Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu và những bài thơ vịnh cảnh sắc vùng Thuận – Quảng

Chia sẻ Facebook
26/01/2023 19:48:19

Nguyễn Phúc Chu (1675 - 1725) là con trai trưởng của chúa Nguyễn Phúc Thái và vương phi Tống Thị Lĩnh. Ông được đình thần tôn lên kế vị...


Nguyễn Phúc Chu (1675 – 1725) là con trai trưởng của chúa Nguyễn Phúc Thái và vương phi Tống Thị Lĩnh. Ông được đình thần tôn lên kế vị Nguyễn Phúc Thái vào năm 1691, trở thành vị chúa Nguyễn thứ sáu trị vì Đàng Trong. Đến năm 1693, Nguyễn Phúc Chu được quần thần tấn tôn làm Thái phó Quốc công và dâng tôn hiệu là Quốc Chúa. Từ đó về sau, trong các sắc dụ về nội trị và ngoại giao, ông đều xưng là Quốc Chúa. (1) Lên ngôi lúc mới 17 tuổi, ở ngôi 34 năm, Nguyễn Phúc Chu là một trong những vị chúa Nguyễn tạo dựng nhiều công nghiệp ở Đàng Trong.


Về nội trị, ông chú trọng xây dựng binh lực hùng mạnh; mở mang và ổn định bờ cõi; phát triển giáo dục và tổ chức thi cử quy mô, căn bản. Năm 1692, sau khi vua Chiêm Thành là Bà Tranh sai quân tấn công và sát hại cư dân ở phủ Diên Ninh, Nguyễn Phúc Chu sai Nguyễn Hữu Cảnh đi đánh dẹp, bắt được vua Chiêm Thành là Bà Tranh và bề tôi là Kế Bà Tử cùng nhiều quyến thuộc của vua Champa đem về Phú Xuân. Sau đó, ông cho đổi đất Chiêm Thành thành trấn Thuận Thành, đến năm 1693 lại đổi thành phủ Bình Thuận. Năm 1698, ông sai Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược đất Chân Lạp, chia đất Đông Phố thành hai huyện: lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phúc Long, dựng dinh Trấn Biên (Biên Hòa), lấy xứ Sài Côn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn (Gia Định), rồi chiêu mộ dân nghèo ở vùng Ngũ Quảng vào khai phá đất đai, lập nên các thôn ấp trù phú ở miền Nam. Ở mặt Bắc, du đang lúc đình chiến với quân Trịnh, ông vẫn sai các đại thần: Nguyễn Phúc Diệu, Tống Phúc Tài, Nguyễn Khoa Chiêm chăm lo sửa sang thành lũy ở Quảng Bình, kéo dài từ núi Đâu Mâu đến cửa biển Nhật Lệ; cử quân đến trấn giữ những nơi trọng yếu để đề phòng quân Trịnh bất ngờ tấn công. (2) Ông cũng dẹp yên các thế lực chống đối do Hoa thương A Ban và Nặc Thu (người Chân Lạp) cầm đầu. Ông cũng là người đầu tiên nhận thấy vai trò quan trọng đặc biệt của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nên vào năm 1711 đã sai Cai đội Thuyên Đức Hầu đem lính ra đo đạc địa đồ quần đảo Trường Sa để xác lập chủ quyền quốc gia và tổ chức khai thác hải sản. (3)

Về đối ngoại, năm 1701, Nguyễn Phúc Chu sai Hoàng Thần và Hưng Triệt đem quốc thư và cống phẩm sang Trung Hoa cầu nhà Thanh phong cho ông làm vua một quốc gia riêng biệt, tách khỏi thực thể chính trị do vua Lê – chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. Tuy nhiên việc ấy không thành do đình thần nhà Thanh lo sợ sự lớn mạnh của Đàng Trong sẽ là hậu họa cho Đại Thanh ở phương Nam.


