Quyền lợi người mua bảo hiểm còn bỏ ngỏ?

Chia sẻ Facebook
15/10/2022 07:40:17

Thị trường bảo hiểm của Việt Nam phát triển nhanh với doanh số tỷ USD. Các doanh nghiệp cạnh tranh khốc liệt bằng nhiều sản phẩm mới đa dạng. Tuy nhiên, phía sau con số thành công vẫn còn điểm bỏ ngỏ trong bảo vệ quyền lợi người mua bảo hiểm.

Quyền lợi người mua bảo hiểm còn bỏ ngỏ?


Những khoảng mờ của Bancanssurance

Là một trong những loại hình phổ biến trên thế giới, phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng (Bancassurance) phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Hiện nay, hơn 40% số lượng hợp đồng khai thác mới đến từ kênh bancassurance, 8 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có doanh thu bancassurance trên 1.000 tỷ đồng.

Theo Hiệp hội bảo hiểm, doanh thu và tỷ trọng thu nhập từ Bancassurance của doanh nghiệp bảo hiểm ngày càng tăng lên. Con số này ở mức 65 nghìn tỷ đồng (chiếm 7,8% doanh thu phí bảo hiểm) năm 2017, lên tới 130 nghìn tỷ đồng (chiếm 18,9%) năm 2020. Đến năm 2021, doanh thu phí bảo hiểm qua kênh bancassurance đã chiếm khoảng 39% tổng doanh thu khai thác mới. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, 6 tháng đầu năm 2022, thị trường bancassurance tăng trưởng 23%. Hoạt động bancassurance đã đóng góp hàng nghìn tỷ đồng vào lợi nhuận trong năm 2021 của nhiều ngân hàng.

Tuy nhiên, đằng sau con số biết nói ở trên, những bất cập bắt đầu bộc lộ. Tại một số ngân hàng, để thu hút khách hàng gửi tiền tham gia sản phẩm liên kết đầu tư giữa doanh nghiệp bảo hiểm và ngân hàng, xuất hiện tình trạng, nhân viên ngân hàng tư vấn không đầy đủ thông tin. Phản ánh tới chúng tôi, hàng loạt khách hàng khi tất toán sổ tiết kiệm được chào mời sản phẩm tiết kiệm đầu tư với lãi suất cao hơn tiết kiệm thông thường, linh hoạt rút tiền. Tin lời nhân viên ngân hàng tư vấn, nhiều người đồng ý đầu tư, khai thông tin cá nhân, ký tên sẵn trên tờ giấy trắng để nhân viên làm hợp đồng, ký lệnh chuyển tiền, ủy nhiệm chi. Hơn một tháng sau, khách hàng nhận lại hợp đồng mới té ngửa là bảo hiểm nhân thọ.

“Đến khi phát hiện mua bảo hiểm nhân thọ, tôi khiếu nại, ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm đùn đẩy trách nhiệm. Không chỉ mất số tiền hàng chục triệu đồng đóng vào bảo hiểm mà khiến chúng tôi mất lòng tin hoàn toàn vào sản phẩm bảo hiểm liên kết với ngân hàng”, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết (65 tuổi, Hà Nội) - một khách hàng bị tư vấn viên tư vấn sai lệch thông tin của hợp đồng bảo hiểm liên kết với ngân hàng chia sẻ.

Nhiều người cao tuổi, sống bằng lương hưu bị nhân viên ngân hàng kiêm tư vấn bảo hiểm khai khống thu nhập tới 200 triệu đồng/năm

Một trong những điểm “lập lờ” của nhân viên ngân hàng tư vấn bảo hiểm liên kết là chỉ nói tới lãi suất cao, không nhắc khoản phí duy trì hợp đồng, dòng tiền đầu tư. Và nhiều người khi nhận ra ký nhầm hợp đồng bảo hiểm nhân thọ chỉ biết than thân trách phận bởi “bút sa gà chết”. Hầu hết khách hàng nhận hợp đồng bảo hiểm ngã ngửa thì đã quá thời hạn khiếu nại.

