Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư đường vành đai 3 TP.HCM, vành đai 4 Hà Nội

Chia sẻ Facebook
17/06/2022 02:26:53

Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư đường vành đai 3 TP.HCM, vành đai 4 Hà Nội


Sáng nay (16/6), tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, 474/475 đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội. Ngay sau đó, với 475/478 đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP. HCM.


Nghị quyết gồm 4 Điều nêu rõ mục tiêu đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, vành đai liên vùng, khu kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội, kết nối Thủ đô Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng, phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đã và đang được đầu tư, tạo không gian phát triển mới và giải quyết các vấn đề tồn tại của Thủ đô Hà Nội, khai thác tiềm năng sử dụng đất, xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Hướng tuyến đường Vành đai 4 đi qua các tỉnh và TP. Hà Nội.

Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội có chiều dài khoảng 112,8 km, chia thành 7 dự án thành phần, thực hiện hình thức thu phí tự động không dừng trong khai thác, vận hành.


Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 85.813 tỷ đồng. Trong đó nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 là 41.860 tỷ đồng, bao gồm: 19.383 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025. Nguồn vốn ngân sách địa phương là 22.477 tỷ đồng, trong đó, TP Hà Nội là 19.477 tỷ đồng, tỉnh Hưng Yên là 1.000 tỷ đồng và tỉnh Bắc Ninh là 2.000 tỷ đồng.

Toàn cảnh phiên làm việc sáng ngày 16/6/2022. (Ảnh Quốc hội)


Nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026 - 2030 là 14.506 tỷ đồng, bao gồm: 8.790 tỷ đồng. Nguồn vốn ngân sách địa phương là 5.716 tỷ đồng, trong đó: TP Hà Nội là 4.047 tỷ đồng, tỉnh Hưng Yên là 505 tỷ đồng và tỉnh Bắc Ninh là 1.164 tỷ đồng. Vốn do nhà đầu tư thu xếp là 29.447 tỷ đồng. Nghị quyết cũng xác định dự án cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.


Cùng với đường vành đai 4, Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh có bố cục gồm 4 Điều với các nội dung chủ yếu về: Mục tiêu; Phạm vi, quy mô, hình thức đầu tư; Công nghệ; Nhu cầu sử dụng đất và phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Sơ bộ tổng mức đầu tư và nguồn vốn…

Sơ đồ toàn tuyến đường Vành đai 3 TPHCM.


Theo đó, chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh nhằm mục tiêu kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương, tỉnh Long An và các địa phương khác trong vùng, phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đã và đang đầu tư, tạo không gian phát triển mới, khai thác tiềm năng sử dụng đất nhằm xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.


Dự án đường Vành đai 3 TP. HCM có chiều dài 76,34 km, chia thành 8 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công; sơ bộ tổng mức đầu tư là 75.378 tỷ. Trong đó nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 là 61.056 tỷ đồng, bao gồm: 31.380 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách trung ương; 29.676 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách địa phương (TP. HCM là 19.449 tỷ, Đồng Nai là 1.567 tỷ đồng, Bình Dương là 7.808 tỷ đồng và Long An là 852 tỷ đồng).


Nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026 - 2030 là 14.322 tỷ đồng, bao gồm: 7.361 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách trung ương; 6.961 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách địa phương (TP. HCM là 4.562 tỷ đồng, Đồng Nai là 367 tỷ đồng, Bình Dương là 1.832 tỷ đồng và Long An là 200 tỷ đồng). Dự án được thực hiện từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.

Chia sẻ Facebook