Quy mô BRICS vẫn tăng gấp đôi bất chấp gặp phải điều không mong muốn
Một năm mới sắp đến với nhóm BRICS do Trung Quốc và Nga dẫn dắt, đánh dấu bằng một sự kéo lùi nhưng quy mô và tầm ảnh hưởng của nhóm này không vì thế mà bị suy suyển
Số thành viên của nhóm gồm các quốc gia thị trường mới nổi BRICS sẽ tăng gấp đôi, với Ả Rập Xê-út, Iran, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Ethiopia và Ai Cập sẽ gia nhập từ ngày 1/1/2024.
Các thành viên hiện tại của BRICS, bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ , Trung Quốc và Nam Phi, hồi tháng 8/2023 đã mời 6 quốc gia khác tham gia nhóm. Những thành viên mới bao gồm một số nhà sản xuất năng lượng lớn nhất hành tinh với một số nước tiêu dùng lớn nhất trong số các nước đang phát triển.
Việc mở rộng BRICS bắt đầu vào năm 2024 khi Nga giữ chức Chủ tịch luân phiên. Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ trải thảm đỏ đón các nhà lãnh đạo tề tựu cho Hội nghị Thượng đỉnh vào tháng 10 ở Kazan.
Tăng gấp đôi số lượng thành viên
Trong số các quốc gia được mời, 5 quốc gia đã cử đại diện cấp cao tới cuộc họp của các Đại sứ BRICS ở Durban, Nam Phi vào đầu tháng này, và việc họ tham gia đầy đủ vào cuộc họp là “một dấu hiệu rõ ràng rằng quốc gia của họ đã chấp nhận lời mời” tham gia, ông Anil Sooklal, Đại sứ Nam Phi tại BRICS, cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm 29/12.
Các quốc gia thành viên mới cũng sẽ cử các quan chức tới cuộc họp của các Đại sứ BRICS ở Moscow vào ngày 30/1 tới, ông Sooklal nói thêm.
Khoảng 30 nước mong muốn thiết lập quan hệ với BRICS, hãng thông tấn nhà nước TASS dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết trong tuần này.
Tuy nhiên, Tổng thống Argentina Javier Milei, người cam kết theo đuổi mối quan hệ chặt chẽ hơn với phương Tây, đã xác nhận quốc gia Nam Mỹ này sẽ không tham gia BRICS. Trong một bức thư đề ngày 22/12 nhưng được công bố hôm 29/12, ông Milei nói với các nhà lãnh đạo BRICS rằng thời điểm Argentina trở thành thành viên của khối là không thích hợp.
Ông cũng giải thích trong thư rằng cách tiếp cận đối ngoại của ông “khác về nhiều mặt so với chính phủ trước đó. Theo nghĩa này, một số quyết định do chính quyền tiền nhiệm đưa ra sẽ được xem xét lại”.
Dù việc Argentina “quay xe” là điều BRICS không mong muốn, nhưng bằng cách tăng gấp đôi số lượng thành viên, khối này vẫn đang củng cố vị thế của mình với tư cách là tiếng nói của Nam Bán cầu và mang lại nhiều sức ảnh hưởng hơn cho nền chính trị quốc tế.
Cách để tránh phải chọn bên
Khác nhau về lợi ích, nhưng các quốc gia BRICS hiên tại và cả BRICS+ sau này chia sẻ một sự đồng thuận cơ bản, ông Johannes Plagemann, một nhà khoa học chính trị tại tổ chức tư vấn GIGA ở Hamburg, cho biết.
“Họ muốn một trật tự thế giới quốc tế ít bị phương Tây thống trị hơn” – một lập trường không được coi là thù địch với phương Tây, ông Plagemann cho biết. Hồi tháng 9, Ngoại trưởng Ấn Độ đã thay mặt nước ông đưa ra một nhận định mà theo ông Plagemann là có thể áp dụng cho phần lớn các quốc gia BRICS khác: “Ấn Độ không phải là phương Tây, nó cũng không chống phương Tây”.
Chỉ riêng tư cách thành viên BRICS không mang lại vị thế lớn hơn trong chính trị quốc tế, nhưng nó đưa ra một cách để tránh đứng về bên nào trong cuộc cạnh tranh địa chiến lược ngày càng tăng giữa Trung Quốc, Nga và phương Tây, nhà khoa học chính trị Günther Maihold nói với DW.
Ông Maihold, người giảng dạy tại Đại học Tự do Berlin, cho biết: “Với tư cách thành viên BRICS, họ đang thể hiện rõ rằng họ không muốn bị cuốn vào logic nhị phân này và thay vào đó nhằm mục đích đảm bảo sự độc lập của mình”.
Điểm đáng chú ý nữa của BRICS là khối này thậm chí không có văn phòng hành chính riêng nhưng nó có tổ chức tài chính riêng: Ngân hàng Phát triển Mới (NDB). NDB sẽ có thể huy động vốn sau khi các quốc gia giàu petrodollar như Ả Rập Xê-út và UAE gia nhập.
Đây sẽ là nguồn tài trợ thay thế cho các dự án phát triển quốc gia và cũng có thể là một phương tiện giải quyết nợ chính phủ “không bị ràng buộc với các loại điều kiện điển hình của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF”, ông Maihold giải thích .
Minh Đức (Theo DW, Bloomberg, Al Jazeera)