Ra trường vứt bằng đi chạy xe ôm: Lương thấp nhưng được tự do tự tại

Chia sẻ Facebook
26/04/2023 21:10:54

Thay vì chật vật đi xin việc, nhiều bạn trẻ lựa chọn làm xe ôm công nghệ. Mặc dù phải vất vả nắng mưa nhưng được tự do tự tại, thích thì làm, không thích thì nghỉ.

Ngày nay có không ít các ứng dụng gọi xe công nghệ không chỉ nhanh gọn, tiện lợi cho người sử dụng mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều người. Thậm chí, không ít bạn trẻ sau khi chật vật xin việc hoặc đã đi làm được vài năm cũng quyết định bỏ việc đi chạy xe ôm. Mặc dù thu nhập của công việc này không quá cao, lại có nhiều rủi ro nhưng nó thoải mái giờ giấc, không bị bó buộc thời gian như đi làm văn phòng.



Đôi khi bằng cấp không phải yếu tố quyết định công việc sau này.


Tốt nghiệp bằng giỏi ra trường chạy xe ôm

Tôi có một anh bạn đại học, tốt nghiệp ra trường bằng giỏi hẳn hoi nhưng sau 2 năm đi làm lại lựa chọn vứt xó tấm bằng đi chạy xe ôm. Cậu ta đăng ký liền lúc làm tài xế của hai hãng, chạy xe từ sáng đến tối. Nếu chăm chỉ có ngày cũng kiếm được 500.000 - 700.000 đồng. Một tháng trung bình nếu chạy đều cũng kiếm được đến 12-15 triệu đồng/1 tháng. Mức lương này tuy không quá dư dả nhưng đủ để sống ở Hà Nội một mình, không phải phụ thuộc vào ai.



Nhiều bạn trẻ dù tốt nghiệp cử nhân, thạc sĩ vẫn quyết định đi chạy xe ôm. (Ảnh minh họa: Thanh niên)


Mặc dù mỗi lần về quê cậu ta lại được nghe loạt câu hỏi như: “Phí công học đại học 4 năm, ra trường có cái bằng lại vứt xó mà không tiếc à?”, “Biết thế thì từ đầu đi học đại học làm gì, sao không làm xe ôm từ đầu đi”,… Nghe đến đây, cậu bạn của tôi chỉ cười trừ mà không nói gì. Hỏi có tiếc không đương nhiên là tiếc chứ. Nhưng sau 2 năm đi làm, cậu ấy đã quá chán nản với môi trường công sở gò bó. Sáng nào cũng phải dậy sớm chen chúc cho kịp giờ chấm công. Ngày nào đi làm về vội quên không chấm công là mất ngay ngày lương.

Chưa kể cuối tuần hay mỗi dịp nghỉ lễ lại ngập đầu trong deadline. Những ngày nghỉ lễ dài 3-5 ngày công ty lại vẽ vời ra các hoạt động team building. Nhiều khi ở quê có việc gấp muốn xin nghỉ thì phải viết email trình bày hết với leader, trưởng phòng rồi đến hành chính nhân sự. Chỉ riêng ngồi đợi các sếp trả lời email đã hết cả thanh xuân. Mỗi ngày đi làm về lại cảm thấy đầu óc nặng trịch, không còn muốn làm gì nữa.



Lựa chọn giữa công việc văn phòng gò bó và làm xe ôm tự do thoải mái thời gian khiến nhiều người đau đầu. (Ảnh minh họa: Sohu)

Không chỉ cậu bạn của tôi, nó kể ở chỗ làm đồng nghiệp có bằng giỏi cả mớ. Thậm chí, có ông anh còn thành thạo 2 ngoại ngữ nhưng vẫn đi làm xe ôm. Điển hình phải kể đến một anh trai quê ở Ninh Bình, tốt nghiệp sư phạm, nói tiếng Anh rất lưu loát. Trước đó anh cũng đam mê nghề gõ đầu trẻ nhưng sau 3 năm đi dạy vẫn chỉ ở dạng hợp đồng, chờ mãi cũng chưa có đợt thi tuyển công chức. Ngày nào cũng dạy 4-5 tiết, tối về lại chấm bài, giáo án, hoạt động giảng dạy thi đua đến nửa đêm mà lương chỉ được 7-8 triệu/1 tháng.

