Quyết định “không thể hiểu nổi” của Pháp, Italy và điều châu Âu cần

Chia sẻ Facebook
12/11/2022 20:17:41

Người tị nạn đến châu Âu luôn là một vấn đề “đau đầu” đối với EU và căng thẳng cho các nước thành viên của khối này, mà mới đây nhất là Pháp và Italy.

Chính phủ Pháp và Italy đang xung đột về cách họ xử lý các tàu cứu hộ di cư sau khi Italy từ chối cho phép con tàu cứu hộ chở hơn 200 người di cư cập cảng.

Tàu nhân đạo Ocean Viking chở 234 người tị nạn được cứu, bao gồm 57 trẻ em, sau hơn 2 tuần lang thang trong vùng biển quốc tế và bị Italy từ chối tiếp nhận, hôm 11/11 đã được phép cập cảng Toulon của Pháp.

Những người trên tàu đến từ các quốc gia ở châu Phi, Trung Đông và châu Á, bao gồm Bangladesh, Eritrea, Syria, Ai Cập, Pakistan, Mali và Sudan.


Hôm 10/11, trước khi con tàu cập cảng, một số người di cư có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng đã được trực thăng đưa đến bệnh viện ở đảo Coóc (Corsica).

Một phần ba số người di cư trên tàu sẽ được định cư ở Pháp và một phần ba ở Đức, trong khi các cuộc thảo luận giữa các nước EU khác vẫn tiếp tục về địa điểm định cư cho những người còn lại.

Khi con tàu cập cảng Pháp, cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Paris và Rome cũng trở nên tồi tệ hơn, báo hiệu sự hỗn loạn hơn nữa trong cách Liên minh châu Âu (EU) xử lý vấn đề người xin tị nạn đến châu Âu.

Một người di cư cần được chăm sóc y tế khẩn cấp được Quân đội Pháp nâng lên bằng trực thăng từ tàu cứu hộ Ocean Viking ở Biển Tyrrhenian, ngày 10/11/2022. Ảnh: Getty Images

Tàu cứu hộ tị nạn của tổ chức phi chính phủ Ocean Viking. Ảnh: Shutterstock


Chỉ trích lẫn nhau

Trong một tuyên bố, tập đoàn SOS Mediterranée của Pháp, đơn vị điều hành con tàu, gọi vụ việc là “một thất bại nghiêm trọng từ tất cả các quốc gia châu Âu, vốn đã vi phạm luật hàng hải theo cách chưa từng có”.


Ông Mathieu Tardis, một chuyên gia nhập cư của Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, cho biết luật pháp quốc tế quy định những người sống sót sau một chiến dịch tìm kiếm và cứu nạn trên biển phải được đưa đến bến cảng gần nhất và an toàn nhất. Ông nói: “Đây là lý do tại sao luôn là Italy chứ không phải Pháp khi nói đến việc tiếp nhận những người đến từ châu Phi và Libya”.

Châu Âu có một cách để giúp các quốc gia như Italy trên tuyến đầu của cuộc di cư. Trong cơ chế được gọi là “cơ chế đoàn kết” hình thành hồi tháng 6, Pháp và 19 quốc gia châu Âu khác đã tự nguyện cam kết tiếp nhận một số lượng nhất định trong số hàng nghìn người di cư đến Italy bằng đường biển.

Nhưng chính phủ mới của Italy cho biết, “cơ chế đoàn kết” không hoạt động và chỉ có 164 người xin tị nạn đã được chuyển từ Italy trong năm nay đến các quốc gia khác trong khối tình nguyện chấp nhận họ - một phần rất nhỏ trong số hơn 88.000 người đã đến bờ biển của Italy vào năm 2022.

Tân Thủ tướng Italy Giorgia Meloni trong tuần này đã đưa Pháp vào thế “sự đã rồi” bằng cách cảm ơn chính phủ Pháp đã chấp nhận tàu Ocean Viking, khi Paris vẫn chưa nói gì đến vấn đề này.

Tàu Ocean Viking, do tổ chức từ thiện SOS Méditerranée điều hành, đã giải cứu những người tị nạn trên Biển Địa Trung Hải. Ảnh: Anadolu Agency

Người di cư tập trung trên boong tàu cứu hộ Ocean Viking. Ảnh: Euronews

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin, trong một cuộc họp báo hôm 10/11, đã chỉ trích gay gắt Italy vì đã từ chối tiếp nhận người di cư từ tàu Ocean Viking, mô tả hành động của nước này là “không thể hiểu nổi” và “ích kỷ”.

