Quỹ VLGF có hiệu suất đầu tư tốt nhất khi thị trường giảm mạnh

Chia sẻ Facebook
24/08/2022 08:22:21

Chứng khoán Việt Nam qua thời dễ dàng mua là thắng, để vượt qua sóng gió của thị trường như vừa qua đòi hỏi chiến lược đầu tư nhạy bén. Trong khi đại đa số Nhà đầu tư (NĐT) cá nhân “xa bờ”, vẫn có tổ chức chiến thắng được VN-Index với hiệu suất vượt trội so với mặt bằng chung. Vậy bí quyết nào để có được kết quả như trên?

Mức lỗ một con số đã là thành công với NĐT trong giai đoạn sóng gió

Kênh đầu tư cổ phiếu thường lợi nhuận cao hơn so với những sản phẩm khác như trái phiếu, tiết kiệm, song đi kèm với đó là rủi ro. Thị trường chứng khoán không thể tăng mãi hay giảm mãi mà luôn đan xen các xu hướng tăng giảm và tích lũy mang tính chu kỳ.

Bởi thế theo xu hướng biến động của thị trường, NĐT có giai đoạn lãi và lỗ, không ai "bách chiến bách thắng". Điều mà những NĐT có thể làm đó là tối đa lợi nhuận trong giai đoạn thuận lợi và tối thiểu hóa rủi ro trong nhịp điều chỉnh.

Với thị trường chứng khoán Việt Nam, sau 2 năm tăng liên tiếp, VN-Index điều chỉnh mạnh những tháng qua lấy đi thành quả của nhiều NĐT. Nếu tính từ vùng đỉnh, VN-Index giảm sâu nhất khoảng 25% nhưng nhiều cổ phiếu lại mất giá tới 50 – 70%. Hệ quả là, nếu không có chiến lược hợp lý, tài khoản chứng khoán của NĐT có thể giảm gấp nhiều lần thị trường chung.

Đơn cử, trong 7 tháng đầu năm nay, VN-Index giảm khoảng 19,5%, nhưng nhiều quỹ đầu tư chuyên nghiệp có hiệu suất âm 21 – 26%. Mặt khác có những quỹ có mức hiệu suất chỉ âm 1 chữ số. Với NĐT cá nhân, tỷ lệ lỗ có lẽ cao hơn thế bởi việc lạm dụng đòn bẩy tài chính sẽ bào mòn tài khoản mạnh hơn. Trong tháng 5 – 6, làn sóng giải chấp tài khoản bùng nổ trên thị trường.

Ngay cả những quỹ đầu tư chuyên nghiệp, một thực tế phải chấp nhận đó là việc có được mức lỗ thấp nhất trong những tháng đầu năm là một thành công, việc chiến thắng được thị trường chung được xem như một tín hiệu tuyệt vời.

Quan sát trong nhóm những quỹ lớn, Quỹ Đầu tư tăng trưởng dài hạn Việt Nam (VLGF) có hiệu suất âm 5,5% (tính đến 31/07/2022), tương đương khoảng ¼ mức giảm của VN-Index. Đồng nghĩa rằng nếu NĐT nắm giữ chứng chỉ quỹ chịu mức lỗ chưa bằng một phiên giảm sàn của một cổ phiếu trên HOSE. Việc cơ cấu tài sản một cách hợp lý trong giai đoạn rủi ro của thị trường khổng chỉ giúp cho Quỹ tránh được sự sụt giảm chung, mà còn có thể chủ động lựa chọn đầu tư được những cổ phiếu tốt với mức định giá hấp dẫn, tạo tiền đề cho sự tăng trưởng mạnh mẽ khi thị trường hồi phục.

Khi NĐT quen với trạng thái "show" lãi tài khoản thì việc một kết quả lỗ khiến nhiều người lo ngại. Nhưng nếu so sánh trên bình diện chung, đây không phải là một kết quả mà đại bộ phận NĐT đạt được. Cần nói thêm rằng, VLGF ra mắt và giải ngân cuối tháng 12/2021, sát với vùng đỉnh 1.500 điểm của thị trường.

Để hạn chế rủi ro, nhiều nhóm quỹ lớn tích cực cơ cấu danh mục trong quý II, đưa tỷ trọng tiền mặt lên ngưỡng cao. VLGF không phải là ngoại lệ.

"Trong nhịp điều chỉnh của thị trường, bộ phận quản lý quỹ đã rà soát danh mục và điều chỉnh sao cho phù hợp với bức tranh vĩ mô hiện tại. Chúng tôi hạ tỷ trọng với cổ phiếu chu kỳ bị ảnh hưởng bởi chi phí đầu vào tăng cao và tăng tỷ trọng nhóm có tính phòng thủ, chống chọi với các rủi ro.

