Quý 4 nhuốm màu xám của khối công ty chứng khoán
Theo báo cáo tài chính được công bố, nhiều công ty chứng khoán (CTCK) ghi lãi quý 4/2022 sụt giảm mạnh so với cùng kỳ hoặc thua lỗ.
Quý 4 nhuốm màu xám của khối công ty chứng khoán
Chứng khoán Kỹ Thương ( TCBS ) báo lãi ròng quý 4 ở mức 229 tỷ đồng, giảm hơn 70% so với cùng kỳ. Doanh thu môi giới sụt giảm mạnh gần 57% còn 141.75 tỷ đồng. Doanh thu nghiệp vụ bảo lãnh, đại lý phát hành chứng khoán cũng giảm hơn 50% còn 166 tỷ đồng. Ở mảng tự doanh, lãi tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) sụt giảm mạnh 74% còn 95 tỷ đồng, lỗ tài sản tài chính FVTPL tăng hơn 270% lên 144 tỷ đồng. Theo đó, Công ty lỗ tự doanh gần 50 tỷ đồng (năm trước, lãi hơn 325.5 tỷ đồng).
Chứng khoán SSI cũng chịu mức sụt giảm lãi sau thuế quý 4 tới 38%, xuống còn gần 224 tỷ đồng. Doanh thu sụt giảm ở các mảng chủ đạo - môi giới, cho vay, tự doanh là nguyên nhân của kết quả này.
Chứng khoán Mirae Asset ghi lãi 150.5 tỷ đồng, giảm 38%. Doanh thu môi giới sụt giảm 43%, về mức 153 tỷ đồng cộng với chi phí lãi vay và lỗ từ các khoản cho vay tăng 145% lên 280 tỷ đồng đã kéo lợi nhuận của Công ty sụt giảm mạnh.
Các ông lớn trong top thị phần khác cũng không nằm ngoài xu hướng. Chứng khoán TP.HCM ( HCM ) báo lãi 125.3 tỷ đồng, giảm 44%. Chứng khoán Bản Việt ( VCSC , HOSE : VCI ) chỉ lãi 28.4 tỷ đồng trong quý 4, giảm tới 94% so với cùng kỳ. Chứng khoán MB ( MBS ) lãi 72.4 tỷ đồng, giảm 58%.
Điểm chung của nhiều CTCK là doanh thu sụt giảm ở nhiều mảng chính như môi giới, cho vay và tự doanh từ đó kéo lợi nhuận quý 4 đi xuống.
Trong quý 4, một số công ty phải chịu lỗ và thậm chí là lỗ đậm.
VIX báo lỗ tới hơn 102 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 161.6 tỷ đồng. Quý 4, VIX ghi nhận doanh thu từ các khoản cho vay và phải thu giảm 42% còn 44.6 tỷ đồng, doanh thu môi giới giảm 62% còn 32 tỷ đồng.
Đáng chú ý, mảng tự doanh kéo kết quả kinh doanh của VIX đi xuống nhiều nhất. Cụ thể, lỗ tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) kỳ này lên tới 334 tỷ đồng, gấp hơn 7.3 lần cùng kỳ. Trong khi đó, lãi tài sản FVTPL chỉ ở mức gần 155 tỷ đồng. Chi phí tự doanh tăng 60% lên 10 tỷ đồng. Từ đó, tự doanh của Công ty lỗ gần 190 tỷ đồng.
APG lỗ gần 160 tỷ đồng do khoản đánh giá lại các tài sản tài chính.
Ông lớn như Chứng khoán VNDirect cũng chịu lỗ. Quý 4, Công ty báo lỗ gần 14 tỷ đồng. Nguyên nhân đến từ lỗ tài sản FVTPL tăng 811 tỷ đồng và chi phí dự phòng các khoản cho vay ký quỹ tăng 76 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Công ty chịu gánh năng từ chi phí tài chính với mức tăng 153% chủ yếu đến từ tăng chi phí lãi vay và các chi phí liên quan tới các khoản vay.
Năm 2022 trở thành một năm không mấy lạc quan với khối CTCK. Thị trường đi xuống đã khiến các CTCK gặp khó khăn trong kinh doanh, từ đó dẫn tới kết quả sụt giảm lợi nhuận năm 2022 nói chung và quý 4 nói riêng. VN-Index năm 2022 giảm 33% từ vùng 1,500 về quanh mức 1,000 điểm. Thanh khoản bình quân sụt giảm từ hơn 29.3 ngàn tỷ đồng/phiên về còn hơn 20 tỷ đồng/phiên, tương ứng giảm hơn 30%. Tính riêng quý 4, VN-Index có thời điểm giảm còn 911 điểm (15/11/2022).
Chí Kiên