Quy tắc giao tiếp: Nói năng cẩn trọng
Miệng là thứ vũ khí gây tổn thương mạnh mẽ nhất. Đôi khi chỉ một câu nói vô tình đã có thể hủy hoại một mối quan hệ tốt đẹp.
1. Gặp chuyện gấp thì nói từ từ
Khi gặp một vấn đề cấp bách nào đó, nếu bạn có thể bình tĩnh và suy nghĩ thật thấu đáo, sau đó từ từ giải thích vấn đề một cách rõ ràng, không hấp tấp vội vàng, bạn sẽ khiến cho người nghe không bị động tâm theo tình hình. Khi bạn có thể làm tốt việc này, chắc chắn bạn sẽ lưu lại cho người khác cảm nhận về sự chững chạc và sự tin cậy.
2. Khi nhắc nhở, hãy nói một cách hài hước
Đối với một số lời nhắc nhở thật tâm, hãy dùng những cách nói pha thêm một chút hài hước. Như vậy người nghe sẽ không cảm thấy cứng nhắc, họ không những sẽ vui vẻ tiếp thu mà còn có thêm thiện cảm với bạn.
3. Việc chưa xảy ra thì không nói bừa
Đừng tùy tiện phỏng đoán và suy diễn về những chuyện không xảy ra, cũng như đừng nói chừng nói mò về những chuyện không có thật.
Như vậy mọi người sẽ cảm thấy bạn là một người trưởng thành, có hàm dưỡng, nghiêm túc cẩn trọng trong mọi việc và có trách nhiệm.
4. Không làm được thì không tùy tiện nói
Tục ngữ có câu: “Một hữu kim cương toản, biệt lãm từ khí hoạt”, ý nghĩa là không có cái khoan kim cương thì đừng ôm đồm nghề đồ gốm.
Do đó đừng tùy tiện hứa hẹn những điều mà bạn không có khả năng thực hiện nó.
5. Chuyện không hiểu rõ thì nói một cách cẩn thận
Đối với những chuyện bạn không chắc chắn và tỏ rõ sự tình, trong trường hợp nếu bạn không nói ra thì người khác sẽ cho rằng bạn là người giả dối. Vì vậy bạn hãy lựa lời và nói một cách thật cẩn thận, nó sẽ khiến mọi người tin tưởng bạn hơn.
6. Chuyện làm tổn hại người khác thì không nói
Đừng tùy tiện buông lời khiến người khác tổn thương, đặc biệt là với những người thân yêu của bạn. Làm được điiều này sẽ khiến mọi người cảm thấy bạn là người có tấm lòng lương thiện, giúp cho mối quan hệ trở nên gắn kết.
7. Những chuyện đau buồn, đừng gặp ai cũng tùy tiện nói
Một người khi đang gặp chuyện đau buồn thì đều mong muốn được giãi bày với người khác để giải tỏa tâm trạng. Nhưng nếu bạn gặp ai cũng thổ lộ hết cả tâm tư ra thì vô hình trung sẽ chuyển áp lực tâm lý lớn sang người nghe, dần dần sẽ khiến người nghe trở nên hoài nghi và hời hợt. Thậm chí họ sẽ có ấn tượng rằng bạn là người không chu đáo, không nghĩ cho cảm nhận của người khác, mà chỉ muốn trút bỏ nỗi niềm của bạn mà thôi.
8. Chuyện của người khác thì nói một cách cẩn trọng
Mối quan hệ giữa người với người dù thân thiết đến đâu cũng cần có một khoảng cách an toàn, và ranh giới nhất định. Do đó đừng nên tùy tiện bình luận phán xét và lan truyền chuyện của người khác, hãy lưu lại cho người nghe cảm giác an toàn khi giao tiếp. Bởi vì khi bạn tùy tiện nói về ai đó, thì người nghe cũng sẽ lo sợ rằng đến một ngày nào đó bạn có thể nói về họ như vậy với một người khác.
9. Chuyện của bản thân thì hãy lắng nghe người khác nói một chút
Bạn nên lắng nghe quan điểm của người ngoài cuộc nhiều hơn về chuyện của mình, điều này có thể tạo cho người ta ấn tượng rằng bạn là người khiêm tốn, chịu học hỏi và thấu tình đạt lý.
Tuy nhiên hãy nhớ rằng dù bạn lựa chọn gì và kết quả ra sao thì bạn cũng là người phải chịu trách nhiệm, do đó hãy có lý trí và biết chọn lọc những lời khuyên hữu ích cho mình.
10. Chuyện của người lớn thì lắng nghe nhiều hơn và nói ít hơn
Người lớn tuổi thường không thích người trẻ tuổi bình luận quá nhiều về chuyện của họ, nếu bạn nói quá nhiều, người ta có thể cho rằng bạn không tôn trọng họ, kiêu ngạo và không khiêm tốn.
11. Chuyện giữa vợ và chồng thì nên thảo luận trao đổi
Vợ chồng gặp chuyện sợ nhất là đổ lỗi và chỉ trích nhau. Nếu bạn là người thấu tình đạt lý và suy nghĩ thấu đáo thì hãy ngồi lại và cùng trao đổi, thảo luận với nhau một cách hợp lý, chỉ có như vậy mới có thể thắt chặt tình cảm vợ chồng.
12. Chuyện về con cái cần xử lý một cách lý trí
Trẻ nhỏ cần sự yêu thương và thấu hiểu thay vì mệnh lệnh hay dọa nạt. Trẻ vị thành niên thường rất hay nổi loạn, vì vậy người lớn cần có thái độ ôn hòa, nhưng vẫn kiên quyết để khuyên nhủ, thuyết phục, từ đó khiến đứa trẻ sẵn sàng làm bạn với bạn.
Kết luận
Vì vậy, hãy cẩn thận với những gì bạn nói và đừng dùng lời nói xấu để làm tổn thương người khác, sớm muộn gì điều không may mắn cũng sẽ đến với bạn.
Đừng tùy ý nổi nóng, bởi vì trên đời này không ai nợ bạn.
Đừng đánh giá người khác tốt hay xấu, bởi vì họ không ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn.
Đừng đánh giá đức hạnh của người khác, bởi vì bạn cũng không thể đo lường được đức hạnh của chính bạn.
Đừng bình luận về gia đình người khác, vì điều đó không liên quan gì đến bạn.
Đừng đánh giá kiến thức của người khác, bởi vì thứ không thể thiếu nhất trên đời chính là kiến thức.
Đừng tùy tiện than phiền về cuộc sống, nếu quay đầu nhìn lại bạn sẽ thấy rằng nó thực sự là một vấn đề rất nhỏ bé.
Minh Tâm, Vision Times
Bạn sẽ trở thành bậc thầy giao tiếp xã hội với 4 nguyên tắc này Với 4 nguyên tắc này, bạn hoàn toàn có thể trở thành một “chuyên gia thực thụ” trong giao tiếp xã hội.