Quy trình bỏ phiếu kín bầu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ra sao?
Các cơ quan có trách nhiệm ở Hà Nội đang chuẩn bị các công việc theo quy định, quy trình cần thiết để sớm kiện toàn, bầu chức danh Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội. Người được giới thiệu để bầu làm Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội là Phó Bí thư Thành uỷ Trần Sỹ Thanh.
Theo thông tin từ HĐND thành phố Hà Nội , ngày 15/7, HĐND thành phố đã có giấy triệu tập kỳ họp thứ tám, HĐND thành phố khóa XVI, nhiệm kỳ 2021- 2026 (kỳ họp chuyên đề) để xem xét, quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền.
Dự kiến, kỳ họp diễn ra vào chiều 22/7 tới, để xem xét, bầu chức danh Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội .
Trước đó, tại lễ công bố Quyết định điều động ông Trần Sỹ Thanh về làm Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng thông tin, ông Trần Sỹ Thanh được giới thiệu để HĐND thành phố bầu giữ chức Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.
“Với kinh nghiệm công tác phong phú, với sự am hiểu nhiều lĩnh vực và nhiều năm sống ở địa bàn thành phố Hà Nội, Bộ Chính trị tin tưởng đồng chí Trần Sỹ Thanh sẽ phát huy tốt năng lực, sở trường, các kinh nghiệm đã có, tuân thủ nguyên tắc năng động sáng tạo, không ngừng nỗ lực, phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin, kỳ vọng của nhân dân về vị Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ”, ông Thưởng nói.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong ngày 18/7, một cán bộ HĐND thành phố Hà Nội cho biết, sau khi có Quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ, các cơ quan ở Hà Nội như Thành uỷ, HĐND, UBND thành phố sẽ tập trung các công việc triển khai cụ thể Quyết định này.
Liên quan đến việc kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội cũng sẽ có Quyết định về chức danh Bí thư Ban Cán sự Đảng UBND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Theo đó, các cơ quan chức năng sẽ thực hiện theo các quy định, quy trình của T.Ư, quy định của luật để chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, các bước cần thiết kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND thành phố nhiệm kỳ 2021 - 2026.
"Theo thẩm quyền, Chủ tịch HĐND thành phố sẽ có tờ trình gửi HĐND thành phố về công tác nhân sự, giới thiệu người để bầu giữ chức Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, nhiệm kỳ 2021 - 2026", vị này nói.
Tại kỳ họp HĐND thành phố, các đại biểu sẽ bỏ phiếu kín bầu chức danh Chủ tịch UBND thành phố, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Theo quy định, sau khi có kết quả bầu Chủ tịch UBND thành phố, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét, có quyết định phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.
Với việc ông Trần Sỹ Thanh được phân công làm Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội, hiện, Thành uỷ Hà Nội có 4 Phó Bí thư: Nguyễn Thị Tuyến, Trần Sỹ Thanh, Nguyễn Ngọc Tuấn, Nguyễn Văn Phong. Trong đó, bà Nguyễn Thị Tuyến và ông Trần Sỹ Thanh hiện đang là Uỷ viên T.Ư. Bà Nguyễn Thị Tuyến đang giữ chức Phó Bí thư Thường trực; ông Nguyễn Ngọc Tuấn hiện là Chủ tịch HĐND thành phố; ông Nguyễn Văn Phong được phân công phụ trách xây dựng tổ chức cơ sở Đảng. Theo thông lệ, một Phó Bí thư Thành ủy là Ủy viên T.Ư sẽ được bầu giữ chức Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.
Theo kết luận của Bộ Chính trị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khoá XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026 Chu Ngọc Anh bị xác định suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách Nhà nước; ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch COVID-19…
Tại hội nghị bất thường chiều 6/6/2022, Ban Chấp hành T.Ư đã quyết định khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Chu Ngọc Anh. Sau đó một ngày, 100% đại biểu HĐND thành phố Hà Nội có mặt biểu quyết bãi nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 và biểu quyết bãi nhiệm đại biểu HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Chu Ngọc Anh do vi phạm các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của đại biểu HĐND.
Sau khi ông Chu Ngọc Anh bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra, ông Lê Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội được giao phụ trách, điều hành hoạt động của UBND thành phố Hà Nội đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND thành phố.