Quốc gia có 70 triệu phú mới mỗi ngày nhưng vẫn thuộc nhóm nghèo đói
Năm 2018-2022, Ấn Độ sản sinh ra 70 triệu phú mới mỗi ngày. Nhưng gần 800 triệu người dân nước này vẫn phụ thuộc vào chương trình an ninh lương thực của chính phủ.
Quốc gia có 70 triệu phú mới mỗi ngày nhưng vẫn thuộc nhóm nghèo đói
Nasreen Khatoon (32 tuổi) thiếu ăn và hai đứa con của cô cũng vậy. Gia đình này sống trong một khu ổ chuột ở New Delhi, Ấn Độ, theo VICE News.
"Những ngày có sữa thì lại hết đường, có đường thì lại thiếu sữa. Tôi sống từng ngày một, không biết ngày mai còn có ăn không. Tôi không chắc liệu mình có sống sót qua cơn đói này hay không. Khi các con khóc vì đói, tôi cảm thấy bất lực", Khatoon kể.
Lạm phát tăng vọt và nạn đói hoành hành ở Ấn Độ. Gần 800 triệu người đang phụ thuộc vào chương trình an ninh lương thực được cung cấp bởi chính phủ. Các nhà nghiên cứu ước tính thêm 100 triệu người Ấn Độ cần trợ cấp lương thực, nhưng không có tên trong chương trình. Khatoon là một trong số đó.
Chỉ số đói nghèo toàn cầu (GHI) được công bố cách đây vài tuần đã đánh giá Ấn Độ là một trong những quốc gia đói nhất trên thế giới, xếp thứ 107 trong số 121 quốc gia trong danh sách đánh giá năm 2022.
Khủng hoảng đói nghèo đặc biệt đáng báo động vì Ấn Độ là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới và là quê hương của hàng trăm tỷ phú siêu giàu.
Hơn một tháng trước khi GHI được công bố, Gautam Adani, doanh nhân Ấn Độ, đã trở thành người giàu thứ hai trên thế giới. Ông hiện đứng thứ 3 trong danh sách tỷ phú của Forbes và là người giàu nhất châu Á.
Mukesh Ambani, một doanh nhân Ấn Độ khác, là người giàu thứ 8 thế giới. Theo Oxfam, 10% người giàu Ấn Độ hàng đầu nắm giữ 77% tài sản ở quốc gia này. Trên thực tế, từ năm 2018 đến năm 2022, Ấn Độ ước tính sản sinh ra 70 triệu phú mới mỗi ngày.
Hai thế giới đối lập
Anjali Bhardwaj, nhà hoạt động nhân quyền liên quan đến chiến dịch quyền lương thực, cho biết: "Ngày nay có hai Ấn Độ: Một bên dành cho những người giàu đang trở nên giàu hơn và phía còn lại gồm hàng triệu gia đình đang vật lộn để có đủ hai bữa ăn mỗi ngày".
Trong khi người giàu ngày càng giàu có, thì người nghèo đang chết vì đói. Bất chấp sự phủ nhận của chính phủ Ấn Độ, những trường hợp chết đói vẫn được báo cáo ở nước này.
Hồi tháng 8, Sanjay Sardar (30 tuổi), sống ở Tây Bengal, đã chết vì đói khi vợ chồng anh bỏ bữa để dành thức ăn cho con. Trong khi chính phủ nói rằng Sardar chết vì bệnh lao, một cơ quan dân quyền phát hiện ra rằng Sardar đã bị bỏ đói nhiều ngày trước khi chết.
Năm 2020, cựu bộ trưởng tài chính Ấn Độ đã viết: "Chúng ta sẽ không bao giờ biết có bao nhiêu người chết vì đói vì không chính quyền bang nào thừa nhận có người mất mạng vì thiếu lương thực thực phẩm".
Cùng năm, Sonia Kumari (5 tuổi), ở quận Agra của Uttar Pradesh, đã chết sau khi không có gì để ăn trong 15 ngày. Vào ngày cô bé qua đời, cả gia đình Kumari cũng đã nhịn đói suốt hai tuần và chỉ nhận được một ít bánh quy từ những người hàng xóm.
Cũng trong khoảng thời gian này, Aaris (4 tháng tuổi) ra đi trong tiếng khóc nức nở. Mẹ của cậu bé, Nafisa, ở quận Banda thuộc Uttar Pradesh, không có đủ sữa để nuôi con vì trong nhà không còn gì để ăn.
