Quốc tế hóa giáo dục đại học: Sinh viên được cấp bằng quốc tế mà không cần du học
Quốc tế hóa góp phần nâng cao vị thế và chất lượng đào tạo của trường đại học. Sinh viên không cần đi du học vẫn được thụ hưởng chương trình giáo dục đạt chuẩn quốc tế.
Trước đây, khi nói đến việc du học tại chỗ hay là khoa liên kết đào tạo quốc tế nhiều người vẫn nghi ngờ về chất lượng, có những suy nghĩ là chỉ gia đình có điều kiện mới cho con học theo chương trình này, học chỉ lấy mác nước ngoài chứ không có thực chất. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều trường đại học đã thực sự xây dựng được các chương trình liên kết bài bản, nâng cao chất lượng đầu ra cho sinh viên.
Thách thức triển khai chương trình liên kết quốc tế
Quốc tế hóa trong giáo dục đại học là xu thế tất yếu. Trong đó, hoạt động phổ biến nhất hiện nay mà các trường đại học đang triển khai chính là liên kết đào tạo quốc tế.
Tính đến cuối năm 2021, cả nước có 408 chương trình liên kết đào đạo với nước ngoài đang hoạt động. Các đối tác và ngành đào tạo rất phong phú, nhằm đem tới cho sinh viên cơ hội học tập và chất lượng đào tạo theo chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, để duy trì và đảm bảo chất lượng đúng chuẩn quốc tế cho những chương trình này cũng gặp không ít thách thức.
Những tân sinh viên vừa nhập học trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội theo học chương trình liên kết quốc tế của trường với Đại học Southern New Hampshire của Mỹ, được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh
Giải pháp cho vấn đề này là triển khai song song các buổi trợ giảng xuyên suốt, còn về dài hạn là các khóa tăng cường tiếng Anh cho sinh viên.
Là chương trình liên kết đào tạo nên 40% sẽ do giảng viên nước ngoài giảng dạy, còn 60% là giảng viên Việt Nam. Trong hơn 800 cán bộ giảng viên của trường, hiện tại chỉ có hơn 10 người trực tiếp giảng dạy chương trình này. Việc đảm bảo đội ngũ giảng viên đủ năng lực cũng là thách thức không nhỏ với nhà trường.
Bước sang năm thứ 13, chương trình liên kết quốc tế này của ĐH Ngoại ngữ vẫn duy trì tuyển sinh hơn 400 chỉ tiêu mỗi năm, trong đó có cả các sinh viên đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc theo học. Sinh viên tốt nghiệp được cấp bằng cử nhân kinh tế - tài chính của ĐH Southern New Hampshire. Mức học phí khoảng 2.500USD/ năm được cho là hợp lý và thu hút với sinh viên.
Xếp hạng quốc tế của các trường đại học cần thực chất
Quốc tế hóa đem lại nhiều lợi ích cho các trường đại học, mà trước hết là góp phần nâng cao thứ hạng trên các bảng xếp hạng khu vực và thế giới. Và ngược lại, khi xếp hạng quốc tế hay còn gọi là ranking của các trường nâng cao cũng chính là 1 tiêu chí thu hút sinh viên từ nhiều quốc gia đến Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế của các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam. Tuy nhiên, phấn đấu có thứ hạng cao hơn cần song song với chất lượng đào tạo thực chất và đem lại lợi ích cho người học.
Trường ĐHBK Hà Nội nhiều năm liền nằm trong Top 1.000 trường ĐH tốt nhất thế giới. Về nhóm ngành, Kỹ thuật Điện - Điện tử; Kỹ thuật Cơ khí, Hàng không và Chế tạo; Khoa học máy tính và Hệ thống thông tin; Toán học; Khoa học Vật liệu của trường ở vị trí 300 đến 450 tốt nhất thế giới,theo xếp hạng năm 2022 của Tổ chức QS của Anh.
Đại học Quốc gia Hà Nội nhiều năm liền trong bảng xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học tốt nhất thế giới và khu vực. Nhiều ngành đào tạo được xếp hạng, thứ hạng cũng tăng qua từng năm, nhưng phấn đấu về chỉ số xếp hạng quốc tế luôn được ĐH QGHN xác định cần thực chất và phải mang lại lợi ích cho người học.
Mỗi bảng xếp hạng có một tiêu chí khác nhau. Thứ hạng trên bảng xếp hạng chắc chắn không phản ánh hoàn toàn chất lượng đào tạo nhưng chắc chắn đây luôn là tiêu chí quan trọng với người học khi lựa chọn học trường nào và học ngành nào.
Trên thế giới, sự đa dạng quốc tịch và các chính sách ưu đãi với sinh viên quốc tế cũng luôn là ưu thế của nhiều trường đại học.
Lợi ích cho sinh viên khi quốc tế hóa giáo dục đại học
Những năm trước, học liên kết quốc tế hay du học tại chỗ vẫn bị hoài nghi về chất lượng. Nhưng với nỗ lực đổi mới của nhiều trường đại học trong nước, quá trình quốc tế hóa đã thực sự đem lại lợi ích cho người học. Sinh viên không cần đi du học, được thụ hưởng chương trình giáo dục đạt chuẩn quốc tế ngay tại Việt Nam và được cấp bằng quốc tế. Những bước đi tiên phong trong quốc tế hóa giáo dục đại học đã mang lại nhiều cơ hội về học tập cũng như việc làm cho đội ngũ giảng viên và sinh viên Việt Nam.
Học thực tế tại doanh nghiệp, một trong những điều kiện bắt buộc của chương trình cử nhân khoa học về Quản trị kinh doanh, do Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội liên kết với ĐH Troy của Mỹ đào tạo.
Đây là 1 trong số ít các chương trình đạt kiểm định của Tổ chức kiểm định chất lượng đào tạo về kinh doanh lâu đời và nổi tiếng nhất ở Mỹ - AACBS.
Trên thế giới, chưa đến 5% các trường kinh doanh đạt được chứng chỉ này. Như vậy, không cần đi học học nước ngoài, sinh viên được học ngay tại Việt Nam với mức học phí hợp lý, được thụ hưởng chương trình đạt chuẩn quốc tế và được cấp bằng quốc tế.
Tại Đại học Bách khoa Hà Nội, số lượng chương trình đặc biệt có sử dụng ngoại ngữ hoặc có định hướng đáp ứng thị trường lao động nước ngoài đã chiếm 25% trong chương trình đào tạo. Nhiều chương trình liên kết quốc tế của trường đạt kiểm định của các tổ chức uy tín, giúp sinh viên ra trường được các nhà tuyển dụng đánh giá cao và cơ hội việc làm rộng mở.
Quốc tế hóa hiện đã không chỉ dừng lại ở việc thu hút sinh viên và giảng viên quốc tế đến Việt Nam. Thông qua các chương trình trao đổi, sinh viên trong nước có cơ hội tham gia các khóa học ở nước ngoài. Nhiều giảng viên, cán bộ của Đại học Bách khoa Hà Nội cũng tham gia giảng dạy ở các trường Đại học trên thế giới. Vị thế và chất lượng đào tạo của một cơ sở giáo dục đại học nhờ đó ngày càng được nâng cao.
Việc tiếp cận và nâng cao chương trình giáo dục đại học gần hơn với những giáo trình và cách giảng dạy quốc tế sẽ là xu hướng tất yếu của đào tạo đại học ở Việt Nam. Bởi để có một nguồn nhân lực chất lượng cao, chương trình đạo tạo cử nhân phải được đổi mới, cập nhật và cung cấp các kỹ năng làm việc quốc tế trong thời buổi hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay.