Quốc gia nào bị ảnh hưởng nhiều nhất nếu Mỹ vỡ nợ?
Nhật Bản, Trung Quốc là những chủ nợ lớn nhất của Mỹ, nhưng đây không phải là những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất nếu Mỹ không giải quyết được vấn đề nợ công.
Đầu tháng 2, giám đốc điều hành của Bank of America Brian Moynihan cảnh báo các quốc gia đừng chủ quan trước nguy cơ Mỹ vỡ nợ. Ông Moynihan cũng khuyến cáo các quốc gia chuẩn bị cho khả năng các khoản thanh toán trái phiếu kho bạc Mỹ bị đình chỉ, đồng thời đề cập đến những tác động mà một sự kiện như vậy có thể gây ra đối với nền kinh tế của họ.
Mới đây, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã đưa ra đánh giá chính xác hơn về vấn đề này bằng tuyên bố rõ ràng rằng Mỹ có thể vỡ nợ ngay sau ngày 1/6 nếu vấn đề trần nợ công không được giải quyết.
Theo Bà Yellen, kết quả của sự kiện này sẽ chẳng khác gì một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mới. Hiện tại, kho bạc Mỹ đang sử dụng “các biện pháp đặc biệt” nhằm trì hoãn nguy cơ này càng lâu càng tốt, nhưng Quốc hội Mỹ và Nhà Trắng vẫn đang bế tắc về vấn đề nâng trần nợ.
Quả bom hẹn giờ
Khi nợ công chạm mức trần, chính phủ Mỹ sẽ không thể vay tiền trên thị trường tài chính để trang trải thâm hụt ngân sách hoặc trả lãi và gốc cho các khoản nợ. Đây là lý do khiến ông Moynihan và bà Yellen bày tỏ lo lắng về khả năng vỡ nợ công trong những tháng tới.
Giải pháp cho vấn đề này nằm ở Quốc hội Mỹ, cơ quan có quyền tăng mức trần nợ công. Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ vẫn chưa thể đi đến quyết định cuối cùng bởi vì đảng Cộng hòa (những người chiếm đa số trong Hạ viện) yêu cầu chính phủ phải cắt giảm chi tiêu mới đồng ý thông qua bất kỳ luật lệ nào liên quan đến việc nâng trần nợ công.
Trong khi đó, đảng Dân chủ (hiện đang nắm giữ Nhà Trắng và Thượng viện), không sẵn sàng đàm phán cắt giảm chi tiêu chính phủ, khiến vấn đề tăng trần nợ rơi vào bế tắc.
Nợ công của Mỹ đã tăng 90% trong vòng 10 năm qua và hiện chiếm tới 130% GDP của Mỹ. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong thập kỷ qua không vượt quá 43%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế còn khiêm tốn trong khi nợ công tăng nhanh sẽ làm tăng gánh nặng lên ngân sách công của Mỹ.
Những phân tích này cho thấy, nợ công là một quả bom hẹn giờ sẽ phát nổ. Theo nhiều nhà phân tích, Mỹ sẽ còn phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ trong những năm tới, ngay cả khi vấn đề được giải quyết tạm thời bằng cách nới trần nợ vào năm 2023.
Chủ nợ lớn nhất
Theo Bộ Tài chính Mỹ, khoản nợ công của quốc gia này hiện đang ở mức hơn 31 nghìn tỷ USD. 69% số nợ của Mỹ do nước Mỹ nắm giữ, trong đó Cục Dự trữ Liên bang (Fed) nắm giữ 21,2%, quỹ hưu trí 12%, và các hộ gia đình 6,7%.
Hơn 31% còn lại (trái phiếu kho bạc và các loại chứng khoán khác) thuộc sở hữu của các tổ chức nước ngoài, bao gồm chính phủ, ngân hàng trung ương, tập đoàn và các nhà đầu tư khác.
