Quét sâu 2 km dưới đáy Biển Đen, cỗ máy thấy "vật lạ" 2.400 năm: Vì sao còn nguyên vẹn?

Chia sẻ Facebook
21/09/2022 09:09:18

Quét sâu 2 km dưới đáy Biển Đen, cỗ máy thấy "vật lạ" 2.400 năm: Vì sao còn nguyên vẹn?

Vào nửa đêm ngày 16/9/2017, cách bờ biển Bulgari 60 km và tại độ sâu 2 km bên dưới Biển Đen, một phương tiện điều khiển từ xa khảo sát đáy biển đã gửi video cho các nhà nghiên cứu ở phía trên.

Phương tiện này bất ngờ phát hiện có một con tàu ở trong bóng tối. Đây là một xác tàu đắm cổ xưa. Thế nhưng, cột buồm, boong phía trên và ghế chèo đều vẫn còn nguyên vẹn kỳ lạ. Theo các chuyên gia, đó có thể là tàu La Mã, nhưng vẻ ngoài của con tàu này lại không phù hợp.

Đặc biệt, phần lưỡi bánh lái lại loe rộng, trông giống với hình ảnh mô tả trên chiếc bình Hy Lạp lâu đời hơn.

Để tìm ra câu trả lời về "thân phận" thực sự của con tàu này, nhóm nghiên cứu đã tiến hành lấy 3 mẫu vật từ xác tàu đắm. Mục đích là để xác định niên đại bằng phóng xạ carbon, cũng như xác nhận về nguồn gốc xa xưa của con tàu này.

Xác một con tàu đắm vẫn còn nguyên vẹn từ thời Đế chế Ottoman ở dưới đáy Biển Đen. Ảnh: Rodrigo Pacheco-Ruiz

Theo đó, sau khi tiến hành phân tích, các chuyên gia xác định con tàu này có niên đại vào năm 350 – 410 TCN. Dù vậy, đây cũng là xác tàu đắm nguyên vẹn nhất từng được tìm thấy.

Con tàu có nguồn gốc từ Hy Lạp đã di chuyển qua bờ Biển Đen trong thời Aristotle và không may vĩnh viễn nằm ở dưới biển sâu kể từ đó. Nhưng con tàu vẫn còn nguyên vẹn trong suốt hơn 2.400 năm.

Đây cũng là một trong 65 xác tàu đắm mà một nhóm nghiên cứu phát hiện ở dưới đáy Biển Đen từ năm 2015 – 2017. Nhiều xác tàu có niên đại từ thời đế chế La Mã, Đông La Mã và Ottoman. Phần lớn trong số 65 xác tàu được phát hiện đều giữ nguyên vẹn được hình dáng ban đầu của chúng.

Theo đó, hơn 60 xác tàu đắm được tìm thấy trong dự án Black Sea MAP. Đây là một trong những dự án khảo cổ dưới biển lớn nhất thế giới kéo dài tới 3 năm, để tìm hiểu về những thay đổi ở trong môi trường cổ đại tại Biển Đen.

Mặc dù những con tàu cổ này được bảo quản đặc biệt tốt dưới đáy Biển Đen, nhưng việc mang chúng lên bề mặt nguyên vẹn vẫn là bất khả thi. Do đó, các nhà khoa học có thể tiến hành cẩn thận loại bỏ và chọn nghiên cứu những vật thể từ đống đổ nát, trong khi những xác tàu này vẫn sẽ được bảo vệ tại nơi mà chúng đang ở.

Con tàu đắm hơn 2.400 năm được tìm thấy dưới đáy Biển Đen. Ảnh: Rodrigo Pacheco-Ruiz

Bí ẩn ở biển Đen giúp bảo vệ xác tàu đắm hàng nghìn năm

Thông qua việc tìm hiểu về những xác tàu đắm dưới đáy Biển Đen, các nhà hải dương học và các nhà khảo cổ học có thể sử dụng các tư liệu thu thập được để khám phá về lịch sử, văn hoá của các nền văn minh cổ đại trong khu vực. Đồng thời điều này cũng giúp các chuyên gia có thể tiến hành khôi phục về những thay đổi ở trong môi trường cổ đại, đồng thời hiểu hơn về tác động của quá trình đó lên quần thể dân cư trong vùng vào thời xa xưa.

Tuy nhiên, điều khiến cho các nhà nghiên cứu ngạc nhiên là tất cả các xác tàu đắm đều tồn tại trong tình trạng bất ngờ.

Phương tiện điều khiển từ xa giúp các nhà nghiên cứu tìm thấy con tàu hơn 2.400 năm tuổi ở độ sâu hơn 2 km dưới Biển Đen. Ảnh: Rodrigo Pacheco-Ruiz

Vậy, câu hỏi đặt ra rằng tại sao ở Biển Đen lại chứa nhiều xác tàu đắm nguyên vẹn?

Câu trả lời có lẽ phụ thuộc vào đặc điểm của Biển Đen. Cụ thể, vào thời kỳ tiền sử, vùng đất bao quanh Biển Đen là nơi định cư của nhiều cộng đồng người cổ đại. Vùng đất này sau đó trở thành trung tâm thương mại, chiến tranh và xây dựng đế chế do có vị trí chiến lược giữa các nền văn minh Á – Âu ở phía đông và phía tây.