Nguyễn Phúc Chu là một người sùng mộ đạo Phật và có nhiều đóng góp cho việc hưng nghiệp Phật giáo ở Đàng Trong. Năm 1694, chúa cho người sang Quảng Đông mời hòa thượng Thạch Liêm (Thích Đại Sán) sang Thuận Hóa thuyết pháp về đạo Phật và lập trai đàn ở chùa Thiên Mụ để cầu siêu và tịnh độ cho binh dân xứ Thuận Hóa. Ông quy y với Hòa thượng Thạch Liêm, phát tâm thọ giới Bồ tát tại gia vào năm 1695 và được Hòa thượng Thạch Liêm ban cho pháp danh Hưng Long (興隆), đạo hiệu là Thiên Túng đạo nhân (天縱道人). Ông bỏ tiền của tu bổ, mở mang cảnh trí chùa Thiên Mụ: xây đắp tự viện, đúc chuông, lập khánh, dựng bia trước chùa.


Nguyễn Phúc Chu còn là một tác gia lớn của văn học Đàng Trong. Ông sáng tác nhiều thơ văn, hiện vẫn còn lưu truyền. Do pháp danh của ông là Thiên Túng đạo nhân nên khi sáng tác thi văn, ông thường ghi ba chữ Đạo nhân thư (道人書) ở cuối tác phẩm của mình.


Đặc biệt, Nguyễn Phúc Chu rất thích đặt làm các món đồ sứ ký kiểu ở Trung Hoa, trên đó, ông cho đề các thi phẩm do ông trước tác và cho vẽ hình minh họa nội dung các thi phẩm ấy. Đến nay, giới sưu tầm đồ sứ ký kiểu ở trong và ngoài nước đã sưu tầm được nhiều món đồ sứ do chúa Nguyễn Phúc Chu ký kiểu, chủ yếu là những chiếc tô lớn, đường kính khoảng 18cm, có đề các bài thơ của chúa Nguyễn Phúc Chu. Đó là những bài thơ thất ngôn bát cú , được viết trên những chiếc tô sứ men trắng vẽ lam, hiệu đề Thanh ngoạn (清玩) viết theo kiểu chữ triện trong vòng tròn kép. Mỗi bài thơ được viết thành 10 dòng, gồm 1 dòng tiêu đề, 8 dòng nội dung và 1 dòng lạc khoản ở cuối bài thơ ghi ba chữ Đạo nhân thư . Bên cạnh mỗi bài thơ là một bức tranh sơn thủy – nhân vật , vẽ cảnh sắc, địa danh mà bài thơ miêu tả. Đây là lối trang trí nhất thi, nhất họa rất phổ biến trên đồ gốm sứ phương Đông lúc bấy giờ.

Bài viết này xin giới thiệu 5 bài thơ ca ngợi cảnh sắc vùng Thuận – Quảng do chúa Nguyễn Phúc Chu sáng tác, được viết trên những món đồ sứ do chúa ký kiểu ở Trung Hoa:


1. Bài Thiên Mụ hiểu chung (天姥曉鐘) viết trên chiếc tô sứ vẽ cảnh chùa Thiên Mụ ở Thuận Hóa dưới thời chúa trị vì (4) (các ảnh 1a, 1b, 1c). Chiếc tô này là hiện vật độc bản trong sưu tập của ông Trần Đình Sơn ở Thành phố Hồ Chí Minh.


Nguyên văn: (5)

Phiên âm:


Thiên Mụ hiểu chung


Ký bạch đông phương thúy tích trùng
Thự quynh tiệm dữ bách hoa nùng
Tà khan vân ảnh giang can nguyệt
Bất thính triều thanh sơn tự chung
Độc ngã nhàn tình y phiếu miểu
Kỷ nhân trần mộng đắc thung dung
Du du dư vận chư thiên lý
Phạn ngữ dao ưng đáp hiểu chung


Đạo nhân thư

Trần Đình Sơn dịch thơ:


Chuông sớm Thiên Mụ


Biêng biếc phương trời buổi rạng đông
Trăm hoa ửng nắng sắc hương nồng
Vẳng nghe, sóng dậy chuông chùa điểm
Ghé mắt, mây phô nguyệt bến lồng
Riêng tớ, tình suông về thăm thẳm
Mấy ai, cảnh mộng tới thong dong
Mang mang dư vận từng không tỏa
Tiếng phạn hồi chuông sớm quyện lòng