Tôi thắc mắc sao anh ấy không đi dạy thêm, giờ giáo viên ra trung tâm dạy thêm cũng kiếm được nhiều. Chứ trông chờ vào tiền lương cứng thì sao mà đủ sống. Nhưng khổ nỗi môn mà anh dạy lại là Lịch sử, học sinh ít có nhu cầu đi học thêm. Anh cũng tính học lên thạc sĩ rồi về quê xin vào phòng giáo dục. Tuy nhiên, để xin được một chân này ở quê cũng không phải điều đơn giản. Vậy là trước mắt đành tạm thời đi làm xe ôm.



Bức ảnh từng gây tranh cãi khắp mạng xã hội khi bằng đại học thành tấm lót chuột. (Ảnh: Tinhte)

Hay một trường hợp khác của anh Phạm Quốc Thái từng gây bão mạng xã hội khi du học thạc sĩ từ Mỹ về cũng bỏ bằng đi chạy xe ôm. Thông tin đăng tải trên Báo Thanh Niên cho hay anh Thái chính là một trong 6 người được cấp học bổng du học tại trường đại học Arizona (Mỹ) trong vòng 1 năm. Vậy nhưng sau khi về nước anh lại được phân một công việc khác xa với chuyên môn. Đáng chú ý mức lương chỉ có 2,8 triệu đồng/1 tháng. Với mức lương này, anh Thái không thể đủ sống ở Sài Gòn nên đành ngậm ngùi bỏ xó tấm bằng Thạc sĩ danh giá để đi làm xe ôm công nghệ.


Lương thấp nhưng tự do tự tại

Một trong những yếu tố giúp nghề xe ôm công nghệ được nhiều bạn trẻ lựa chọn nhất chính là sự tự do, thoải mái về giờ giấc. Nếu như đi làm văn phòng bạn bắt buộc phải làm 7-8 tiếng/1 ngày chưa kể tăng ca thì chạy xe ôm thích làm bao nhiêu tiếng cũng được, chỉ cần bạn có đủ thời gian, sức khỏe. Những ngày rảnh rỗi không vướng bận có thể chạy từ sáng đến tối muộn. Những ngày bận rộn có thể tắt app nghỉ ngơi một vài hôm.

Đôi khi trên đường đi công việc cũng có thể tiện thể chạy được một cuốc xe. Nhiều khách vui tính, hài hước còn “bo” thêm cho không ít. Hoàng Nam (27 tuổi, hiện đang là tài xế xe ôm công nghệ tại Hà Nội) cho hay bản thân đã làm nghề này được 2 năm. Sau khi ra trường đi làm văn phòng được 1 năm mà nhảy việc tới 3 lần nên Nam khẳng định mình không hợp với môi trường gò bó như vậy. Mặc dù có trong tay tấm bằng cử nhân, lại biết thiết kế đồ họa nên Nam dư sức kiếm được hơn 10 triệu đồng/1 tháng. Thậm chí có tháng cậu còn kiếm được tới 20-30 triệu đồng. Tuy nhiên, công việc đó có quá nhiều áp lực.



Công việc này dù lương thấp nhưng có thể tự do, thoải mái thời gian.

Đơn cử như việc thiết kế một chiếc poster, phải sửa đi sửa lại chục lần sếp cũng không ưng. Lúc thì đòi đổi màu chữ, lúc thì đòi đổi phông chữ, có lúc sếp lại bắt thay phần này, thay phần kia. Sau cả buổi sáng làm chán làm chê thì sếp lại bảo thôi giữ nguyên bản ban đầu. Sếp là một chuyện, nhận jobs của khách bên ngoài cũng oái oăm không kém. Gửi bản thiết kế hoàn thiện cả tuần trời mới được phản hồi, đến lúc sửa xong thì giục mãi không thấy thanh toán. Khi hỏi lương thì hết kế toán ốm lại kế toán nghỉ sinh rồi công ty đang khó khăn chưa giải ngân được.