Bên cạnh đó, chúng tôi đã đưa lượng tiền mặt lên mức hợp lý để có thể giải ngân vào một số công ty giảm giá quá mức trong khi triển vọng kinh doanh tích cực và định giá hấp dẫn. Thời điểm hiện tại, quỹ có tỷ trọng tiền mặt hơn 20% để chủ động trước những biến động của thị trường trong ngắn hạn, trước khi trở lại xu hướng tăng dài hạn", ông Nguyễn Bá Huy, CFA - Giám đốc đầu tư của SSIAM, đơn vị quản lý của VLGF chia sẻ.

Tỷ trọng tiền mặt cao là lợi thế, tiềm năng của danh mục nắm giữ là tiên quyết

Rõ ràng rằng, với xu hướng điều chỉnh như giai đoạn vừa qua, "tiền mặt là vua". Việc duy trì tỷ trọng tiền mặt cao giúp quỹ có nhiều lựa chọn với các cơ hội đầu tư vào các doanh nghiệp triển vọng nhưng lại được chiết khấu về mức giá hợp lý.

Nhưng có lẽ điều đó là chưa đủ, bởi một yếu tố quan trọng khác cũng cần quan tâm đó là cơ cấu danh mục đầu tư hợp lý. Với danh mục đầu tư hiện tại của VLGF, nhóm tài chính-ngân hàng dẫn dầu với tỷ trọng 28,69%, theo sau là công nghệ thông tin (14,09%), dịch vụ tiện ích (9,73%), tiêu dùng thiết yếu (7,82%), ngoài ra còn có các nhóm ngành khác.

Tiềm năng của từng nhóm ngành là cơ sở để NĐT có niềm tin nắm giữ, tạm quên đi mức lỗ trạng thái. Một cấu trúc danh mục hợp lý sẽ mang lại kết quả tốt khi thị trường hồi phục và trở lại xu hướng tăng.

Vị đại diện của VLGF cũng đã chia sẻ về triển vọng từng nhóm ngành nắm giữ. Đơn cử, với nhóm ngân hàng, nhu cầu tín dụng để hỗ trợ cho mức tăng trưởng cao của nền kinh tế Việt Nam trong các năm tới là rất lớn.

"Nền tảng quản trị của các ngân hàng thương mại ngày càng được cải thiện trong các năm qua. Chúng tôi cho rằng việc giá cổ phiếu của nhóm ngân hàng đã điều chỉnh ~40% trong thời gian qua đã đưa nhóm này về vùng định giá hấp dẫn khi xét tới triển vọng kinh doanh phía trước. P/B forward 2022 của nhiều ngân hàng hàng đầu chỉ ở mức 1,1 – 1,4 lần. VLGF phân bổ danh mục vào những ngân hàng tốt nhất, tiềm năng tăng trưởng vượt trội như ACB, TCB, MBB và CTG", Giám đốc đầu tư của SSIAM chia sẻ.

Hay việc đầu tư vào nhóm công nghệ dựa trên tiềm năng của lĩnh vực này cũng như lợi thế của doanh nghiệp đầu ngành. Trong làn sóng FDI đổ mạnh vào Việt Nam, nhóm dịch vụ tiện ích hưởng lợi từ các thủ phủ công nghiệp cũng là những cơ hội đầu tư hấp dẫn cho dài hạn.

Đây chính là sự khác biệt giữa hai nhóm NĐT cá nhân và tổ chức. Với những tổ chức chuyên nghiệp, xác định lý do vì sao mua và vì sao bán luôn được đặt ra rõ ràng để định được lợi nhuận kỳ vọng khi đầu tư. Ngay cả trong trạng thái lỗ, những nhà quản lý quỹ có vị thế tốt hơn bởi họ có đội ngũ quản lý đầu tư chuyên nghiệp hiểu rất rõ về danh mục đang nắm giữ, luôn tuân thủ chiến lược đầu tư dài hạn của Quỹ, quy trình quản trị danh mục chặt chẽ và mang tính kỷ luật từ khâu nghiên cứu lựa chọn cơ hội đầu tư, thực hiện giao dịch, quản trị rủi ro...

Nói về triển vọng ngắn hạn của thị trường, ông Nguyễn Bá Huy cho rằng, dựa trên tương quan mức độ và quãng thời gian điều chỉnh của thị trường trong thời gian qua so với tình hình kinh tế hiện tại, các rủi ro trong và ngoài nước đã được thị trường hấp thụ và phần lớn đã phản ánh vào giá.

"VLGF đã có hiệu suất đầu tư vượt trội so với thị trường và là quỹ có có hiệu suất đầu tư tốt nhất trong 7 tháng đầu năm trong số các quỹ mở cổ phiếu có quy mô trên 1000 tỷ (VLGF hiện đang ở quy mô trên 2000 tỷ). Chúng tôi tự tin vào triển vọng của danh mục đầu tư hiện tại của VLGF và kỳ vọng Quỹ sẽ tiếp tục có hiệu suất tích cực vượt trội trong những tháng còn lại của năm 2022", vị chuyên gia nói.


Để tìm hiểu về VLGF, NĐT xem Tại đây.

Chia sẻ Facebook