Đạo nhân viết

Ảnh 1a

Ảnh 1b

Ảnh 1c

Chùa Thiên Mụ tọa lạc trên đồi Hà Khê, phía tây Kinh Thành Huế, là đại danh lam của xứ Thuận Hóa xưa, có lịch sử trải hơn 400 năm. Tương truyền, chùa do Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng tạo lập vào năm 1601. Chúa đặt tên chùa dựa theo truyền thuyết kể về một bà tiên (Thiên Mụ) đêm đêm xuất hiện trên đồi Hà Khê và tiên đoán sẽ có một vị chân chúa đến đây dựng chùa “cho tụ linh khí để bền long mạch”.

Tuy nhiên, chúa Nguyễn Phúc Chu mới là người có công rất lớn trong việc tu bổ, mở mang cảnh quan chùa Thiên Mụ. Năm 1710, Nguyễn Phúc Chu cho đúc Đại hồng chung Thiên Mụ, nặng 3.285 cân (khoảng 2.051kg). Đây là chiếc chuông lớn thứ nhì ở Việt Nam (chỉ bé thua chuông chùa Cổ Lễ ở tỉnh Nam Định). Đại hồng chung này được coi là bảo vật của chùa và tiếng chuông Thiên Mụ đã đi vào ca dao như một nét đẹp biểu trưng của xứ Huế:


Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Cương.

Năm 1715, Nguyễn Phúc Chu cho dựng ở bên trái phía trước tam quan chùa Thiên Mụ một bi ký thật lớn, ảnh hưởng phong cách bi ký của Đàng Ngoài, nhưng lại ghi dấu ấn khai phá một phong cách tạo hình cho bi ký xứ Huế sau này. Dưới đời Nguyễn Phúc Chu, chùa Thiên Mụ được tôn vinh như một “quốc bảo” của triều đình.


2. Bài Ải lĩnh xuân vân (隘嶺春雲) viết trên những chiếc tô sứ vẽ cảnh núi Hải Vân ở phía nam xứ Thuận Hóa (6) (các ảnh 2a, 2b và 2c). Hiện nay, có ba nhà sưu tầm đồ sứ ký kiểu đang sở hữu 4 chiếc tô có viết bài thơ này: ông Trần Đình Sơn (sở hữu 1 chiếc), ông Nguyễn Hữu Hoàng ở Huế (2 chiếc) và ông Jochen May ở CHLB Đức (1 chiếc).

Nguyên văn:

Phiên âm:


Ải lĩnh xuân vân


Việt Nam xung yếu thử sơn điên
Tuyệt lĩnh hoàn như Thục đạo thiên (7)
Đãn kiến vân hoành tam tuấn lĩnh
Bất tri nhân tại kỷ trùng thiên
Lãnh triêm tu phát phi đồng tuyết
Thấp tiễn y thường khởi thị tuyền
Duy nguyện hải phong xuy tác vũ
Chính nghi thiên lý nhuận tang điền


Đạo nhân thư

Trần Đức Anh Sơn dịch thơ:


Mây xuân trên Ải lĩnh


Xung yếu về Nam có núi này
Khác chi đất Thục điệp non xây
Bóng giăng, chỉ thấy ba tầng lớn
Người ở, nào hay mấy đỉnh mây
Mi tóc lạnh, dù không tuyết rụng
Áo xiêm ngâm, dẫu chẳng nguồn vây
Chỉ mong gió bể đem mưa tới
Muôn dặm dâu xanh bát ngát bày


Đạo nhân viết

Ảnh 2a

Ảnh 2b

Ảnh 2c


Sách Ðại Nam nhất thống chí , bản in thời Duy Tân (1907 – 1916), có khắc in 4 câu đầu của bài thơ này, nhưng trong các câu phá thừa có khác mấy chữ so với bài thơ viết trên những chiếc tô sứ ký kiểu. (8) Sách Đại Nam nhất thống chí cũng xác nhận tác giả bài thơ trên là Hiển Tông Hoàng Đế, tức là chúa Nguyễn Phúc Chu.