Vậy là Nam quyết định đi làm xe ôm, mặc dù có tháng chỉ kiếm được 7-8 triệu đồng nhưng đầu óc được nhẹ nhàng, thư thái. Đôi khi buổi tối có cuốc xe chở khách qua Hồ Tây bản thân cũng được hóng gió luôn, tinh thần sảng khoái hơn đi làm văn phòng rất nhiều. Đặc biệt là môi trường làm việc không có drama công sở, không phải nghe hội chị em chê chiếc váy của chị này lòe loẹt, chê kiểu tóc của chị kia luộm thuộm.

Anh Hiệp (32 tuổi, lái xe công nghệ ở Hà Nội) cũng cho hay sau lần nài nỉ xin nghỉ vì nhà có việc gấp mãi sếp không duyệt anh quyết định nghỉ hẳn luôn. Lần đó, bố anh gặp va chạm giao thông cần có người chăm sóc. Các em ở quê đã thay phiên nhau chăm bố nửa tháng rồi nên anh không thể làm ngơ. Tuy nhiên, khi xin nghỉ 1 tuần chăm bố thì anh nhận được câu trả lời chỉ được nghỉ tối đa 3 ngày. Hơn nữa, công ty chỉ duyệt nghỉ dài ngày cho ma chay, cưới hỏi còn ốm đau bình thường thì không được duyệt.



Công việc văn phòng khiến không ít người phải chịu áp lực nặng nề. (Ảnh minh họa: VnExpress)

Nghe đến đây anh Hiệp chỉ muốn nghỉ ngay lập tức nhưng cũng sợ bị mất tháng lương, lúc lấy bảo hiểm lại bị công ty gây khó dễ nên đành làm cố nốt tháng. Về đến nhà nhìn bố nằm trong viện, anh quyết định thà đi chạy xe ôm lương thấp mà tự do tự tại còn hơn. Đi làm cũng chỉ mong phụng dưỡng, báo hiếu bố mẹ mà lúc bố mẹ cần nhất lại không thấy mặt thì lương chục triệu, trăm triệu có nghĩa lý gì?

Lãng phí chất xám, công việc nào mà chẳng có khó khăn?

Chuyện cử nhân, thạc sĩ ngày nay vứt xó bằng đi chạy xe ôm không phải hiếm. Điều này có thể giải quyết vấn đề thu nhập trước mắt nhưng về lâu về dài thì có nhiều bất cập. PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định với VTC News đây chính là sự lãng phí về thời gian, tuổi trẻ và chất xám. Bởi sau một thời gian dài lao động chân tay, các kiến thức chuyên môn sẽ trở nên thui chột, không được cập nhật thường xuyên sẽ có nhiều lỗ hổng. Hơn nữa tuổi trẻ chính là lúc phấn đấu gây dựng sự nghiệp chứ không phải đổ lỗi cho tự do tự tại để làm những gì mình thích.

Công việc nào cũng có những khó khăn, vất vả riêng. Chẳng có công việc nào kiếm ra tiền mà nhẹ nhàng cả. Ngay cả lái xe ôm công nghệ, ngoài việc tự do, thoải mái thời gian thì phải đối mặt với rất nhiều vấn đề. Hàng ngày các tài xế phải dãi nắng dầm mưa rất vất vả. Chưa kể đến có rất nhiều rủi ro ví như khách thái độ không tốt sẵn sàng đánh giá 1 sao sẽ mất luôn cả thưởng. Hay đôi khi không cẩn thận còn bị mất cả tài sản, thậm chí nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng.



Việc từ bỏ tấm bằng đi chạy xe ôm sẽ khiến lãng phí chất xám.