Không những vậy, trong bối cảnh khát vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, khi vay vốn ngân hàng, người dân, doanh nghiệp phải mua kèm bảo hiểm nhân thọ mới được giải ngân. Chị Nguyễn Dung – chủ trang trại chăn nuôi tại Thanh Hóa cho biết, muốn vay vốn ngân hàng, nhân viên đề nghị mua bảo hiểm nhân thọ trị giá 15 triệu đồng/năm. Để được thông qua khoản vay, chị Dung chấp nhận mua bảo hiểm và xem như “chi phí ngoài” để vay được vốn.

Người dân tới báo Tiền Phong phản ánh về việc nhân viên tư vấn tư vấn không chính xác điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm liên kết với ngân hàng

Tại diễn đàn “Bancassurance: Tiềm năng và thách thức” diễn ra tháng 8/2022, TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã chỉ ra nhiều bất cập của kênh bancassurance. Tiêu biểu như chất lượng tư vấn bảo hiểm qua kênh ngân hàng yếu kém. Đặc thù của bancassurance là khách hàng mua bảo hiểm thường sử dụng dịch vụ của ngân hàng nên cũng hay bị ảnh hưởng bởi uy tín hoặc chịu áp lực từ ngân hàng trong việc mua bảo hiểm.

Theo bà Phạm Thu Phương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), hiện nay có tình trạng nhân viên ngân hàng tư vấn không đầy đủ, khiến khách hàng hiểu nhầm về sản phẩm xảy ra phổ biến nhất ở sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư.

Để khắc phục những bất cập lớn nêu trên, bà Phạm Thu Phương cho biết Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2023 đã có những quy định riêng đối với kênh Bancassurance. Theo đó, tăng cường trách nhiệm của các đại lý là tổ chức, trong đó có tổ chức tín dụng trong tư vấn chào bán giới thiệu sản phẩm cho khách hàng.


Chi phí bồi thường chưa tương xứng

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 7/2022, tổng doanh thu phí bảo hiểm của thị trường bảo hiểm Việt Nam ước đạt gần 137 nghìn tỷ đồng. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt hơn 38 nghìn tỷ đồng; bảo hiểm nhân thọ ước đạt hơn 98 nghìn tỷ đồng. Tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm gần 765 nghìn tỷ đồng.

Trước đà phát triển của thị trường bảo hiểm, Bộ Tài chính lấy ý kiến Dự thảo Đề án Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu doanh thu ngành bảo hiểm tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 ở mức 15%/năm. Đến năm 2025, quy mô thị trường bảo hiểm đạt 3%-3,3% GDP và tăng lên 3,3 -3,5% GDP vào năm 2030. Đến năm 2025 có 15% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ và tăng lên 18% vào năm 2030.

Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), dự thảo đề án đưa ra nhận định “Chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm còn chưa cao”. Nguyên nhân của tình trạng này do doanh nghiệp cạnh tranh với nhau chủ yếu bằng giá dịch vụ và hoa hồng bán hàng, chứ chưa thực sự chú trọng cạnh tranh bằng việc nâng cao chất lượng dịch vụ.

“Một số nhân viên tín dụng “gợi ý” khách hàng tham gia hợp đồng bảo hiểm nhân thọ khi có nhu cầu vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên, có sự biến tướng của “gợi ý”, làm mất đi tính tự nguyện tham gia hợp đồng của khách hàng”.

Bà Phạm Thu Phương, Phó Cục trưởng - Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính)

VCCI cho rằng, một trong những điểm cần cải thiện của thị trường bảo hiểm là nâng cao chất lượng giải quyết bồi thường, giải quyết quyền lợi bảo hiểm. Báo cáo tổng kết của Bộ Tài chính cho thấy tăng trưởng về tổng tài sản, tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế, tổng dự phòng nghiệp vụ, tổng doanh thu phí bảo hiểm đều tăng ở mức hơn 400% trong giai đoạn 2011-2020. Trong khi đó, số tiền chi trả bồi thường bảo hiểm và quyền lợi bảo hiểm tăng 205% trong cùng giai đoạn trên. Tỷ lệ chi trả trên tổng doanh thu phí bảo hiểm năm 2011 là 43,69% và năm 2020 là 26,22%.

Ngọc Linh


Tiền phong

Chia sẻ Facebook