Ải Lĩnh là tên cũ của dải núi ở tây nam Thừa Thiên Huế, giáp với Đà Nẵng. Trên núi có xây dựng cửa ải nên gọi là Ải Lĩnh. Dân gian thường gọi là Ngải Lĩnh vì trên núi có mọc nhiều cây ngải, tương truyền đến mùa hoa nở, gió thổi bay xuống biển, cá ăn được sẽ hóa thành rồng. (9) Năm 1826, vua Minh Mạng cho xây lại ải, gồm hai cửa. Cửa trước có tấm biển đá khắc dòng chữ Hán: Hải Vân quan (海雲關). Từ đó, quen gọi là núi (hay đèo) Hải Vân. Cửa sau cũng có tấm biển đá, khắc dòng chữ Hán: Thiên hạ đệ nhất hùng quan (天下弟一雄關).


Trên hai chiếc tô sứ ký kiểu khác, một chiếc có hiệu đề Bính tuất niên chế (丙戌年製), ký kiểu vào năm 1826 đời Minh Mạng, thuộc sưu tập của học giả Vương Hồng Sển trước đây và một chiếc có hiệu đề Chính Đức niên chế (正德年製) thuộc sưu tập của ông Trần Đình Sơn, cũng chép bốn câu đầu của bài thơ này theo lối chữ hành – thảo , giống như bốn câu đầu trong bài thơ có trên những chiếc tô sứ ký kiểu dưới triều chúa Nguyễn Phúc Chu, nhưng viết thành 7 dòng, mỗi dòng 4 chữ (10) (Ảnh 2d).

Ảnh 2d


3. Bài Thuận Hóa vãn thị (順化晚市) viết trên chiếc tô sứ vẽ cảnh bến chợ ở Thuận Hóa xưa (11) (các ảnh 3a và 3b). Chiếc tô này cũng là hiện vật độc bản mà ông Trần Đình Sơn may mắn thủ đắc.

Nguyên văn:

Phiên âm:


Thuận Hóa vãn thị


Noãn yên tịch chiếu luyến giang tân
Tế thính oanh đề xứ xứ xuân
Vãn thị chỉ khan hồng phấn nữ
Thông cù bất đoạn ỷ la trần
Thời cô bạch tửu năng diên khách
Nhật dụng thanh tiền khước tiện dân
Giao dịch khởi vô hành dữ đấu
Hoàn dư phong tục Cát Thiên thuần


Đạo nhân thư

Hải Trung dịch thơ:


Chợ chiều Thuận Hóa


Bến chiều khói quyện ấm dòng xanh
Nghe tiếng xuân tràn giữa giọng oanh
Thiếu nữ lao xao chiều loáng thoáng
Lụa là xúng xính nẻo loanh quanh
Khi mua rượu trắng làm vui khách
Lúc đổi tiền xanh giúp lợi dân
Buôn bán đấu cân, vui chẳng lụy
Cát Thiên (12) tục cũ vẫn còn ngân


Đạo nhân viết

Ảnh 3a

Ảnh 3b


4. Bài Tam Thai thính triều (三台聽潮) viết trên chiếc tô sứ vẽ cảnh núi Tam Thai ở Đàng Trong (các ảnh 4a và 4b), hiện thuộc sưu tập của ông Nguyễn Hữu Hoàng ở Huế.

Nguyên văn:

Phiên âm:


Tam Thai thính triều


Kỳ tú Tam Thai tủng bích phong
Trung hư ngoại hữu bạch vân phong
Tự lai Việt hải văn xuân lãng
Như tại Phiên Dương (13) thính thạch chung
Bất đoạn phong thanh bôn bạch mã
Hoàn nghi vũ sắc khởi thương long
Dục tầm thanh mộng hà tăng khán
Hưởng triệt nham tiền kỷ thụ tùng


Đạo nhân thư

Hải Trung dịch thơ:


Nghe sóng Tam Thai


Tam Thai kỳ ảo dựng non xanh
Động vắng ngàn mây trắng phủ quanh
Biển Việt dừng nghe lời sóng vỗ
Thành Phiên dõi ngóng ý chuông ngân
Liên hồi tiếng gió như vó trắng (14)
Từng trận màu mưa tựa vây xanh (15)
Ước tìm giấc mộng lành chưa thấy
Tùng biếc sườn trên mấy khóm xinh


