Quyền lực tuyệt đối của Mark Zuckerberg ở Meta: Nhà đầu tư chê CEO vô tình vì tự quyết định mọi thứ, họp cổ đông chỉ mang tính hình thức
Một số cổ đông lớn của Meta đang trút giận lên ban quản lý sau khi tuyên bố tăng cường xây dựng metaverse của tập đoàn này gây sốc cả Phố Wall.
Tuần trước, cổ phiếu Meta giảm 25% trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, ngay sau khi tập đoàn này cảnh báo rằng khoản lỗ từ Reality Labs, một bộ phận xây dựng metaverse, sẽ tăng "đáng kể" vào năm 2023. Các nhà đầu tư cũng giật mình trước thông báo về khoản chi 39 tỷ USD trong năm tới của Meta, tức cao gấp đôi so với hồi năm 2021.
“Nếu những công ty khác xảy ra tình trạng này, chắc chắn các nhà đầu tư sẽ viết thư và đề xuất phương án thay thế giám đốc. Tôi nghĩ Mark hiểu rất rõ những gì các nhà đầu tư muốn, song vẫn đưa ra quyết định của mình”, Jim Tierney, giám đốc đầu tư tăng trưởng tại AllianceBerntein, một cổ đông của Meta, cho biết.
Sự tức giận đã lan sang các cuộc họp ban lãnh đạo, nơi Zuckerberg tham dự với tư cách cá nhân kể từ khi Meta gây chấn động Phố Wall với kế hoạch chi tiêu khủng của mình. Financial Times trích lời một chuyên gia cho biết: “Có vẻ như cảm giác thất vọng của các nhà đầu tư đang dâng cao hơn bao giờ hết”.
“Khi mọi người gọi lại để nhận phản hồi từ Meta, họ cảm thấy kinh khủng hơn thay vì thuyên giảm nỗi giận”, Jim Tierney nói.
Theo David Older, người đứng đầu bộ phận cổ phiếu của Carmignac, một công ty quản lý có cổ phần tại Amazon, Microsoft và Google: “Zuckerberg đã vô tình với cộng đồng đầu tư. Thời gian dành cho metaverse kéo dài. Tôi không chắc liệu đó có phải là bước đi đúng đắn trong 5 hay 10 năm nữa hay không”.
Tuy nhiên, khi được hỏi cảm nghĩ về sự tức giận của giới đầu tư, Meta cho biết: “Chúng tôi coi trọng ý kiến của họ và thường xuyên tham gia các cuộc họp để đảm bảo rằng mình không bỏ lỡ bất kỳ quan điểm nào”.
Giống như nhiều công ty khác, Meta thường xuyên tổ chức họp nội bộ sau báo cáo thu nhập hàng quý. Đây được coi như một hình thức xoa dịu các cổ đông, bởi quyền kiểm soát hoàn toàn của Zuckerberg có thể giúp anh phớt lờ quan điểm của tất cả.
Meta tuyên bố không bình luận thêm về vấn đề này, song khẳng định “đội ngũ quản lý Meta, cùng với sự giám sát của Hội đồng quản trị, sẽ tập trung thực hiện các chính sách ưu tiên để tạo giá trị lâu dài cho cổ đông”.
Sự thất vọng của cổ đông Meta đã tăng lên trong những năm gần đây khi họ nhận ra mình chính là trung tâm của các cuộc cãi vã không hồi kết về tình trạng vi phạm quyền riêng tư, sai lệch thông tin hay đặt cược quá lớn vào metaverse. Đề xuất loại bỏ cổ phiếu ưu đãi đã nhận được 28% phiếu bầu tại cuộc họp cổ đông thường niên hồi đầu năm nay, song cũng không giải quyết được gì vì Zuckerberg là người có quyền hạn cao nhất.
“Với metaverse, có quá nhiều sự hoài nghi. Zuckerberg và đội ngũ phát triển, với tư cách là một tập đoàn, đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có tiền lệ”, Dan Ives, chuyên gia phân tích công nghệ kỳ cựu của Phố Wall nhận định.
Về mặt pháp lý, các giám đốc của Meta có trách nhiệm đại diện cho tất cả các cổ đông, ngay cả khi Mark Zuckerberg kiểm soát đối tượng được bầu vào hội đồng quản trị, theo Steve Diamond, một chuyên gia quản trị tại Đại học Santa Clara. Tòa án có thể can thiệp nếu hội đồng quản trị đó bị phát hiện đang làm “lãng phí” nguồn nhân lực.
“Tôi rất ngạc nhiên về số tiền Meta chi cho metaverse. Nếu Mark Zuckerberg chỉ có 1% cổ phần, chắc anh ý phải ra đi lâu rồi”, Steve Diamond nói.
Điều này khiến các cổ đông chuyển sang cách tiếp cận hòa giải. Trong một bức thư gửi đến các giám đốc Meta, Brad Gerstner, thuộc Altimeter Capital, đã cố gắng thu hút sự chú ý bằng cách khen ngợi hoạt động kinh doanh của Meta, sau đó thúc giục công ty cắt giảm ít nhất 20% nhân viên và tiết kiệm 5 tỷ USD cho ngân sách.
“Chúng tôi nghĩ rằng lời khuyên trên sẽ giúp Meta trở thành một công ty năng suất và tập trung hơn, một công ty sẽ lấy lại niềm tin và động lực của các nhà đầu tư”.
“Mọi người đều đồng tình với bức thư của Brad Gerstner gửi cho Zuckerberg,” một cổ đông nói. “Bạn có thể là một cổ đông lớn và vẫn đầu tư 5 tỷ USD mỗi năm vào metaverse song phải có kỷ luật”.
Tuy nhiên, trong một cuộc họp gần nhất, các giám đốc điều hành Meta đã cố gắng giải thích với các cổ đông, rằng 82% ngân sách quý III đều dành cho các dịch vụ hiện có thay vì metaverse.
Một số nhà đầu tư công nghệ, việc Apple hạn chế dữ liệu thu thập trên các thiết bị của mình đã tác động nghiêm trọng lên doanh thu quảng cáo của Meta. Điều này khiến Mark Zuckerberg không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cố gắng xây dựng và củng cố nền tảng.
“Nếu đây là một kiểu quản trị kiểu cũ, tranh cãi sẽ vô tận”, một nhà phân tích cho biết.
Theo FT, phần lớn những điều không vui đều bắt nguồn từ việc Meta không đưa ra cụ thể mốc thời gian biểu cho việc sa đà chi tiêu vào metaverse.
“Họ chi ra 15 tỷ USD/năm cho metaverse nhưng không cung cấp cho chúng tôi bất kỳ thông tin nào về khung giới hạn. Đó chỉ là một tham vọng quá lớn”, một cổ đông phàn nàn.
“Các cổ đông đang bối rối trước ý nghĩa của metaverse”, Brad Gerstner viết. “Nếu công ty chỉ đầu tư 1-2 tỷ USD/năm cho dự án này thì nó đã chẳng phải vấn đề lớn”.
Theo: Financial times, Bloomberg
Theo Vũ Anh