Ông Darmanin cũng cho biết việc Pháp tiếp nhận tàu Ocean Viking chỉ là trường hợp ngoại lệ và sẽ không phải là tiền lệ cho các trường hợp tương tự trong tương lai. Đồng thời, Bộ trưởng Pháp tuyên bố Paris sẽ đóng băng kế hoạch tiếp nhận 3.500 người tị nạn từ Italy theo “cơ chế đoàn kết” trong những năm tới.

Chính phủ Italy cho biết, họ rất sửng sốt trước phản ứng của Pháp. “Phản ứng của Pháp khi tiếp nhận 234 người di cư, trong khi Italy đã nhận hơn 90.000 người chỉ riêng trong năm nay, là hoàn toàn không thể hiểu được”, Bộ trưởng Nội vụ Italy Matteo Pindedosi nói.

Bộ trưởng Ngoại giao Italy Antonio Tajani cho biết, bằng việc không cho tàu Ocean Viking cập cảng, Rome đã gửi một tín hiệu đến các quốc gia EU rằng họ phải đóng một vai trò lớn hơn trong việc tái định cư những người di cư đến bờ biển Italy.


Vấn đề của EU

Ông Tardis của Viện Quan hệ Quốc tế Pháp cho rằng việc kiến các quốc gia châu Âu khác nhau đồng ý về một chính sách nhập cư chung luôn là một nhiệm vụ khó khăn.

“Đó là một cuộc thảo luận không có hồi kết trong 7-8 năm qua. Làm thế nào chúng ta có thể phân bổ tốt hơn những người di cư và tị nạn ở EU”, ông nói. “Và có một số quốc gia thành viên - chủ yếu là Hungary và Ba Lan - đã từ chối tiếp nhận bất kỳ người di cư hoặc xin tị nạn nào”.

Tuy nhiên, ông Tardis lưu ý rằng năm nay Ba Lan đã tiếp nhận hàng trăm nghìn người Ukraine chạy trốn khỏi giao tranh. Hungary cũng đã phá lệ giang tay đón nhận một lượng lớn người tị nạn Ukraine tràn qua biên giới chung.

Rạn nứt ngoại giao giữa Paris và Rome không có dấu hiệu giảm bớt, trong bối cảnh châu Âu ngày càng lo lắng về vấn đề người nhập cư đến từ châu Phi và Trung Đông. Đồng thời, các điều kiện buộc người ta phải rời khỏi đất nước của họ - chiến tranh, áp bức, biến đổi khí hậu và nạn đói - đang trở nên tồi tệ hơn, bà Judith Sunderland, người đứng đầu bộ phận Châu Âu và Trung Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cho biết.

Các thành viên tàu cứu hộ Ocean Viking trao áo phao cho người tị nạn và người di cư trên một chiếc thuyền quá tải ở Biển Địa Trung Hải. Ảnh: Al Jazeera

Một nhân viên bảo vệ bờ biển Libya đứng trên thuyền trong cuộc giải cứu 147 người di cư đang cố gắng đến châu Âu ngoài khơi thị trấn ven biển Zawiyah, Libya, ngày 27/6/2017. Ảnh: Getty Images

Bà Sunderland cho biết không ai sẵn lòng vượt biển trên một con thuyền ọp ẹp hay một chiếc bè bơm hơi, trừ khi họ hoàn toàn tuyệt vọng và không còn lựa chọn nào khác.

“Tất cả những người di cư này đang chạy trốn khỏi những tình huống khủng khiếp ở quê nhà của họ, và có rất nhiều bằng chứng về sự tàn bạo đối với người tị nạn và người di cư ở Libya”, bà Sunderland nói.

Các quốc gia như Italy và Malta có thể cảm thấy họ đang gánh vác một phần trách nhiệm không công bằng đối với người di cư và người tị nạn đến bằng đường biển, nhưng bà lưu ý rằng Pháp và Đức nhìn chung tiếp nhận nhiều người xin tị nạn hơn nhiều. “Italy không hề bị quá tải”, bà Sunderland cho biết.

Hơn 2.000 người di cư thiệt mạng và mất tích đã được ghi nhận trên tuyến đường trung tâm Địa Trung Hải kể từ năm 2021.

Bà Sunderland cảnh báo con số đó có thể tăng lên. Bà nói, điều thực sự cần thiết là “một hệ thống dự đoán việc di rời và tái định cư của những người di cư, nơi họ sẽ được đối xử đúng mực, quyền của họ sẽ được tôn trọng và các yêu cầu xin tị nạn của họ sẽ được thực hiện và đánh giá”.


Đó là chìa khóa để tránh lặp lại những gì đã xảy ra trong tuần này với Ocean Viking, bà kết luận .


Minh Đức (Theo NPR, DW, UPI)

Chia sẻ Facebook