Trên thực tế, trong hàng nghìn năm qua, có những thương nhân, cướp biển và cả các chiến binh đều đã đi qua tuyến đường này.

Việc diễn ra nhiều hoạt động đi biển thì đi kèm với các tổn thất là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, khác với những vùng nước khác trong khu vực, Biển Đen lại là lưu vực bán khép kín đặc biệt sâu.

Ngoài ra, việc thay đổi theo mùa thường khiến những lớp ở trong một vùng nước bị trộn lẫn vào nhau, đồng thời bổ sung oxy cho nước. Nhưng nhờ việc lấy nước ngọt từ các sông châu Âu, nước mặt từ Địa Trung Hải nên Biển Đen có chứa hai lớp nước riêng biệt.

Ở Biển Đen, nước mặn do đặc hơn nên chảy phía bên dưới nước ngọt. Điều này khiến Biển Đen trở thành hồ phân tầng lớn nhất ở trên thế giới hoặc lưu vực không trộn lẫn.

Oxy không đến được vùng nước thấp và mặn hơn. Chính đặc điểm này đã giúp tạo ra môi trường lý tưởng để bảo tồn.

Trong khi đó, tại các vùng nước khác, sinh vật biển có thể phân hủy vật chất theo thời gian. Chẳng hạn, nếu con tàu Hy Lạp cổ đại chìm ở Địa Trung Hải thì chắc chắn không còn vật liệu hữu cơ nào còn sót lại cho đến ngày nay.

Tuy nhiên, ở đáy sâu của Biển Đen, chỉ có các vi khuẩn kỵ khí (vi khuẩn không cần oxy) mới có thể sống sót. Đây cũng là lý do tại sao các nhà nghiên cứu tìm ra những xác tàu cổ vẫn có thể mang theo hàng hóa ban đầu với vết khắc ở trên gỗ và dây buồm còn cột chặt.


Vì sao Biển Đen được gọi là… Biển Đen?

Biển Đen hay còn được gọi với cái tên là Hắc Hải. Đây là một biển nội địa nằm ở giữa Đông Nam châu Âu và vùng Tiểu Á. Biển Đen nằm giữa 6 quốc gia bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria, Romania, Ukraine, Nga, Gruzia và còn được kết nối với Địa Trung Hải thông qua eo biển Bosporus và biển Marmara.

Biển Đen có diện tích khoảng 422.000 km2 và nơi sâu nhất là 2.210 m.


Vậy, vì sao Biển Đen lại có tên gọi là Biển Đen?

Biển Đen có rất ít oxy, đặc biệt là ở tầng nước sâu bên dưới. Ảnh: Helen Farr, Jon Adams

Cho đến nay, sự thật về cái tên Biển Đen bắt nguồn từ đâu vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Những người khác nhau đã đặt không ít tên cho vùng biển được mệnh danh là biển ấm nhất Trái Đất.

Xét về mặt lịch sử và địa lý, một trong những lý do được chấp nhận chính là, vào thời cổ đại, người Hy Lạp và người Lưỡng Hà thường dùng màu sắc để chỉ phương hướng, chẳng hạn như: màu vàng tượng trưng cho phương Đông, màu đỏ - phương Nam, màu xanh – phương Tây, và màu đen – phương Bắc. Do nằm ở phía bắc của Địa Trung Hải nên vùng biển này được gọi là Biển Đen.

Thế nhưng, cái tên "Biển Đen" nổi tiếng nhất và được cho là do người Thổ Nhĩ Kỳ đặt tên vào thời Trung cổ.

Theo các tài liệu lịch sử, trong thời kỳ Đế chế Ottoman, Biển Đen được gọi với cái tên như Karadeniz, có nghĩa là Biển Đen trong tiếng Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoài ra, có một giả thuyết cho rằng do ảnh hưởng của những cơn bão trong mùa đông nên nên các thuỷ thủ gọi vùng biển này là Biển Đen.

Mặt khác, Biển Đen còn được coi là tên gọi như một lời cảnh cáo. Bởi vào thời xưa, có không ít con tàu bị chìm tại vùng biển này vì thời tiết khắc nghiệt.

Trên thực tế, Biển Đen gần như không có ánh sáng, oxy và rất ít dạng sống tồn tại. Điều này giúp các xác tàu đắm vẫn có thể giữ nguyên được hình dạng ban đầu. Trên thực tế, nhiều con tàu vẫn đứng vững, thậm chí có vô số thiết bị và các thùng hàng nằm trên boong.

Một điểm thú vị là Biển Đen còn là vùng biển phân tầng lớn nhất trên thế giới. Cụ thể, các dòng nước ở tầng trên và dưới hoàn toàn riêng biệt và không bị pha trộn vào nhau. Vì vậy, có hơn 90% thể tích nước Biển Đen ở dưới sâu là nước thiếu oxy. Điều này cũng tạo ra sự chênh lệch nhiệt độ đáng kể ở giữa các tầng nước.

Hiện nay Biển Đen còn được biết tới là một trong những điểm đến được nhiều du khách ưa thích.


Bài viết tham khảo nguồn: NatGeo, Ibtimes, Britannica, Marineinsight

Chia sẻ Facebook