Quốc gia duy nhất ở EU vẫn nhận được khí đốt của Nga
Quốc gia duy nhất ở EU vẫn nhận được khí đốt của Nga
Khi ba trong số bốn đường ống vận chuyển khí đốt tự nhiên từ Nga đến châu Âu không hoạt động, Hungary hiện là quốc gia thành viên EU duy nhất vẫn tiếp nhận khí đốt của Nga.
Theo tờ Forbes Hungary, có bốn đường ống có thể cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga cho châu Âu.
Thứ nhất là Nord Stream 1, có công suất 55 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm và Nga đã ngừng chuyển khí đốt trên tuyến đường ống này.
Thứ hai là Nord Stream 2, có công suất tương tự là 55 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm. Đường ống này chưa bao giờ đi vào hoạt động sau khi Chính phủ Đức từ chối cấp phép.
Thứ ba là Yamal Europe, đường ống dài nhất (4.107 km) cung cấp khí đốt từ Bán đảo Yamal ở Tây Siberia, có điểm cuối ở Đức, công suất 33 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm. Nga đã tạm dừng vận chuyển khí đốt qua đây từ tháng 5.
Thứ tư là Turk Stream, đường ống cung cấp khí đốt dưới Biển Đen từ Nga qua Balkan, có công suất 31,5 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm và là đường ống duy nhất còn hoạt động. Đường ống này có điểm cuối ở Hungary. Có nghĩa là cho đến nay, Hungary là quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) duy nhất vẫn tiếp nhận khí đốt tự nhiên của Nga.
Nhờ khoản thu lớn mà Nga kiếm được từ giá khí đốt tăng cao, Nga không muốn đóng cửa hoàn toàn các đường ống này.
Mặc dù Hungary vẫn nhận được khí đốt, nhưng giá khí đốt gắn với giá thị trường, do đó nước này phản đối mạnh mẽ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.
Đầu tuần này, Thủ tướng Viktor Orbán đã thông báo tổ chức cuộc tham vấn quốc gia về các lệnh trừng phạt Nga của EU. Trong đó, cuộc tham vấn hỏi người dân liệu họ có ủng hộ các lệnh trừng phạt hay không.
Tuần trước, Thủ tướng Orbán đã kêu gọi chấm dứt các biện pháp trừng phạt Nga vào cuối năm nay để kiềm chế lạm phát, giảm một nửa giá lương thực và kiểm soát chi phí năng lượng tăng cao.
Ngày 29/9, Chánh Văn phòng Thủ tướng Hungary Gergely Gulyas cho biết nước này không thể ủng hộ gói trừng phạt thứ 8 mà EU áp vào Nga nếu trong đó bao gồm các biện pháp trừng phạt về năng lượng.
Trước đó, ngày 25/9, Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Hungary Peter Szijjarto cho rằng các biện pháp trừng phạt Nga đang gây thiệt hại cho chính châu Âu và là thất bại hoàn toàn, đồng thời nhấn mạnh Hungary không chấp nhận biện pháp trừng phạt nào gây nguy hiểm cho nguồn cung năng lượng của mình.
Ông Szijjarto nói rằng các lệnh trừng phạt Nga liên quan xung đột tại Ukraine là nguyên nhân khiến lạm phát của EU tăng vọt, giá điện, giá khí đốt tự nhiên và giá thực phẩm đều tăng, trong khi kinh tế châu lục có nguy cơ suy thoái.
Tuy vậy, ngày 4/10, đại diện thường trực của các nước thành viên EU đã đạt được thỏa thuận về gói trừng phạt thứ 8 chống Nga, trong đó có áp trần giá dầu mỏ của Nga. Văn kiện cuối cùng của gói trừng phạt mới sẽ được thông qua trong ngày 5/10.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak hồi đầu tháng 9 cảnh báo Nga sẽ ngừng cung cấp dầu mỏ và các sản phẩm dầu cho các nước quyết định áp trần giá dầu của Nga. Ông Novak gọi các đề xuất áp đặt hạn chế giá dầu mỏ của Nga là hoàn toàn vô lý.
Các nước phương Tây ngoài EU cũng đã tăng cường trừng phạt Nga. Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt sâu rộng hơn nhằm vào hàng trăm cá nhân và công ty, kể cả tổ hợp công nghiệp - quân sự và các nhà lập pháp Nga. Bộ Thương mại Mỹ đã bổ sung 57 thực thể ở Nga và Crimea vào danh sách đen xuất khẩu của Mỹ.
Cùng ngày, Canada tuyên bố áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga. Các biện pháp này ảnh hưởng đến 43 nhà tài phiệt Nga, giới tinh hoa tài chính và gia đình họ.
Bộ Ngoại giao Anh thông báo nước này đã trừng phạt Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina, áp đặt lệnh phong tỏa tài sản và cấm nhập cảnh.