"Rác" mạng xã hội: Mạng ảo nhưng hệ lụy thật
Một bộ phận các bạn trẻ đã nhiễm lối sống ảo, bị điều khiển bởi không gian ảo, bắt chước đủ thứ độc hại trên mạng miễn là thu được nhiều nút like.
Những video nhảm nhí, xấu độc, phản văn hóa nhưng lại nhận được hàng chục nghìn, thậm chí hàng tram ngàn lượt yêu thích. Những nút yêu thích hay chia sẻ tưởng chừng như vô hại nhưng có nhiều người giật mình nhận ra rằng trên mạng xã hội giờ đầy rẫy những video có nội dung tương tự như vậy, được nhân lên bởi các bạn trẻ tuổi teen học theo, làm theo. Nói tục, chửi bậy thành chuyện thường ngày, thậm chí còn thành trend mạng xã hội.
Chia sẻ về chủ đề này, TS. Phạm Hải Chung – Giảng viên Khoa Báo chí, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội cho hay: "Nhiều bạn trẻ chia sẻ rằng muốn trở thành người nổi tiếng trên Facebook, Tiktok hay các nền tảng mạng xã hội khác. Trong thế giới thông tin, mọi người đang cho rằng sự chú ý là tất cả, quan trọng và vì để có được điều đó nên nhiều người đã bất chấp dùng các hình thức câu view, gây chú ý đối với người xung quanh".
"Tôi lo ngại nhất cho các bạn trẻ chưa chính thức trở thành một công dân số. Các bạn rất khó phân biệt được đường mờ giữa thế giới thật và thế giới ảo. Cho nên, chúng ta thấy rất nhiều giang hồ mạng đang ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của các bạn trẻ. Khi các bạn học hành vi trên mạng xã hội, những thông tin không được kiểm chứng, không đúng với chuẩn mực về văn hóa, điều đó vô hình chung tác động thực trong đời sống".
Một quy luật truyền thông đã được cảnh báo từ xưa tới nay, khi một điều sai được lặp lại hàng trăm, hàng nghìn lần, nó có nguy cơ trở thành điều đúng. Điều đó nghĩa là tâm trí con người không còn khả năng phán xét đúng hay sai. Nói không ngoa rằng một bộ phận các bạn trẻ đã nhiễm lối sống ảo, bị điều khiển bởi không gian ảo, bắt chước đủ thứ độc hại trên mạng, thậm chí là nguy hiểm tới tính mạng miễn là thu được nhiều nút like.
Thống kê cho thấy, tội phạm giết người đang có xu hướng trẻ hóa. Có 60% đối tượng phạm tội giết người ở độ tuổi dưới 30, so với trước đây chỉ chiếm khoảng 35%. Đáng lo ngại hơn, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng cách đây 10 – 15 năm, khi phạm tội, những kẻ gây tội ác luôn cảm thấy run sợ, ăn năn, hối lỗi, nhưng gần đây nhiều kẻ gây án lại không thấy mình có tội. Sự lệch chuẩn này có nhiều nguyên nhân.
"Để có không gian mạng lành mạnh thì cần tới trách nhiệm của những nhà cung cấp nền tảng. Chúng ta thấy Facebook hay Yotube đã có nút báo cáo và dựa trên những tiêu chuẩn cộng đồng" - TS Phạm Hải Chung đề cập những giải pháp ngăn rác trên mạng xã hội - "Tôi nghĩ là rất quan trọng đó là giáo dục. Nếu chúng ta muốn có những công dân số tương lai thì cần rất nhiều kỹ năng số, năng lực số khi tham gia mạng xã hội. Đó là tư duy phản biện để phân tích, đánh giá thông tin. Thực ra, văn hóa ứng xử ngoài đời như thế nào thì nó cũng tương đồng với văn hóa trên Internet, nên rất cần vai trò của nhà trường để định hình cho các bạn trẻ trước khi tham gia những môi trường như mạng xã hội".
"Câu Like", "câu view" trên MXH: "Thông tin rác đang nhấn chìm chính chúng ta" Đây là một trong những nhận được của chuyên gia Nguyễn Đình Thành đưa ra trong Chuyên mục Văn hóa lên sóng số đầu tiên.