Quy trình bỏ phiếu kín bầu tân chủ tịch UBND TP Hà Nội thực hiện thế nào?
Tại kỳ họp thứ 8 (kỳ họp chuyên đề) diễn ra vào chiều 22-7, các đại biểu HĐND TP Hà Nội sẽ bỏ phiếu kín để bầu tân chủ tịch UBND TP. Trước đó, ông Trần Sỹ Thanh đã được Bộ Chính trị giới thiệu để bầu chức danh này.
Ngày 22-7, HĐND TP Hà Nội dự kiến họp kỳ họp thứ 8 (kỳ họp chuyên đề) để thực hiện quy trình bầu tân chủ tịch UBND TP.
Trước đó, ông Trần Sỹ Thanh, Tổng Kiểm toán Nhà nước, đã được Bộ Chính trị điều động, phân công làm Phó bí thư thành ủy Hà Nội, giới thiệu để bầu chức danh chủ tịch UBND TP Hà Nội.
Trao đổi với Tuổi trẻ Online , TS Thang Văn Phúc, nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết theo quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương, đối với chức danh Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố được bầu tại kỳ họp thứ nhất của HĐND phải là đại biểu HĐND.
Đối với Chủ tịch UBND được bầu trong nhiệm kỳ không nhất thiết phải là đại biểu HĐND. Do đó, việc ông Trần Sỹ Thanh dù không là đại biểu HĐND TP Hà Nội nhưng được Bộ Chính trị phân công, điều động làm Phó bí thư thành ủy và giới thiệu để bầu làm Chủ tịch UBND TP là đúng luật.
Về quy trình bầu chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Phúc nêu rõ căn cứ theo quyết định của Bộ Chính trị, HĐND TP Hà Nội sẽ gửi văn bản xin ý kiến để Bộ Nội vụ kiểm tra, báo cáo Thủ tướng về bầu chủ tịch UBND Hà Nội.
Sau khi có ý kiến bằng văn bản từ Bộ Nội vụ, chủ tịch HĐND TP sẽ có tờ trình giới thiệu để HĐND TP bầu chủ tịch UBND.
Theo quy định, khi bầu tại kỳ họp HĐND, nếu có đại biểu HĐND ứng cử hoặc giới thiệu thêm người ứng cử ngoài danh sách đã được cơ quan có thẩm quyền giới thiệu thì thường trực HĐND sẽ trình HĐND xem xét, quyết định.
Tại kỳ họp HĐND thành phố, các đại biểu sẽ tiến hành bỏ phiếu kín bầu chức danh chủ tịch UBND thành phố. Chủ tịch UBND TP trúng cử khi có quá nửa tổng số HĐND bỏ phiếu tán thành.
Sau khi có kết quả bầu chủ tịch UBND TP, HĐND sẽ ban hành nghị quyết về việc bầu nhân sự làm chủ tịch UBND.
Đồng thời, trong vòng 5 ngày thường trực HĐND sẽ gửi hai bộ hồ sơ kết quả bầu chủ tịch UBND cùng cấp đến Bộ Nội vụ. Sau khi thẩm định, Bộ Nội vụ sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, có quyết định phê chuẩn kết quả bầu chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.
Một cán bộ của HĐND TP Hà Nội cũng nêu rõ hiện các cơ quan chức năng của thành phố đang tập trung triển khai các công việc cụ thể theo quyết định của Bộ Chính trị.
Cụ thể các cơ quan chức năng đang thực hiện theo các quy định, quy trình của trung ương, quy định của luật để chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, các bước cần thiết kiện toàn chức danh chủ tịch UBND thành phố nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Liên quan đến việc kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội cũng sẽ có quyết định về chức danh Bí thư ban cán sự Đảng UBND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Trước đó với việc ông Trần Sỹ Thanh được phân công làm Phó bí thư thành uỷ Hà Nội, hiện thành uỷ Hà Nội có 4 Phó bí thư gồm bà Nguyễn Thị Tuyến, ông Trần Sỹ Thanh, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, ông Nguyễn Văn Phong.
Trong đó, bà Nguyễn Thị Tuyến và ông Trần Sỹ Thanh hiện đang là Uỷ viên Trung ương Đảng. Bà Nguyễn Thị Tuyến đang giữ chức Phó bí thư Thường trực; ông Nguyễn Ngọc Tuấn hiện là Chủ tịch HĐND thành phố; ông Nguyễn Văn Phong được phân công phụ trách xây dựng tổ chức cơ sở Đảng.
Đối với UBND TP Hà Nội, hiện đang có các Phó chủ tịch là ông Lê Hồng Sơn, Nguyễn Trọng Đông, Nguyễn Mạnh Quyền, Hà Minh Hải, Dương Đức Tuấn, Chử Xuân Dũng.
Đối với chức danh Tổng Kiểm toán Nhà nước của ông Trần Sỹ Thanh, theo ông Phúc, chức danh này do Quốc hội phê chuẩn theo đề nghị của Thủ tướng.
Vì vậy theo luật, việc miễn nhiệm Tổng Kiểm toán Nhà nước với ông Thanh phải do Quốc hội quyết định. Quy trình này cũng có thể được xem xét tại kỳ họp tới của Quốc hội.
HĐND Hà Nội họp bầu chủ tịch UBND TP ngày 22-7 Ngày 22-7, Hội đồng nhân dân TP Hà Nội sẽ họp để xem xét, bầu chức danh chủ tịch UBND TP Hà Nội.