Chưa kể nếu muốn kiếm được thu nhập cao, ít nhất bạn cũng phải chạy xe trên dưới 10 tiếng đồng hồ/1 ngày. Hơn hết phải chạy đều cả 30 ngày trong tháng, nhất là càng vào ngày lễ, cuối tuần nhu cầu đi xe của người dân càng cao. Nếu như vậy chẳng phải còn tốn nhiều thời gian hơn so với đi làm văn phòng hay sao? Và quan trọng nhất công việc này không thể làm lâu dài đến già cũng như đòi hỏi phải có lương hưu sau này được.

Chỉ một phép so sánh đơn giản giữa xe ôm truyền thống và xe ôm công nghệ. Hiện nay, ai nấy đều sử dụng điện thoại, gọi xe trên app, các bác xe ôm già hàng ngày ngồi chờ khách mòn mỏi ở bến xe cũng chẳng được cuốc nào. Thậm chí khi đã ngỏ lời với khách chạy bằng tiền trên app cũng vẫn bị từ chối. Chưa kể, việc chạy xe ôm công nghệ cũng lệ thuộc rất nhiều vào các công ty. Đôi khi công ty sẽ có các chương trình khuyến mại, các chính sách giảm giá mà chính tài xế là người phải bù lỗ. Đã có không ít trường hợp đình công về vấn đề này xảy ra tuy nhiên vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.



Hình ảnh người tài xế mặc áo mưa ngủ gục trên xe vì quá mệt mỏi khiến nhiều người xót xa. (Ảnh: Cắt từ clip N.M.N)

Vậy mới thấy, công việc nào cũng có những khó khăn, vất vả riêng. Nếu bạn đã lựa chọn thì cần kiên trì và nỗ lực phấn đấu với nó. Tuổi trẻ là để trải nghiệm, không phải cứ làm 1, 2 môi trường thấy không thuận lợi là bắt đầu nghĩ đến việc vứt xó bằng đi làm xe ôm. Chỉ là bạn chưa thực sự tìm được môi trường phù hợp hoặc chưa cố gắng hết sức cho công việc. Đừng để 4,5 năm thanh xuân trên giảng đường đại học trở nên vô nghĩa.

Về vấn đề này, cần làm rõ ngay từ khi chuẩn bị thi đại học rằng liệu ngành đó sau này ra trường làm gì, công việc này có phù hợp không, gia đình có đủ tiềm lực lo việc ổn định không? Điều đó sẽ tránh được vấn đề “thừa thầy, thiếu thợ” diễn ra nhiều năm qua. Trong khi nhiều ngành cần nhân lực chất lượng cao lại không có, những ngành thừa nhân lực thì học sinh, sinh viên lại đổ xô đi học.



Học sinh cần cân nhắc lựa chọn ngành học hợp lý ngay từ đầu. (Ảnh minh họa: Lao động)


Quan điểm của bạn về vấn đề này như thế nào? Cùng để lại bình luận bên dưới với YAN nhé. Và đừng quên theo dõi Camera Xóm để cập nhật thêm nhiều tin tức đời sống xã hội thú vị.

Đối với mỗi người giai đoạn tự do, thoải mái nhất có lẽ chính là lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, được bố mẹ lo ăn, lo học. Sau này khi đã tốt nghiệp ra trường, bị gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền thì chẳng có công việc nào nhàn hạ, vô tư được. Chính vì thế, thay vì than vãn hoặc bỏ phí tấm bằng đại học làm công việc không liên quan, các bạn hãy nghiêm túc phấn đấu vì sự nghiệp của mình. Tuổi trẻ là để trải nghiệm, đừng ngần ngại nhảy việc hay thay đổi môi trường. Chỉ cần bạn quyết tâm, chắc chắn những nỗ lực đó sẽ thu về quả ngọt xứng đáng.


Xem thêm các bài viết tương tự TẠI ĐÂY !

Chia sẻ Facebook