Tính đến tháng 1/2023, các quốc gia khác sở hữu 7,4 nghìn tỷ USD trái phiếu kho bạc, tương đương khoảng 1/4 tổng nợ của Mỹ. Tỉ lệ sở hữu chứng khoán nước ngoài đạt đỉnh vào năm 2014, khi lên tới 34%, cao nhất trong lịch sử của đất nước.
Kể từ đó, con số này đã giảm xuống, đặc biệt trong đại dịch Covid-19 , khi các quốc gia như Trung Quốc, Ả Rập Xê-út và Brazil bán bớt cổ phần của họ trong kho bạc Mỹ để huy động vốn. Cuối năm 2020, các quốc gia tiếp tục mua nợ, nhưng mức độ không đạt mức cao trước đó.
Trong 20 năm qua, Nhật Bản và Trung Quốc là 2 quốc gia đứng đầu về tỉ lệ nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ.
Theo trang usafacts.org, tính đến tháng 1/2023, Nhật Bản sở hữu 1,1 nghìn tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ, trở thành chủ nợ công lớn nhất của Mỹ, sau đó lần lượt là Trung Quốc (khoảng 859 tỷ USD), Vương quốc Anh (668 tỷ USD), Bỉ 331 tỷ USD, và Luxembourg (318 tỷ USD).
Tổn thương nhiều nhất
Tuy nhiên, 5 quốc gia trên không phải là những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất nếu Mỹ vỡ nợ. 11 quốc gia Ả Rập, bao gồm Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Kuwait và Ả Rập Xê-út được cho là những quốc gia bị tổn thương nhiều nhất vì trái phiếu kho bạc Mỹ chiếm một tỉ lệ đáng kể trong dự trữ ngoại hối của các quốc gia này.
Kể từ đầu năm 2022, giá trị trái phiếu kho bạc Mỹ đã giảm 13% do niềm tin của nhà đầu tư sụt giảm, khiến ác quốc gia Ả Rập đầu tư vào trái phiếu phải chịu lỗ. Nếu Mỹ thực sự vỡ nợ, trái phiếu kho bạc Mỹ sẽ mất phần lớn giá trị thị trường khi các nhà đầu tư đua nhau bán tháo.
Nếu các khoản thanh toán trái phiếu bị đình chỉ, các khoản lãi của chúng cũng sẽ bị đóng băng, dẫn đến thiệt hại lớn hơn cho các nước Ả Rập.
Vương quốc Ả Rập Xê-út đứng đầu trong số các quốc gia Ả Rập về khoản đầu tư vào nợ công của Mỹ, với giá trị khoảng 116,7 tỷ USD. Con số này tương đương 45% tổng giá trị trái phiếu kho bạc Mỹ do các nước Ả Rập sở hữu.
Đứng thứ hai là Kuwait với khoản đầu tư trị giá khoảng 50,6 tỷ USD, chiếm 20% tổng đầu tư của các nước Ả Rập vào trái phiếu kho bạc Mỹ, sau đó là Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất với 46,3 tỷ, chiếm 18%.
Các nhà đầu tư còn lại bao gồm Iraq (24,1 tỷ USD), Qatar gần 5,7 tỷ USD, Oman (5,3 tỷ USD), Maroc (3,7 tỷ USD), Ai Cập (2,2 tỷ USD), Bahrain (1,5 tỷ USD), Mauritania (1,3 tỷ USD) và Algeria (680 triệu USD).
Trước nguy cơ vỡ nợ của Mỹ, các quốc gia này được cho là sẽ tìm cách đa dạng hóa các tài sản nợ có chủ quyền trong giai đoạn tiếp theo. Ngoài trái phiếu kho bạc Mỹ, họ có thể sẽ xem xét mua thêm chứng khoán do các chính phủ khác phát hành để giảm bớt rủi ro tiềm ẩn gây ra do sự phụ thuộc vào các khoản đầu tư nợ công của Mỹ .
Nguyễn Tuyết (Theo as.com, fanack.com, Telegraph)