Quên mang giấy chứng nhận bảo hiểm khi lái xe có bị phạt không?
Bảo hiểm trách nhiệm dân sự (TNDS) của chủ xe cơ giới là giấy tờ bắt buộc phải mua nếu bạn là chủ xe cơ giới. Nhưng khi tham gia giao thông mà quên mang thì có bị phạt không?
Theo điểm d khoản 2 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Căn cứ vào quy định nêu trên, dù có Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực nhưng quên mang theo khi lái xe vẫn bị xử phạt như trường hợp không có Giấy chứng nhận bảo hiểm. Tùy vào loại phương tiện điều khiển mà người vi phạm sẽ bị xử phạt như sau:
Trường hợp 1: Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng, theo điểm a khoản 2 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP).
Trường hợp 2: Người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực sẽ bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng, theo điểm b khoản 4 Điều 21 Nghị định 100/2019).
Đồng thời, căn cứ khoản 4 Điều 23 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020), mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được thấp hơn mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tối đa của khung tiền phạt.
Như vậy, mức phạt cụ thể (nếu không có tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng) đối với trường hợp 1, trường hợp 2 nêu trên lần lượt là 150.000 đồng và 500.000 đồng.
Do đó, chủ xe cơ giới nên mua bảo hiểm TNDS và nhớ mang theo mỗi khi tham gia giao thông. Ngoài việc tránh để bị phạt, bảo hiểm TNDS còn mang đến nhiều lợi ích cho chủ xe cơ giới.
Lợi ích từ bảo hiểm bắt buộc TNDS chủ xe cơ giới
Thông tư số 04/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính, ngày 15-1-2021 quy định, mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc dân sự của chủ xe cơ giới thiệt hại về người là 150 triệu đồng/1 người/1 vụ tai nạn; mức trách nhiệm thiệt hại về tài sản do xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) là 50 triệu đồng/1 vụ tai nạn.
Số tiền này được công ty bảo hiểm chi trả bồi thường cho bên thứ ba. Bảo hiểm TNDS chủ xe cơ giới giúp chủ xe giảm bớt gánh nặng chi phí điều trị cho nạn nhân cũng như nhanh chóng ổn định cuộc sống, sinh hoạt và hoạt động sản xuất, kinh doanh nếu không may gây ra tai nạn giao thông. Bên thứ ba - nạn nhân được hỗ trợ tài chính nhanh chóng và kịp thời, có điều kiện được chăm sóc tốt hơn, được khắc phục các thiệt hại về người, tài sản, sức khỏe. Chính vì vậy, loại hình bảo hiểm này được đánh giá là chính sách an sinh xã hội cần thiết.
Đối tượng hưởng lợi từ bảo hiểm này?
Người tham gia giao thông nói riêng và cộng đồng nói chung hưởng lợi từ loại hình bảo hiểm này. Tai nạn giao thông xảy ra là điều không ai mong muốn, để lại những hậu quả và di chứng lâu dài về con người và vật chất. Trong nhiều trường hợp, người gây tai nạn không có khả năng khắc phục thiệt hại, từ đó nảy sinh những vấn đề có tác động, ảnh hưởng lớn đến công bằng an sinh xã hội.
Vì vậy, bảo hiểm bắt buộc TNDS chủ xe cơ giới bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân trong các vụ tai nạn giao thông, thể hiện ý nghĩa nhân đạo của chính sách, bảo đảm nguồn hỗ trợ đủ lớn và kịp thời cho các nạn nhân nhanh chóng khắc phục tổn thất về người và tài sản, mà không phụ thuộc vào việc người gây tai nạn có khả năng chi trả hay không.
Thủ tục bồi thường đơn giản, nhanh chóng
Nghị định số 03/2021/NĐ-CP quy định thời hạn thanh toán bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm là 15 ngày kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ yêu cầu bồi thường bảo hiểm hợp lệ và không quá 30 ngày kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ yêu cầu bồi thường bảo hiểm.
Điểm mới nhất là công ty bảo hiểm không chờ đến lúc hoàn thành toàn bộ hồ sơ mới chi trả bồi thường, mà sẽ thay mặt chủ xe tạm ứng trong vòng 3 ngày kể từ ngày nhận thông báo về tai nạn.