"Quy định 69 thức tỉnh lương tâm của những đảng viên có nguy cơ tha hóa"

Chia sẻ Facebook
21/10/2022 13:49:38

ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng Quy định 69 là một văn bản có tính răn đe, thức tỉnh lương tâm của những đảng viên có nguy cơ tha hóa, biến chất, làm cho bộ máy của Đảng trong sạch hơn.

Nếu như trước đây, kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên được nêu trong Quy định số 07 và Quy định số 102, thì với Quy định mới 69, kỷ luật đảng đã được hệ thống và đặt trong một Quy định thống nhất, đồng bộ để soi chiếu, xác định mức độ vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên. Quy định mới bổ sung nhiều nội dung nhằm phù hợp với tình hình thực tiễn, đồng thời cụ thể hóa các hình thức kỷ luật đối với những vi phạm mà thời gian vừa qua nổi lên như một xu hướng, một thách thức nguy hiểm.

Vấn đề kỷ luật trong Đảng là một trong những nguyên tắc cơ bản trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, để giữ gìn Đảng ta thật sự trong sạch vững mạnh. Các điểm mới trong Quy định 69 tập trung ở 3 nội dung: Quy định các hành vi mới trên cơ sở tổng kết thực tiễn và dự báo về các vi phạm trong thời gian tới; điều chỉnh tăng nặng hoặc giảm nhẹ chế tài đối với vi phạm được quy định trước đây; xác định rõ động cơ, mục đích, hậu quả của vi phạm làm căn cứ áp dụng chế tài phù hợp và đồng bộ với quy định mới của Đảng và pháp luật với mục đích để tổ chức đảng, đảng viên không muốn vi phạm và không dám vi phạm kỷ luật của Đảng. Như vậy, ý nghĩa lớn nhất từ Quy định 69 này, đó là tính răn đe, cảnh báo.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân


Trao đổi với phóng viên VOV, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân nhấn mạnh, Quy định 69 của Bộ Chính trị một lần nữa cho thấy sự nghiêm minh của Đảng, không dung túng cho bất cứ sai phạm nào của mỗi đảng viên cũng như tổ chức đảng và cũng để các cơ quan chức năng, người dân có công cụ giám sát các hành vi vi phạm. Những quy định mới, với tính răn đe mạnh mẽ, được kỳ vọng đóng vai trò như một "chốt" chặn, khiến cán bộ, đảng viên, không thể, không dám, không muốn vi phạm. Đồng thời Quy định 69 cũng là "lá chắn" bảo vệ những cán bộ, đảng viên dám nghĩ dám làm, biết đặt quyền lợi của Đảng, của dân, của nước lên trên hết.


PV : Theo ông, Quy định 69 có ý nghĩa như thế nào đối với công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng trong tình hình hiện nay?


Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân : Quy định 69 là quy định được tổng kết thực tiễn trong những năm gần đây, từ đó đã có những điều chỉnh về mức độ, hành vi vi phạm cũng như định nghĩa rõ hơn các hành vi vi phạm để có chế tài phù hợp với quy định của Đảng, với kỷ cương của Đảng; Nó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Đảng đang đẩy mạnh công cuộc chỉnh đốn, chống tự diễn biến trong nội bộ Đảng, chống tha hóa của đảng viên và chống tham nhũng, tiêu cực trong tình hình hiện nay. Quy định 69 có thể được coi như một bộ luật hình sự của nội bộ Đảng, để nghiêm trị những hành vi vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, củng cố niềm tin của nhân dân; đồng thời là một văn bản có tính răn đe, thức tỉnh lương tâm của những đảng viên có nguy cơ tha hóa, biến chất, làm cho bộ máy của Đảng trong sạch hơn, uy tín chính trị và tính chính danh của Đảng được củng cố trong lòng nhân dân.


PV : Trong Quy định 69, điều 39 quy định rất rõ kỷ luật bằng hình thức khai trừ khỏi Đảng nếu: Mở tài khoản chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài; mua, bán tài sản ở nước ngoài trái quy định. Ông nhận định gì về quy định rất mới này?


Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân : Trước hết, những hành vi được nêu trong điều 39 là những hành vi vi phạm pháp luật. Với người bình thường không có nghĩa vụ hoặc không có quyền lập tài khoản để chuyển tiền không lý do đã là vi phạm pháp luật. Với đảng viên, quy định chặt chẽ hơn, trước hết là tính gương mẫu, bởi việc chuyển tiền ra nước ngoài làm suy yếu năng lực tài chính tiền tệ của đất nước nếu như không có hoạt động đầu tư, sản xuất mà pháp luật cho phép.

Quy định này nhằm kiểm soát sự gia tăng tài sản của đảng viên, nó lường trước khả năng vi phạm của đảng viên. Nếu thực hiện triệt để, nghiêm túc quy định này, vi phạm của các tổ chức đảng, đảng viên ở các cấp ủy đảng sẽ dần bị đẩy lùi và ngăn chặn.


PV : Dư luận kỳ vọng, Quy định 69 được ban hành sẽ là cơ sở để chống lợi ích nhóm trong việc xây dựng cơ chế chính sách. Còn quan điểm của ông như thế nào?


Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân : Trong Quy định 69 có nhiều khung và chế định ngăn chặn, ngăn ngừa lợi ích nhóm trong xây dựng chính sách. Quy định này cũng đã lường trước những hành vi lợi dụng quyền hạn, nhiệm vụ của mình để lồng ghép lợi ích nhóm trá hình dưới danh nghĩa tập thể hay cá nhân có thẩm quyền để ban hành các quy định phục vụ cho lợi ích nhóm của mình với danh nghĩa tập thể, danh nghĩa người có thẩm quyền.

Quy định 69 đưa ra khuôn khổ để ngăn chặn kịp thời việc lạm dụng quyền lực trong quá trình xây dựng chính sách, đương nhiên phải đưa ra những giả định về hành vi vi phạm cũng như chế tài để trừng phạt những hành vi đó. Qua Quy định 69, có thể thấy, Bộ Chính trị đã lường trước những khả năng có thể vi phạm trong thời gian tới.

Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, việc lạm dụng quyền lực, lạm dụng nhiệm vụ được pháp luật cho phép hay quy định của Đảng cho phép để lồng ghép lợi ích nhóm vào các văn bản lãnh đạo hay điều hành đều bị xử lý nghiêm khắc, tùy tính chất mức độ, tổ chức đảng bị xử lý kỷ luật hay cá nhân có hình thức kỷ luật nghiêm khắc, cao nhất là khai trừ Đảng, chuyển cho cơ quan chức năng xử lý theo pháp luật.

Tại Hội nghị Trung ương 6, ông Nguyễn Thành Phong, Bùi Nhật Quang, Huỳnh Tấn Việt đã bị Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo và được Trung ương thống nhất cho thôi tham gia Ban Chấp hành khóa XIII, ông Phạm Xuân Thăng bị khai trừ ra khỏi Đảng.


PV : Tại Hội nghị Trung ương 6 vừa qua, Trung ương đã tiếp tục hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng. Ngay sau phiên khai mạc, Trung ương đã kỷ luật và chấp nhận hình thức từ chức của một số ủy viên Trung ương. Theo ông, Quy định 69 có ý nghĩa như thế nào trong việc cán bộ tự soi, tự sửa mình?


Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân : Kết quả của Hội nghị Trung ương 6 vừa qua với một số quyết định quan trọng trong đó có quyết định về nhân sự đã khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, cụ thể là Bộ Chính trị do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, thể hiện Quy định 69 đã được thực thi ngay lập tức trong ngày đầu tiên của phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 6 và việc làm đầu tiên của Hội nghị đó là kỷ luật và chấp nhận hình thức từ chức của một số Ủy viên Trung ương.

Đây là tiền lệ rất tốt cho những vị ủy viên trung ương khác tự soi mình thấy rằng đã từng vi phạm, từng bị kỷ luật thì đánh giá lại mình để có hành vi thích hợp, mở đường cho văn hóa từ chức, làm gương cho các chức danh khác trong hệ thống chính trị, bộ máy nhà nước để thay thế dần những người xứng đáng hơn.

