Quy định mới: Làm từ thiện phải ghi chép đầy đủ; xử phạt vi phạm ghi âm, ghi hình

Chia sẻ Facebook
01/09/2022 19:52:12

Xử phạt các hành vi cản trở hoạt động tố tụng, làm từ thiện phải ghi chép đầy đủ, 7 môn học bắt buộc trong giáo dục đào tạo… là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 9/2022.

Cản trở hoạt động tố tụng bị phạt tiền đến 80 triệu đồng

Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng có hiệu lực từ ngày 1/9.

Với 4 chương, 48 điều, trong đó điều 6 của Pháp lệnh, quy định mức phạt tiền tối đa đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cá nhân đến 40 triệu đồng, mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi cản trở hoạt động tố tụng của tổ chức đến 80 triệu đồng.

Phạt tiền từ 7 - 15 triệu đồng được áp dụng đối với hành vi ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử mà không được sự đồng ý của chủ toạ phiên toà. Đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng hình sự, mức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng - 1.000.000 đồng đối với người tham gia tố tụng đã được triệu tập mà vắng mặt không vì lý do bất khả kháng…


Quy định mới về chế độ trợ cấp đối với người có công

Có hiệu lực từ ngày 5/9, Thông tư 44 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí chi thường xuyên thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng và người trực tiếp tham gia kháng chiến do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý.

2 đối tượng được hưởng trợ cấp hàng tháng gồm: Cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân tham gia kháng chiến chống Mỹ có dưới 20 năm công tác trong ngành công an nhân dân đã thôi việc, xuất ngũ về địa phương; quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội, đã phục viên, xuất ngũ về địa phương…


Làm từ thiện phải ghi chép đầy đủ kết quả

Thông tư số 41 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán áp dụng cho các hoạt động xã hội, từ thiện có hiệu lực từ 1/9. Cụ thể, các cá nhân có các hoạt động xã hội, từ thiện có trách nhiệm mở sổ ghi chép đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện phải thực hiện theo quy định; lập báo cáo và công khai tình hình tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp theo quy định của pháp luật.


8 vị trí công tác định kỳ chuyển đổi

Thông tư 18 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc thuộc lĩnh vực Đầu tư ở địa phương có hiệu lực thi hành từ ngày 30/09. Thời hạn định kỳ chuyển đổi từ đủ 3 năm đến 5 năm.

8 vị trí gồm: Thẩm định, cấp giấy chứng nhận đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam và của Việt Nam ra nước ngoài; Thẩm định dự án; Đấu thầu và quản lý đấu thầu; Lập, phân bổ, quản lý kế hoạch vốn; Quản lý quy hoạch; Quản lý khu công nghiệp - khu chế xuất - khu kinh tế; Quản lý doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh; Quản lý vốn ODA, vốn vay ưu đãi.


7 môn học bắt buộc

Có hiệu lực từ ngày 10/9, Thông tư 12/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Chương trình Giáo dục thường xuyên cấp Trung học phổ thông được thực hiện từ năm học 2022-2023 đối với lớp 10; từ năm học 2023-2024 đối với lớp 11 và từ năm học 2024-2025 đối với lớp 12.

Các môn học bắt buộc gồm 7 môn học, trong đó: Ngữ văn, Toán, Lịch sử là 3 môn học bắt buộc và 4 môn học lựa chọn trong số các môn học Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Công nghệ.


Liên kết thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ nước ngoài

Có hiệu lực thi hành từ ngày 10/9/2022, Thông tư 11 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài.

Cơ sở đánh giá năng lực ngoại ngữ của nước ngoài phải cung cấp thông tin về các yếu tố bảo đảm chất lượng như: Đề thi bảo đảm độ tin cậy, tính chính xác, khách quan, minh bạch, công bằng trong đánh giá năng lực ngoại ngữ của thí sinh…

Chia sẻ Facebook