Đạo nhân viết

Ảnh 4a

Ảnh 4b


Tam Thai còn có tên Thủy Sơn, là một trong năm hòn núi thuộc Ngũ Hành Sơn ở trấn Quảng Nam xưa (nay thuộc thành phố Đà Nẵng), dân địa phương thường gọi là núi Non Nước. Sách Đại Nam nhất thống chí khi viết về Ngũ Hành Sơn, có đề cập một ngôi chùa có tên là Tam Thai, cảnh sắc rất tráng lệ. Chùa này hiện vẫn tồn tại ở lưng chừng núi và đã được trùng hưng, trở thành một thắng địa của Ngũ Hành Sơn, thu hút đông đảo Phật tử và du khách thập phương đến hành hương, ngoạn cảnh.


Ông Trần Đình Sơn cũng sở hữu một chiếc tô sứ viết bài thơ Tam Thai thính triều , có hình vẽ và hiệu đề giống như chiếc tô của ông Nguyễn Hữu Hoàng. Ngoài ra, ông Jochen May ở CHLB Đức cũng sưu tầm được một chiếc tô có chép bài thơ Tam Thai thính triều , có hình vẽ và tuổi men tương tự hai chiếc tô của ông Nguyễn Hữu Hoàng và ông Trần Đình Sơn, nhưng hiệu đề dưới đáy tô ghi bốn chữ Hán: Nhàn tâm lạc sự (閒心樂事) theo kiểu chữ triện . Một số nhà sưu tập ở Huế đang sở hữu những chiếc tô, cũng viết bài thơ Tam Thai thính triều và có hình vẽ tương tự, nhưng mang hiệu đề chữ Nhật (日). Theo tôi đây là những món đồ sứ ký kiểu của triều Minh Mạng (1820 – 1841).


5. Bài Hà Trung yên vũ (河中烟雨) vẽ phong cảnh đầm Hà Trung ở huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế (các ảnh 5a và 5b). Chiếc tô này ông Trần Đình Sơn cũng do ông Trần Đình Sơn sở đắc.

Nguyên văn:

Phiên âm:


Hà Trung yên vũ


Hải khí sơn phong táp táp kinh
Tiệm khan yên thấp tán thiên thanh
Ngư đăng kỷ điểm tri giang ngạn
Lữ khách lạc tiêu thính vũ thanh
Thiền tụng bất văn u khánh vận
Hương tư nan xích cổ nhân tình
Việt Nam diệc hữu Tiêu Tương cảnh
Dục thiến đan thanh tả vị thành


Đạo nhân thư


Trần Đình Sơn dịch thơ: (16)


Mù tỏa Hà Trung


Sóng trào gió rét nghĩ mà kinh
Mù tỏa dần tan mây trắng xanh
Bến cũ đèn chài thấp thoáng điểm
Mưa buồn lữ khách lắng thâu canh
Phật kinh không vẳng dư âm khánh
Quê cũ ai hay nỗi nhớ mình
Việt Nam cũng có Tiêu Tương cảnh
Muốn vẽ mà sao vẽ chẳng thành


Đạo nhân viết

Ảnh 5a

Ảnh 5b

Hà Trung là một đầm nước lớn thuộc huyện Phú Vang, đến năm Minh Mạng 15 (1834) thì đổi nhập vào huyện Phú Lộc (thuộc phủ Thừa Thiên). Đây là một vùng đầm phá nước lợ, nối thông với phá Tam Giang (trải dài từ huyện Phong Điền, qua các huyện Quảng Điền, Hương Trà đến Phú Vang) và đầm Cầu Hai (thuộc huyện Phú Lộc). Đây là một thắng cảnh nổi tiếng ở Thừa Thiên Huế. Ngày trước vua chúa nhà Nguyễn và các tao nhân mặc khách thường đi thuyền về Hà Trung ngắm cảnh non nước hữu tình, làm thơ đề vịnh và thưởng thức hải sản trong đầm.


Năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), vua Thiệu Trị đã sáng tác bài thơ Hải nhi quan ngư (海兒觀魚) khắc vào bia đá dựng ở ven đầm và xếp đây là một trong 20 cảnh đẹp của đất thần kinh (Thần kinh nhị thập cảnh). (17)


Nhân đây, tôi xin bàn thêm về hai chữ 越南 ( Việt Nam ) trong hai bài thơ: Ải lĩnh xuân vân (隘嶺春雲) và Hà Trung yên vũ (河中烟雨) của chúa Nguyễn Phúc Chu. Trước nay, khi dịch hai chữ 越南 trong bài thơ Ải lĩnh xuân vân , phần lớn các nhà dịch thuật Hán Nôm đều cho rằng hai chữ 越南 này không chỉ quốc hiệu nước ta lúc bấy giờ, vì đến năm 1804, vua Gia Long mới chọn hai chữ 越南 làm quốc hiệu nước ta. Vì thế, họ dịch hai chữ này là “đi / vượt về phía Nam” hay “vùng đất phương Nam của nước Việt” . (18) Tuy nhiên, bản dịch sách Đại Nam nhất thống chí (do Phạm Trọng Điềm dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, Nxb Thuận Hóa in năm 1992) thì cho rằng hai chữ này chỉ tên nước Việt Nam, khi dịch câu: 越南險隘此山巔 (Việt Nam hiểm ải thử sơn điên) là “Núi này ải hiểm đất Việt Nam”. (19)


Với việc xuất hiện bài thơ Hà Trung yên vũ của chúa Nguyễn Phúc Chu trên chiếc tô sứ ký kiểu mà ông Trần Đình Sơn vừa mới sưu tầm được, trong đó có câu: 越南亦有瀟湘景 ( Việt Nam diệc hữu Tiêu Tương cảnh : Việt Nam cũng có cảnh Tiêu Tương), tôi cho rằng chúa Nguyễn Phúc Chu đã không dùng chữ 越南 với ý nghĩa là “đi / vượt về phía Nam” hay “vùng đất phương Nam của nước Việt” như nhiều người từng nghĩ. Một vị chúa đã chủ trương xóa tên nước Chiêm Thành để đổi làm trấn Thuận Thành (về sau đổi làm phủ Bình Thuận); chủ trương chia đất cũ của Chân Lạp thành hai dinh: Phiên Trấn và Trấn Biên, nhằm xóa bỏ tất cả những ảnh hưởng còn sót lại của hai vương quốc lân bang đã bị các triều đại Đại Việt thôn tính, thì việc đặt cho vùng đất do các chúa khai phá và cai quản ở Đàng Trong một quốc hiệu mới là 越南 ( Việt Nam ), không phải là một khả năng không được tính đến.

Cũng cần nhắc lại rằng, vào năm 1701 chúa Nguyễn Phúc Chu đã sai Hoàng Thần và Hưng Triệt đem quốc thư và cống phẩm sang Trung Hoa để cầu nhà Thanh phong cho ông làm vua một quốc gia riêng biệt, tách hẳn khỏi Đàng Ngoài, để thấy cái ước vọng lập cho mình một quốc gia riêng, có quốc hiệu riêng, đã hiện hữu mạnh mẽ trong tâm trí của Nguyễn Phúc Chu như thế nào!


Vậy thì đã đến lúc nên đặt lại vấn đề: Quốc hiệu Việt Nam có từ khi nào? mà nhiều nhà sử học Việt Nam đã nêu ra và đã gây nên những cuộc tranh luận học thuật rất thú vị trên diễn đàn sử học nước nhà vào những năm 1990 của thế kỷ trước. Mong lắm thay!


Trần Đức Anh Sơn


Đăng lại từ blog tác giả ( anhsontranduc.wordpress.com )


Chú thích :


(1) Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc, Nguyễn Phúc tộc thế phả , Nxb Thuận Hóa, 1995, tr. 149.


(2) Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc, Nguyễn Phúc tộc thế phả , Nxb Thuận Hóa, 1995, tr. 150.


(3) Trần Đình Sơn, “Quốc chúa Nguyễn Phước Chu”, Văn hóa Phật giáo , Số 52 (ngày 1/3/2008), tr. 50.


