Quốc hội Trung Quốc họp, công bố kế hoạch tái cơ cấu nội các Chính phủ
Nội các Trung Quốc đã được tái cơ cấu 9 lần kể từ năm 1983, tức là trung bình 5 năm một lần khi một Thủ tướng mới nhậm chức.
Quốc vụ viện Trung Quốc hôm 7/3 đã công bố kế hoạch tái cơ cấu, bao gồm việc cắt giảm 5% số lượng công chức ở cấp chính quyền trung ương trong các năm.
Ông Tiêu Tiệp (Xiao Jie), Ủy viên Quốc vụ kiêm Tổng thư ký Quốc vụ viện, đã có bài phát biểu về kế hoạch tinh giản Nội các Trung Quốc trước Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (NPC) hôm 7/3 - ngày thứ ba của phiên họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc.
Kế hoạch nhằm tập trung vào việc tối ưu hóa và điều chỉnh trách nhiệm của các cơ quan trong các lĩnh vực chính như khoa học - công nghệ, giám sát tài chính, quản lý dữ liệu, đổi mới nông thôn, quyền sở hữu trí tuệ và chăm sóc người cao tuổi.
Kế hoạch cũng được thiết kế “để cung cấp một sự đảm bảo mạnh mẽ cho việc xây dựng một đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại một cách toàn diện và thúc đẩy toàn diện sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa”, ám chỉ tuyên bố của Chủ tịch Tập Cận Bình (Xi Jinping) là khôi phục lại vinh quang trước đây của Trung Quốc.
Ông Tiêu không đưa ra con số về số lượng công chức hiện tại ở cấp chính quyền trung ương, nhưng cho biết việc cắt giảm sẽ được thực hiện trong thời gian ân hạn 5 năm.
Cơ quan lập pháp hàng đầu của Trung Quốc dự kiến sẽ bỏ phiếu về kế hoạch tái cơ cấu Quốc vụ viện vào ngày 10/3.
Theo kế hoạch, Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc sẽ được tái cơ cấu và một phần trách nhiệm liên quan đến quy hoạch, phát triển và hoạch định chính sách cho ngành nông nghiệp và nông thôn sẽ được hợp nhất vào Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc.
Các trách nhiệm khác của Bộ này sẽ được chuyển giao cho Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC), Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin, Bộ Nhân sự và An sinh Xã hội, cũng như Ủy ban Y tế Quốc gia.
Một quan chức đảng nói với The Straits Times: “Chủ tịch Tập đã tuyên bố rằng khoa học và công nghệ là trụ cột chiến lược để xây dựng một Trung Quốc hùng mạnh. Việc tái cơ cấu Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc là rất quan trọng và cần thiết để đạt được điều này”.
Trong khi đó, một cơ quan về quản lý và giám sát tài chính nhà nước mới được thành lập sẽ tiếp quản một phần Ngân hàng Trung ương Trung Quốc và các cơ quan quản lý chứng khoán có liên quan đến việc bảo vệ người tiêu dùng và nhà đầu tư .
Chủ tịch Tập đã kêu gọi Trung Quốc sẵn sàng đối mặt những rủi ro và thách thức tài chính, đồng thời đưa ra các kế hoạch dự phòng cho những sự kiện “thiên nga đen” và “tê giác xám” không lường trước được.
Trung Quốc đã siết chặt quản lý lĩnh vực tài chính trong những năm gần đây, tiếp quản Tomorrow Holdings, một đế chế tài chính thuộc sở hữu tư nhân, công ty bảo hiểm khổng lồ Anbang và những gã khổng lồ bất động sản sa lầy vào những bất thường về tài chính.
Theo kế hoạch tái cơ cấu, Cục Dữ liệu Nhà nước sẽ được thành lập, nhấn mạnh tầm quan trọng của dữ liệu lớn để giúp chính phủ Trung Quốc đưa ra quyết định sáng suốt và tìm ra giải pháp khả thi cho các vấn đề.
Để đối phó với một xã hội già hóa, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc sẽ chuyển giao các nhiệm vụ liên quan đến người cao tuổi cho Bộ Nội vụ Trung Quốc.
Trung Quốc hiện là nơi có dân số người cao tuổi đông nhất thế giới. Năm 2019, nước này có 254 triệu người từ 60 tuổi trở lên. Đến năm 2040, con số này dự kiến sẽ tăng gần gấp đôi lên 402 triệu người, chiếm khoảng 28% tổng dân số.
Theo kế hoạch tái cơ cấu, Quốc vụ viện Trung Quốc vẫn sẽ bao gồm 26 bộ và ủy ban, cùng với Văn phòng Tổng thư ký, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Xinhua cho biết.
Ông Li Qiang (Lý Cường), 63 tuổi, cựu Bí thư Thượng Hải, dự kiến sẽ trở thành Thủ tướng tiếp theo của quốc gia tỷ dân, kế nhiệm ông Li Keqiang (Lý Khắc Cường), 67 tuổi, người đã phục vụ 2 nhiệm kỳ 5 năm. Quốc hội Trung Quốc sẽ bỏ phiếu bầu Thủ tướng mới vào ngày 11/3 tới .
Minh Đức (Theo The Straits Times, Xinhua)