Một đứa trẻ khác ở bang Jharkhand, Nimani (5 tuổi), cũng ra đi cùng năm, sau khi cơn đói khiến em bất tỉnh.
Theo Oxfam, liên minh quốc tế của 20 tổ chức làm việc tại 94 quốc gia để tìm giải pháp lâu dài cho nghèo đói và bất công, tổng thu nhập trong 941 năm của người lao động có mức lương tối thiểu ở vùng nông thôn Ấn Độ bằng lương một năm của giám đốc điều hành tại công ty may mặc hàng đầu của nước này.
Báo cáo của Oxfam cho biết: "73% của cải tạo ra trong năm 2017 thuộc về 1% người giàu nhất, trong khi 670 triệu người Ấn Độ chiếm một nửa dân số nghèo nhất chỉ tăng 1% tài sản".
Trên thực tế, tổng tài sản của người giàu cao hơn toàn bộ ngân sách liên bang của Ấn Độ trong năm tài chính 2018-2019, là hơn 296 tỷ USD .
Đói nghèo và bất bình đẳng
Himanshu, giáo sư kinh tế tại Đại học Jawaharlal Nehru ở New Delhi, cho biết cả nạn đói và bất bình đẳng đều là kết quả của sự mù quáng về chính sách của chính phủ Ấn Độ.
Mặc dù chính phủ Ấn Độ đang điều hành hệ thống phân phối lương thực công cộng lớn nhất thế giới, nhưng hệ thống này còn nhiều lỗ hổng, sai sót và thường xuyên bị thiếu vốn.
"Bất chấp những nỗ lực của chính phủ, quy mô của vấn đề là rất lớn nên đòi hỏi nhiều nỗ lực và can thiệp hơn nữa", ông Himanshu nói.
"Dữ liệu cho thấy rằng việc phân bổ ngân sách trong chương trình an ninh lương thực hoặc y tế đã giảm đáng kể trong những năm qua. Đó là lý do chỉ số đói nghèo phản ánh tình trạng đáng báo động ở Ấn Độ", Pravas Ranjan Mishra, trưởng nhóm nghiên cứu tại Oxfam, nhận định.
Trong trường hợp của Sonia, Namani và Aaris, tất cả đều chết vì đói, gia đình của họ không được cấp giấy tờ bắt buộc, gọi là thẻ khẩu phần, để được trợ cấp ngũ cốc. Mặc dù tiếp cận thực phẩm là quyền cơ bản ở Ấn Độ, chỉ một số lượng hạn chế người dân có thể được cấp thẻ theo luật.
Mishra nói thêm rằng chính sách đánh thuế của Ấn Độ là một phần nguyên nhân. "Chính sách thuế là nguyên nhân chính dẫn đến bất bình đẳng ở Ấn Độ. Luật khắc nghiệt với người nghèo hơn người giàu".
Ấn Độ từng có thuế tài sản nhưng đã bị chính phủ bãi bỏ vào năm 2015. Điều này bất chấp cả nước có hơn 142 tỷ phú. Chính phủ nước này cũng cắt giảm thuế doanh nghiệp vào năm 2019, dẫn đến khoản lỗ tài chính gần 22 triệu USD trong hai năm.
Tuy nhiên, thuế gián thu trong nước đã tăng lên. Hiện tại, một người lao động bình thường và một triệu phú trả cùng một khoản thuế khi mua gói bơ, gần 12%.
"Giá nhiên liệu và thuế gián thu tăng đã đẩy giá các mặt hàng thiết yếu, bao gồm cả thực phẩm. Điều này dẫn đến tình trạng mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng nghiêm trọng, đặc biệt ở trẻ em và phụ nữ", Bhardwaj nói thêm.
Còn theo ông Himanshu, đói nghèo song hành cùng bất bình đẳng thu nhập. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là nếu bất bình đẳng được giảm bớt thì nạn đói sẽ được giải quyết.
"Đánh thuế người giàu sẽ tạo thêm nguồn lực cho chính phủ, nhưng trừ khi những nguồn lực đó hướng đến an sinh xã hội, nó sẽ không dẫn đến bất kỳ thay đổi nào", ông Himanshu giải thích.