Quy định niên hạn chung cư: Doanh nghiệp địa ốc lo ngại chất lượng công trình đi xuống
Việc áp niên hạn nhà chung cư sẽ nảy sinh nhiều vấn đề bất cập như tác động đến tâm lý của người mua nhà, ảnh hưởng tính thanh khoản cũng như có thể dẫn tới chất lượng công trình chung cư không đảm bảo.
Trong Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Bộ Xây dựng tiếp tục đề xuất hai phương án quy định về thời hạn sở hữu căn hộ chung cư. Theo đó, phương án 1 thì thời hạn sở hữu được xác định theo thời hạn sử dụng công trình; phương án 2 là giữ nguyên như quy định hiện hành, tức không quy định thời hạn sở hữu.
Liên quan đến đề xuất này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng, nhà nước đang gặp khó khăn trong việc cải tạo, xây mới các chung cư cũ đã xuống cấp. Thực tế có chung cư chỉ sử dụng 30, 40 năm đã xuống cấp, đa số là chung cư 8-10 tầng. Trong khi đó, xu hướng chung cư hiện nay xây 30-50 tầng.
Theo Thứ trưởng, dù việc quy định thời hạn sở hữu chung cư tác động doanh nghiệp địa ốc nhưng cần phải nhìn ở góc độ an toàn của người dân. Thứ trường cũng cho biết thêm, các nước trên thế giới đều quy định về tuổi thọ và thời hạn sở hữu công trình.
Vấn đề thời hạn sở hữu căn hộ chung cư đang gặp phải nhiều tranh luận trái chiều. Các chuyên gia thì cho rằng, áp niên hạn chung là điều cần phải làm nhằm tránh tình trạng xuống cấp trầm trọng của loại hình này. Mặt khác việc áp niên hạn sẽ góp phần kéo giá chung cư xuống.
Tuy nhiên, về phía doanh nghiệp địa ốc, nhiều đại diện đưa quan điểm, không nên áp niên hạn chung cư bởi quy định này tạo ra các bất cập lớn cho thị trường.
Tại Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) diễn ra ở Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Lộc, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đô thị FPT Đà Nẵng cho rằn, nếu áp dụng thời hạn sở hữu nhà chung cư sẽ ảnh hưởng đến tâm lý người mua nhà chung cư, ảnh hưởng đến chương trình phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở chung cư của Chính phủ. Nếu đưa ngay vào thì có thể gây ra bất ổn cho thị trường trước mắt.
Theo ông Lộc, nếu muốn đưa quy định áp dụng thời hạn chung cư vào luật thì nên thực hiện trong một giai đoạn chuyển tiếp, song song với quy định cũ bằng cách áp dụng thời hạn sở hữu chung cư tại một số dự án nào đó để người mua nhìn nhận việc sở hữu nhà chung cư có thời hạn sẽ là chuyện bình thường.
Còn theo đại diện Tập đoàn Vingroup tại miền Trung, về mặt khoa học, nếu giới hạn sở hữu chung cư thì chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công, các nhà sản xuất vật liệu… sẽ giảm động lực để tạo lập các công trình chung cư kiên cố, bền vững.
Việc ghi nhận quyền sở hữu ổn định lâu dài với căn hộ chung cư như hiện nay không chỉ giúp tạo ra thói quen ở chung cư của người dân mà còn tạo động lực để các chủ thể trong hoạt động xây dựng cải tiến công nghệ nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành xây dựng.
Chung quan điểm không đồng ý với quy định niên hạn chung cư, ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Bất động sản cho rằng, việc sở hữu chung cư có niên hạn vào áp dụng sẽ vô hình trung gây nên sự xáo trộn. Mặtkhác, Việt Nam với văn hóa Á Đông có quan điểm là an cư mới lập nghiệp và tài sản bất động sản không chỉ là sản phẩm để ở mà còn là tích sản để lại cho con cháu đời sau.
Vị này cho rằng, niên hạn sử dụng chung cư phụ thuộc vào kết quả kiểm định của cơ quan chức năng nên nếu quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư theo thời hạn sử dụng công trình chưa chắc đã đảm bảo tính chính xác. Trong quá trình sử dụng mà không cải tạo, bảo dưỡng không đúng thì công trình sẽ nhanh chóng xuống cấp và thời hạn sử dụng theo niên hạn công trình sẽ không đảm bảo.
Cũng theo Trần Quốc Dũng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh cho rằng, ở các đô thị lớn đang khuyến khích người dân ở chung cư để tiết kiệm quỹ đất cho xây dựng hạ tầng, vậy mà lại đưa quy định sở hữu có thời hạn sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của họ.
Theo ông Dũng, quy định sở hữu chung cư có thời hạn nhằm mục đích giúp cho việc quản lý dễ dàng hơn, nhưng gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Nếu muốn cải tạo chung cư cũ thì hiện nay luật đã quy định là lấy ý kiến tỷ lệ bao nhiêu % người dân đồng thuận là phải đập đi xây dựng lại.
Vị này khuyến nghị, nên duy trì quy định như hiện nay để phù hợp với Luật Đất đai hiện hành là giao đất cho người dân sở hữu lâu dài.
Còn đại diện Công ty Lotte nêu rõ, tâm lý người Việt luôn muốn an cư lạc nghiệp, cần nhà ở ổn định lâu dài. Quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư, động chạm đến quyền sở hữu tài sản của người dân. Giữu quy định sở hữu chung cư lâu dài thì sẽ thúc đẩy người dân sinh sống trong căn hộ nhiều hơn, nhất là khi Việt Nam đang có tốc độ đô thị hoá cao, dân số đô thị tăng nhanh, mật độ dân cư dày.
Ông Trần Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Khánh Hòa còn đặt ra lo ngại, các chung cư đang được xây dựng bằng bê tông vĩnh cửu, có thời hạn 99 năm. “Nếu áp dụng thời hạn sở hữu chung cư là 50 hay 70 năm thì có phải sẽ gây ra lãng phí khối lượng công trình được xây dựng bằng bê tông vĩnh cửu hay không?”, ông Khuê đặt câu hỏi.