Quốc gia sớm vượt Trung Quốc trở thành nước đông dân nhất thế giới

Chia sẻ Facebook
11/08/2022 14:13:38

Một báo cáo mới được công bố gần đây của Liên Hợp Quốc cho biết dân số thế giới sẽ đạt 8 tỷ người vào khoảng giữa tháng 11 năm nay. Đồng thời, trong năm tới, theo dự báo, Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc về số lượng dân cư.

Theo Washington Times, trong khi Nga và Nhật Bản, nằm trong số 10 quốc gia có dân số hàng đầu thế giới vào năm 2000 thì sẽ hoàn toàn bị loại khỏi danh sách này vào khoảng năm 2050.

“Mặc dù nghèo đói và dân số quá đông có thể vẫn là những vấn đề nghiêm trọng đối với Ấn Độ trong tương lai gần, nhưng nước này sẽ sớm có thể vượt qua Trung Quốc và vươn lên vị trí dẫn đầu thế giới về số lượng dân cư”, Washington Times viết.

Theo tuyên bố mới đây của các chuyên gia Liên Hợp Quốc, Ấn Độ sẽ chính thức trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm sau. Và thực tế này có thể làm tăng đáng kể vị thế của nước này trên trường thế giới.

Liên Hợp Quốc đưa ra dự báo Ấn Độ sẽ chiếm ngôi số 1 về dân số trên thế giới vào cuối năm.

Ông Michael Kugelman, chuyên gia về Nam Á tại Trung tâm Woodrow Wilson ở Mỹ, chia sẻ với Washington Times: “Ý tưởng về việc Ấn Độ trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới chắc chắn có một điều gì đó mạnh mẽ”.

“Điều rất quan trọng đối với Ấn Độ là có thể vượt qua Trung Quốc, đối thủ chiến lược lớn và mạnh hơn của nước này trên bất kỳ mặt trận nào”, ông Kugelman nói thêm.

“Dân số nói lên rất nhiều về sức mạnh của Ấn Độ, ý nghĩa địa chiến lược và nói chung là về vị trí của nước này trên thế giới, nơi mà quốc gia ở Nam Á từ lâu đã tìm cách đảm nhận một vai trò quan trọng hơn”, ông Kugelman nhấn mạnh.

Một báo cáo mới của Liên Hợp Quốc có tên là Triển vọng Dân số Thế giới 2022, được công bố trùng với Ngày Dân số Thế giới vào tháng 7, dự đoán rằng dân số thế giới sẽ đạt 8 tỷ người vào giữa tháng 11 năm nay.

Bên cạnh đó, Cục điều tra dân số Mỹ hiện ước tính dân số nước này vào khoảng 337 triệu người. Trong khi theo báo cáo của Liên Hợp Quốc số lượng cư dân của Ấn Độ và Trung Quốc hiện nay là khoảng 1,4 tỷ người ở mỗi quốc gia.

Tuy nhiên, những con số này đang gây tranh cãi giữa các nhà khoa học do sự không chắc chắn liên quan đến đại dịch Covid-19.

Theo điều tra dân số của Ấn Độ, được tổ chức vào năm 2011, dân số của nước này vào thời điểm đó là 1,21 tỷ người. Thông thường cuộc điều tra dân số được tổ chức ở đó 10 năm một lần, nhưng vào năm 2021, các nhà chức trách đã quyết định hoãn lại do đại dịch.

Báo cáo Dân số của Liên Hợp Quốc cũng thừa nhận rằng đại dịch đã “ảnh hưởng đến tất cả các thành phần của sự thay đổi dân số, bao gồm cả sinh, tử và di cư”.

Tuy nhiên, các chuyên gia của Liên Hợp Quốc dự đoán rằng trong 2 thập kỷ tới, Ấn Độ sẽ có sự gia tăng đáng kể về số lượng dân cư, trong khi Trung Quốc dự kiến ​​sẽ bị sụt giảm dân số sớm nhất là vào năm 2023.


Phản ứng của Ấn Độ

Phản ứng trước thông tin trên, một số phương tiện truyền thông ở Ấn Độ đã không kiềm chế được sự vui mừng khi công bố những dự đoán này. “Chỉ trong vài tháng nữa, dân số Ấn Độ sẽ vượt qua dân số Trung Quốc, và đây sẽ là một sự thay đổi lịch sử từng được chứng kiến ​​lần cuối cách đây 300 năm”, Times of India, một trong những tờ báo có ảnh hưởng nhất trong nước thông báo.

Bài báo cũng lưu ý rằng hơn 63.000 trẻ em hiện nay được sinh ra ở Ấn Độ mỗi ngày, trong khi ở Trung Quốc chỉ có khoảng 29.000.

Ấn Độ sẽ sớm “qua mặt” Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới.

“Dân số Trung Quốc năm 2022 giảm lần đầu tiên sau 60 năm, trong khi dân số Ấn Độ sẽ tiếp tục tăng trong 40 năm tới”, Times of India nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Kugelman cảnh báo rằng việc Ấn Độ trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới cũng sẽ “làm trầm trọng thêm một số vấn đề lâu nay và không thể vượt qua” mà chính quyền và người dân địa phương phải đối mặt.

“Sự gia tăng dân số của Ấn Độ cũng góp phần gây ra tình trạng nghèo đói và thất nghiệp dai dẳng. Điều này đã ngăn New Delhi tận dụng nguồn nhân khẩu học”, chuyên gia này cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Washington Times.

Ông Kugelman giải thích rằng điều này về cơ bản đã ngăn cản Ấn Độ tận dụng lợi thế của việc có quá nhiều người trẻ tuổi vì không đủ việc làm được tạo ra trong nước. Bên cạnh đó, quá nhiều người trong số họ thiếu trình độ học vấn và các kỹ năng chuyên môn cần thiết để tìm được việc làm và đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của cả nước.


Lý do giảm dân số ở Trung Quốc

Về lý do giảm dân số ở Trung Quốc, theo các chuyên gia là khá đa dạng. Nhưng điều quan trọng nhất trong số này, theo các nhà phân tích, liên quan đến những tác động lâu dài của chính sách một gia đình một con mà Bắc Kinh bắt đầu thực hiện nhằm kiềm chế sự gia tăng dân số vào những năm 1980, khi Trung Quốc còn là một quốc gia nghèo.

Lo ngại về tốc độ gia tăng dân số và mức sinh giảm rõ rệt đã khiến chính phủ nới lỏng chính sách trong những năm gần đây, với việc người Trung Quốc được phép sinh hai con vào năm 2016 và thậm chí 3 con cho mỗi gia đình vào năm 2021. Tuy nhiên, vẫn rất khó để nói điều này có thể ảnh hưởng đến tình hình về lâu dài như thế nào.


Thanh Bình (lược dịch)

Chia sẻ Facebook