Quốc gia ít người ghé thăm nhất trên thế giới: Không có dịch vụ thẻ tín dụng và chỉ có một ngân hàng duy nhất
Tuvalu sẽ là một đất nước thiên đường đối với những người "hướng nội", yêu thích thiên nhiên hoang sơ và du lịch nghỉ dưỡng.
Nếu Pháp được biết đến như quốc gia thu hút nhiều lượt khách du lịch nhất thế giới nhờ vào những địa điểm lãng mạn, những kiến trúc tuyệt đẹp thì ngược lại, Tuvalu là quốc gia ít được khách du lịch ghé thăm nhất, theo CNN Travel.
Không phải bởi vì quốc gia này không đẹp nên ít người đến, mà bởi vì quốc gia này nằm ở một vị trí khá biệt lập, là một quần đảo nhỏ với kích thước khiêm tốn.
Tuvalu - quốc gia nhỏ bé nằm giữa Thái Bình Dương
Tuvalu được mệnh danh là một trong những quốc gia nhỏ bé và biệt lập nhất thế giới, trước đây được gọi là quần đảo Ellice và tọa lạc ở vùng biển giữa Hawaii và Úc. Và cũng chính nhờ sự tách biệt của mình mà quốc gia này đã trở thành một trong những địa điểm đáng ghé thăm nhất Thái Bình Dương.
Là một quần đảo yên bình và chưa bị thương mại hoá, nơi đây có đầy đủ các thắng cảnh xinh đẹp như những hòn đảo san hô, những đầm phá trong xanh đẹp như tranh vẽ cùng với nét văn hóa phong tục đặc sắc.
Tổng diện tích đất liền của quốc gia này chỉ vỏn vẹn 26km2, dân số khoảng 10.500 người sống tập trung tại đảo chính và cũng là thủ đô Funafuti. Trên đảo chỉ có duy nhất một sân bay với 2 chuyến bay mỗi tuần, sau khi hạ cánh tại thủ đô, khách du lịch sẽ tham quan những hòn đảo khác bằng phà.
Đáng tiếc thay, quốc đảo này hiện đang nằm ở tình trạng cảnh báo vì rất dễ bị ảnh hưởng bởi mực nước biển đang không ngừng dâng cao do biến đổi khí hậu. Không có điểm nào cao hơn 4,5m so với mực nước biển, quần đảo có nguy cơ “biến mất" nếu tình trạng nóng lên toàn cầu tiếp tục trầm trọng hơn.
Lịch sử hình thành
Những người đầu tiên định cư tại mảnh đất này có lẽ là người Polynesia đến từ Samoa vào thế kỷ 14, trong quá trình khai phá đất đai. Một bộ phận nhỏ khác đến từ Tonga, quần đảo Cook, Rotuma và quần đảo Gilbert.
Người Tây Ban Nha là những người Châu Âu đầu tiên tìm thấy quần đảo này vào năm 1568. Với sự mở rộng của châu Âu, đến năm 1892, quần đảo Ellice lúc bấy giờ đã năm dưới quyền bảo hộ của Anh, sau đó chuyển thành một bộ phận của thuộc địa đảo Gilbert và đảo Ellice vào năm 1916.
Đến những năm 1960, những mâu thuẫn về chủng tộc và việc làm trở nên trầm trọng giữa người dân của hai đảo. Yêu cầu ly khai của người dân đảo Ellice đã dẫn đến một cuộc trưng cầu dân ý vào năm 1974, dưới sự thống nhất của nhân dân, hòn đảo trở thành lãnh thổ riêng biệt vào năm 1975 - 1976 . Đến năm 1978, quốc gia này tuyên bố độc lập với tên gọi Tuvalu.
Nét đẹp văn hóa và con người
Tên gọi Tuvalu bắt nguồn từ việc đất nước này gồm 8 hòn đảo nhỏ có người sinh sống, mặc dù số lượng đảo thực tế là 9.
Phong cách sống của người Tuvalu đã được phương Tây hóa ở một mức độ nào đó do ảnh hưởng của thời kỳ thuộc địa, nhưng những tiện ích hiện đại phương Tây thì lại rất ít xuất hiện tại đây.
Đời sống của người dân ở đây vẫn còn khá giản dị và sơ khai, chưa có quá nhiều tiện ích hiện đại.
Trong số 8 hòn đảo có người sinh sống, chỉ có thủ đô Funafuti mới có nguồn điện thường xuyên, chính phủ chỉ xuất bản truyền đơn chứ không hề có một tờ báo nào, dịch vụ truyền hình vệ tinh chỉ được cài đặt khi đã đăng ký trước, và chỉ có một đài phát thanh duy nhất.
Đơn vị tiền tệ được sử dụng tại Tuvalu là đồng đô Úc. Khi ghé thăm nơi đây, du khách nên mang theo nhiều tiền mặt vì ở quốc gia này không có dịch vụ thẻ tín dụng. Họ chỉ có một ngân hàng duy nhất là Ngân hàng Quốc gia Tuvalu mở cửa từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều vào thứ năm và từ 9 giờ sáng đến 1 giờ chiều vào thứ sáu.
Hầu hết người dân của quốc gia này sinh sống trong những ngôi làng có vài trăm người, công việc chính là trồng trọt và câu cá từ những chiếc xuồng thủ công. Mọi người ở đây yêu thích âm nhạc và khiêu vũ, ngoài ra họ còn đam mê những môn thể thao như bóng chuyền, bóng đá hay cricket (bóng gậy).
Nhìn chung, cuộc sống ở Tuvalu dù đang từng bước được hiện đại hoá, nhưng vẫn dựa trên nền tảng truyền thống vững chắc, một truyền thống mà ở đó, sự đoàn kết giữa mọi người và bản sắc dân tộc được đặt lên hàng đầu.
Nguồn: The Travel, Britannica
Theo Sông Thương