Tôi kỳ vọng đến một lúc nào đó khi Đảng đã đi trước, trong bộ máy Nhà nước cũng sẽ có những tiền lệ thích hợp.


PV : Một điểm mới nữa trong Quy định 69 là: Đảng viên thực hiện đề xuất về đổi mới, sáng tạo theo Kết luận số 14 của Bộ Chính trị được cơ quan có thẩm quyền cho phép nhưng xảy ra thiệt hại, nếu đã thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng vì lợi ích chung thì miễn kỷ luật hoặc giảm nhẹ trách nhiệm. Với quy định này, ông nghĩ sao về tinh thần: bảo vệ những cán bộ, đảng viên, dám nghĩ dám làm, biết đặt quyền lợi của Đảng, của dân, của nước lên trên hết?


Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân : Tinh thần Kết luận 14 thể hiện trong Quy định 69 là tính thực chứng của quy định này, làm sao trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, nhất là Trung ương, phải bằng việc làm cụ thể của mình bảo vệ được hiền tài thì dân mới tin. Còn không, quy định này vẫn nằm trên giấy thì không có ý nghĩa.

Cụ thể là phải khuyến khích, coi nhiệm vụ trọng dụng nhân tài của người đứng đầu cấp ủy các cấp, người đứng đầu các cơ quan nhà nước thực sự có bằng chứng để bảo vệ được người dám nghĩ dám làm, thực sự vì việc chung, thì căn cứ vào 3 cơ sở: một là mục đích của việc làm đó hướng tới lợi ích chung hay lợi ích nhóm; hai là, phương thức thực hiện của họ với động cơ, mục đích gì, có phải thực hiện theo chiều hướng không như mục đích đặt ra, phục vụ lợi ích nhóm nhưng trá hình dưới danh nghĩa lợi ích chung; ba là, kết quả đó đạt được như thế nào, ngoại trừ yếu tố bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, cho dù có thiệt hại nhưng vì có những lý do khách quan bất khả kháng, không vì thế mà đánh giá họ vi phạm.

Đặc biệt, cần khuyến khích những người dám tiên phong đi đầu khi thực hiện công việc vì lợi ích chung, những việc đó lại chưa được quy định nhưng không cấm. Đây là quy định mở đường cho một tư duy mới trong thực thi chính sách, đó là, trước đây cán bộ đảng viên chỉ được làm những việc pháp luật quy định, con bây giờ, những việc pháp luật không cấm thì cán bộ đảng viên được phép làm và làm vì lợi ích chung.


PV : Ông có kỳ vọng gì từ Quy định 69 - một quy định nhằm "Vun gốc-Tỉa cành", để xây dựng được một đội ngũ cán bộ, đảng viên "có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu"?


Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân : Quy định 69 ra đời và bắt đầu phát huy tác dụng, dư luận đánh giá rất cao. Đây là thanh kiếm bảo vệ năng lực lãnh đạo của Đảng, uy tín chính trị của Đảng và tính chính danh của Đảng, trong điều kiện một hệ thống chính trị nhất nguyên do Đảng Cộng sản là tổ chức duy nhất lãnh đạo. Bên cạnh Quy định 69, phải củng cố các quan hệ nội bộ của Đảng bằng các quy định về tổ chức và nhân sự. Về tổ chức cần rà soát lại các quy định đề cao tính liên kết chặt chẽ, tránh trùng dẫm về chức năng nhiệm vụ của các tổ chức đảng. Về nhân sự cần nghiên cứu và tiếp tục đổi mới thể chế về nhân sự trong nội bộ đảng, lấy tiêu chuẩn cán bộ và lấy bằng chứng thực thi qua tổ chức thực hiện làm điểm tựa thay vì đưa ra những quy định có tính chất hình thức.

Đồng thời phải có chế tài nghiêm khắc để xử lý các hành vi vi phạm, lộng quyền trong công tác nhân sự, nhân danh Đảng, nhân danh tập thể để đưa người thân vào bộ máy, nắm giữ các chức vụ có quyền lực trong Đảng, đó là kỷ luật siết chặt và trừng trị vi phạm trong quá trình tổ chức thực hiện, có vậy Đảng mới mạnh.


PV : Xin cảm ơn ông./.

Chia sẻ Facebook