Quốc vương Campuchia ban sắc lệnh bổ nhiệm ông Hun Manet làm thủ tướng

Chia sẻ Facebook
09/08/2023 22:52:39

Trong một post trên Telegram vào hôm nay, ông Hun Sen viết về sự bổ nhiệm con trai mình như sau: "Chưa kết thúc đâu. Tôi sẽ tiếp tục phụng sự ở các vị trí khác cho đến ít nhất năm 2033."

Nguồn hình ảnh, ReutersChụp lại hình ảnh, Hun Manet là con trai cả của ông Hun Sen, người đã nắm quyền Campuchia trong gần bốn thập niên qua

Tác giả, Derek Cai và Jonathan Head Vai trò, Từ Singapore và Bangkok 7 tháng 8 2023

Người con trai cả của thủ tướng cầm quyền lâu nhất của Campuchia đã được Hoàng gia chuẩn y về quy trình chuyển giao quyền lực.

Hôm nay 07/08, Quốc vương Campuchia đã ban sắc lệnh bổ nhiệm ông Hun Manet sẽ kế nhiệm ông Hun Sen, người đã nắm quyền trong 38 năm qua.

Vài ngày sau cuộc bầu cử hôm 23/07, vốn bị chỉ trích là phi dân chủ, ông Hun Sen đã tuyên bố sẽ từ chức.

Đảng cầm quyền của ông chỉ còn năm ghế nữa là giành hết số ghế trong Quốc hội Campuchia, sau khi đảng đối lập chính bị cấm ra tranh cử.

Quốc vương Norodom Sihamoni đã ban hành sắc lệnh hoàng gia sau khi ông Hun Sen đệ thư yêu cầu một tuyên bố chính thức.

Hun Manet, 45 tuổi, cho đến nay vẫn là Tư lệnh Quân đội Hoàng gia Campuchia, và được từ lâu 'đo ni đóng giày' cho vị trí lãnh đạo.

Việc bổ nhiệm ông Hun Manet vẫn cần được Quốc hội Campuchia chính thức thông qua vào ngày 22/08, nhưng dự kiến sẽ không vấp rào cản nào khi Đảng Nhân dân (CPP) của ông Hun Sen chiếm đến 120 trong tổng số 125 ghế.

Việc bổ nhiệm này theo sau một kế hoạch 'truyền ngôi vương' đã được ông Hun Sen định hình trong những năm qua.

Nội các của ông Hun Manet dự kiến sẽ bao gồm những khuôn mặt trẻ.

Nhiều nhân vật vốn đã được thăng tiến quyền lực với Hun Sen qua cuộc cách mạng chống Khmer Đỏ và cuộc nội chiến trong những năm 1970 và 1980 cũng đã từ nhiệm, và trong một vài trường hợp, đã trao quyền lại cho con mình.

Quyết định chuyển giao quyền lực này lần đầu được Hun Sen đề cập vào năm 2021, nhưng cho đến tháng Bảy, vẫn chưa rõ quy trình sẽ diễn ra như thế nào.

Tuy nhiên, ông Hun Sen tuyên bố sẽ từ chức chỉ ba ngày sau cuộc bầu cử hôm 23/07. Ông Hun Sen là một trong những nhà lãnh đạo có thời gian nắm quyền lâu nhất thế giới, đã giữ vị trí thủ tướng của quốc gia Đông Nam Á gồm 16 triệu dân này trong gần bốn thập niên qua.

Vào thời điểm đó, ông Hun Sen tuyên bố sẽ từ chức để đảm bảo sự ổn định tại Campuchia.

Tuy nhiên, Hun Sen sẽ vẫn duy trì vai trò lãnh đạo Đảng Nhân dân Campuchia - một vị trí mà những nhà phân tích chính trị nói sẽ trao cho ông quyền kiểm soát tuyệt đối.

Ông Hun Sen đã thực thi nền lãnh đạo chuyên chế kể từ khi lên cầm quyền vào năm 1985, và ông đã bịt miệng những đối thủ bằng cách tống giam hoặc trục xuất họ.

Hồi cuối tuần qua, bên cạnh kỷ niệm sinh nhật 71 tuổi của mình, ông Hun Sen đã xác nhận chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử hồi tháng Bảy - vốn bị Mỹ, EU và các quốc gia Phương Tây khác chỉ trích là không tự do và công bằng.

Ông Hun Manet trong cuộc bầu cử ngày 23/07


Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Ông Hun Manet trong cuộc bầu cử ngày 23/07

Ông Hun Manet đăng một bức ảnh trên Instagram cho thấy con trai mình tặng bó hoa cho ông Hun Sen với dòng chữ: "Chúc mừng sinh nhật người cha kính yêu."

Lãnh đạo Hun Sen hôm thứ Bảy 05/08 cũng xác nhận về cuộc bầu cử ông Hun Manet trở thành thành viên quốc hội đại diện cho Phnom Penh, loại bỏ những rào cản về mặt quy trình trong để ông Hun Manet lên nắm quyền thủ tướng.

Khi tất cả sự đối lập bị bóp nghẹt tại Campuchia trong những năm gần đây, ông Hun Manet sẽ đối mặt chỉ một vài mối đe dọa bên ngoài đảng cầm quyền.

Thế nhưng việc duy trì một mạng lưới đồng minh mà cha ông đã gầy dựng với những gia tộc quyền lực và giàu có, sẽ là một thách thức.

Ông Hun Sen đã trao những đặc quyền chính trị và kinh tế cho các đối thủ tiềm tàng nhằm giúp họ hài lòng và một nền kinh tế tăng trưởng. Thế nhưng ông Hun Sen cũng đã kiềm hãm Campuchia khi để xảy ra tình trạng tham nhũng và tỷ lệ bất bình đẳng sâu rộng, có thể gây vấn đề cho người con trai không có kinh nghiệm trên chính trường của mình.

So với cha mình, một số người đã nhận định ông Hun Manet, người tốt nghiệp Học viện Quân sự West Point và tiến sĩ kinh tế từ Đại học Bristol, có thể lãnh đạo một thể chế ít mang tính đàn áp hơn và cởi mở hơn trước lời kêu gọi cải thiện tình trạng nhân quyền từ Phương Tây.

Tuy nhiên, giới phân tích cũng cho biết không có bằng chứng cho thấy ông Hun Manet có thể cởi mở hơn. Ông Hun Sen cũng nói rõ là ông sẽ tiếp tục củng cố quyền lực to lớn của mình trong việc điều hành đất nước trong ít nhất 10 năm nữa.

Từ khóa 'Việt Nam' trong bàn cờ dịch chuyển của chính trị Campuchia

Chia sẻ Facebook