu tư tại Renegade Partners, cho biết nếu diễn ra hiện tượng bank run chỉ vì hoảng loạn, đó sẽ là động thái “tự hủy” với ngành startup.
Sunny Juneja, nhà sáng lập startup chuyên về công nghệ bất động sản Canopy Analytics, nói rằng ông đã cố gắng rút tiền của công ty (khoảng vài triệu USD) ra khỏi SVB sau lời khuyến nghị của các cố vấn và nhà đầu tư. Tuy nhiên, cổng thông tin trực tuyến của SVB đã ngừng hoạt động. Ông đã dành cả buổi chiều để cố gắng thiết lập một tài khoản tại một ngân hàng khác.
“Tôi đang làm mọi thứ có thể trong thời gian ngắn nhất để rút vốn,” ông Juneja nói.
Juneja chia sẻ ông cảm thấy tồi tệ vì SVB từng là một đối tác tốt. Tuy nhiên, ông cũng không thấy có lợi gì khi ở lại với SVB trong bối cảnh hoảng loạn, trong khi rời đi thì cũng không hại gì.
Trong một ghi chú gửi cho khách hàng vào ngày 09/03, một giám đốc điều hành của SVB cho biết đó là “một ngày khó khăn” nhưng ngân hàng “thực sự hoạt động khá tốt và thật đáng thất vọng khi thấy quá nhiều nhà đầu tư thông minh nói về điều ngược lại".
Giống như tất cả các công ty cùng ngành, SVB chỉ giữ lại một phần nhỏ tiền gửi của khách hàng dưới dạng tiền mặt có thể rút ngay lập tức. Phần lớn sẽ được cho các khách hàng khác vay hoặc đầu tư để kiếm lãi. Điều đó làm dấy lên lo ngại rằng việc rút tiền ồ ạt sẽ khiến SVB không thể trả nổi.
Cách tức thời để chặn đứng cuộc khủng hoảng có lẽ là thuyết phục khách hàng ngừng rút vốn. Trong một lá thư gửi khách hàng vào ngày 08/03, ông Becker cho biết SVB “có vị thế tài chính để vượt qua áp lực kéo dài trên thị trường”. Tuy nhiên bức thư có lưu ý về lượng tiền gửi thấp hơn dự báo trong tháng 2, và không đề cập đến lượng tiền rút ra.
Sau lá thư từ ông Becker, Moody’s đã hạ bậc tín nhiệm của trái phiếu SVB và giảm triển vọng từ “ổn định” xuống “tiêu cực”. Moody’s không kỳ vọng môi trường sẽ hồi phục đủ để SVB cải thiện đáng kể khả năng sinh lời, nguồn vốn và thanh khoản”.
Tháng trước, Chủ tịch Fed khu vực St Louis cảnh báo khi lãi suất tăng lên, giá trị của các tài sản đầu tư tại ngân hàng sẽ giảm và những khoản lỗ này sẽ tác động tiêu cực tới tình hình vốn của ngân hàng.
Một số công ty khác đã lợi dụng rắc rối của SVB để thu hút khách hàng. Một giám đốc của ngân hàng nhỏ hơn Levro đã gửi thư tới các khách hàng tiềm năng, trong đó nói rằng “họ có quy trình xử lý/phê duyệt nhanh chóng cho các khách hàng hiện tại của SVB”.
Vũ Hạo (Theo NYTimes)