(4) Trần Đình Sơn, “Danh lam thắng cảnh trên đồ sứ men lam”, Tập văn thành đạo , Số 19/1991, tr. 57-67 và Trần Đình Sơn – Hoàng Anh, Tản mạn Phú Xuân , Nxb Trẻ, TPHCM, 2001, tr. 40

(5) Các câu thơ trên cổ vật viết thành hàng dọc, theo trật tự từ phải qua trái. Nhưng để tiện cho việc in ấn, trong bài này tôi viết các câu thơ trên theo hàng ngang, từ trái qua phải, cả phần nguyên văn, phiên âm và dịch thơ.


(6) Trần Anh Sơn, “Hai bài thơ tả cảnh Huế trên đồ sứ men lam”, Sông Hương , Số 41/1991, tr. 64-67 và Trần Đình Sơn, “Danh lam thắng cảnh trên đồ sứ men lam”, Tập văn thành đạo , tr. 57-67.


(7) Nguyên văn: 蜀道偏 ( Thục đạo thiên ) nghĩa là “đường ngoằn ngoèo ở đất Thục”. Đất Thục xưa ở phía tây Trung Hoa. Muốn vào đất Thục phải vượt qua ba cửa ải rất hiểm trở.


(8) Nguyên văn 4 câu thơ trong sách Ðại Nam nhất thống chí như sau: 越南險隘此山巔 / 形勢混如蜀道偏/但見雲橫三峻嶺/不知人在幾重天 ( Việt Nam hiểm ải thử sơn điên. Hình thế hỗn như Thục đạo thiên. Đãn kiến vân hoành tam tuấn lĩnh. Bất tri nhân tại kỷ trùng thiên ). Quốc sử quán triều Nguyễn, Ðại Nam nhất thống chí , Tập 1, Phạm Trọng Ðiềm dịch, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1992, tr. 132.


(9) Trần Đình Sơn, “Mây xuân trên đỉnh Ải Vân”, Huế từ năm 2000 (Nhớ Huế 5) , Nxb Trẻ, TPHCM, tr. 73.


(10) Trần Đình Sơn – Hoàng Anh, Tản mạn Phú Xuân , Nxb Trẻ, TPHCM, 2001, tr. 49.


(11) Trần Anh Sơn, “Hai bài thơ tả cảnh Huế trên đồ sứ men lam”, Sông Hương , Số 41/1991, tr. 64-67.


(12) Nguyên văn: 葛天 ( Cát Thiên ), gốc từ 3 chữ 葛天氏 ( Cát Thiên Thị ) là tên một vị hoàng đế thời thượng cổ ở Trung Quốc. Vào thời Cát Thiên, phong tục thuần hậu, đời sống dân tình đầy đủ, xã hội thái bình.


(13) Nguyên văn: 鄱陽 ( Phiên Dương ) là tên một tỉnh thành ở Quảng Đông (Trung Quốc). Trong thành có một chiếc hồ lớn mà khi thủy triều lên nghe âm vọng như tiếng đàn đá.


(14) Nguyên văn: 白馬 ( Bạch mã ), nghĩa là “ngựa trắng”.


(15) Nguyên văn: 蒼 龍 ( Thương long ), nghĩa là “rồng xanh”. Thương là “màu xanh” thường chỉ sắc cỏ, nhưng cái gì có “màu xanh thẫm” cũng gọi là thương.


(16) Trần Đình Sơn, “Quốc chúa Nguyễn Phước Chu”, Văn hóa Phật giáo , Số 52 (ngày 1/3/2008), tr. 50-51.


(17) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí , Tập 1, Phạm Trọng Ðiềm dịch, Nxb Thuận Hóa, Huế 1992, tr. 151.


(18) Trần Đình Sơn, “Quốc chúa Nguyễn Phước Chu”, Văn hóa Phật giáo , Số 52 (ngày 1/3/2008), tr. 52.


(19) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí , Tập 1, Phạm Trọng Ðiềm dịch, Nxb Thuận Hóa, Huế 1992, tr. 132.

Chia sẻ Facebook