Quế Vân và vợ chồng Ưng Hoàng Phúc bị chỉ trích khi đi cứu trợ... giữa trung tâm Hà Nội
Ngày 13/09/2024, Phụ nữ số đưa tin "Quế Vân và vợ chồng Ưng Hoàng Phúc bị chỉ trích khi đi cứu trợ... giữa trung tâm Hà Nội". Nội dung chính như sau:
Việc người của công chúng chung tay giúp đỡ, lan toả tinh thần trách nhiệm với cộng đồng là điều vô cùng đáng quý ở thời điểm này. Tuy nhiên, những phần gạo, bánh, mì, nhu yếu phẩm... sẽ thật sự ý nghĩa hơn gấp nhiều lần khi được trao đúng thời điểm, đúng nơi thật sự cần.
Những ngày qua, hình ảnh những chuyến xe cứu trợ đồng bào ở các địa phương chịu ảnh hưởng của bão lũ, người người nhà nhà đồng lòng hỗ trợ sức người sức của để khắc phục hậu quả sau thiên tai... khiến ai nhìn vào cũng xúc động và tự hào. Hơn lúc nào hết, tinh thần tương thân tương ái, nghĩa cử cao đẹp "lá lành đùm lá rách" của người Việt Nam được thể hiện cao độ. Nghệ sĩ Việt cũng không nằm ngoài cuộc, nhiều người đã xung phong, chủ động đến vùng rốn lũ để cứu trợ lương thực, hỗ trợ công tác sơ tán, cứu hộ cho người dân.
Tuy nhiên, song song với các điều tốt đẹp ấy, đã dần xuất hiện nhiều vấn đề bị mang ra bàn tán, tranh luận. Mới đây nhất, vợ chồng Ưng Hoàng Phúc - Kim Cương và Quế Vân vướng ồn ào vì bị cho rằng lợi dụng việc tự thiện để làm màu, gây sự chú ý. Cụ thể, vào tối 12/9, Quế Vân đăng tải loạt hình ảnh ngồi thuyền cùng vợ chồng Ưng Hoàng Phúc đi phát mì tôm, lương thực cho bà con ở khu vực Phúc Tân (Quận Hoàn Kiếm). Trên trang cá nhân, Quế Vân chia sẻ: "Kim Cương em ấy hơi sốc, em ấy không nghĩ giữa Thủ đô mà lại phải đi thuyền vào là chuyện chẳng ai có thể ngờ tới. Khắc phục sau lũ nó mới khủng khiếp. Bùn lầy, ẩm ướt, trẻ em muốn ra ngoài chơi phải ngồi trên phao".
Về phần Kim Cương, cô cũng viết: "Ngoài khoản tiền nhỏ được chuyển đến UBMTTQ thì vợ chồng Hoàng Phúc và Kim Cương cũng đến trực tiếp thăm hỏi bà con quanh khu Long Biên, Hà Nội thôi mà đã khủng khiếp rồi còn biết bao chỗ khác sẽ ra sao. Bà con khổ không từ nào tả, đoàn thiện nguyện cùng vợ chồng mình trao nhu yếu phẩm cho bà con đang chịu ảnh hưởng mất điện và ngập lụt".
Bài đăng gây tranh cãi của vợ Ưng Hoàng Phúc và Quế Vân về việc cứu trợ tại một khu vực thuộc trung tâm Hà Nội
Việc hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng của lũ lụt là chuyện đáng quý ở thời điểm này, không hề sai tuy nhiên cư dân mạng cho rằng Quế Vân và vợ chồng Ưng Hoàng Phúc nên dành thời gian để tìm hiểu kỹ về khu vực mà họ sẽ mang đến cứu trợ, giúp đỡ . Bởi lẽ, bên dưới các bài đăng của vợ chồng Ưng Hoàng Phúc, Quế Vân thì nhiều người dân sinh sống tại Hà Nội cho biết vì là vùng ngoài đê sông Hồng nên người dân ở khu vực Phúc Tân (Quận Hoàn Kiếm) đã quen với việc đường xá ngập như thế này. Mặc dù năm nay mưa lớn, ngập sâu hơn nhưng họ có đủ kinh nghiệm để đối phó, xoay sở để tự bảo vệ, ổn định cuộc sống của mình. Thậm chí, có netizen còn cho biết người dân ở Phúc Tân còn tự tạo niềm vui bằng cách chèo sup đi dạo, cho trẻ con nghịch nước... lạc quan đối mặt với bão lũ.
Nhìn chung, điều kiện của người dân sống tại khu vực này trước mắt có chút bất tiện nhưng không khó khăn đến mức rơi vào trình trạng cần cứu trợ cấp bách. Ở thời điểm như hiện tại, nhiều khu vực khác tại Hà Nội cũng như các địa phương lân cận đang chịu ảnh hưởng nặng nề, cần được hướng về để giúp sức hơn.
Quế Vân và Kim Cương đăng nhiều hình ảnh sắc nét, đủ mọi góc chụp trong chuyến phát quà
Dù nước chỉ ngập đến đùi, có khu chỉ đến khuỷu chân nhưng các nghệ sĩ đi thuyền, đeo ủng kỹ lưỡng
Đáng nói hơn, 1 người dân còn phản pháo cho rằng Quế Vân, vợ chồng Ưng Hoàng Phúc đã nhầm lẫn trong việc cứu trợ, các sao Việt này cho rằng mang nhu yếu phẩm đến cho bà con ở địa bàn quận Long Biên, tuy nhiên thực tế vào chiều 11/9, UBND quận Long Biên, Hà Nội đã di dời 970 người ra khỏi khu vực nguy hiểm do nước sông Hồng dâng cao. Cụ thể, phường Cự Khối 619 người, Ngọc Thụy 142 người, Long Biên 30 người, Bồ Đề 68 người, Giang Biên 95 người, Ngọc Lâm 16 người. Ngày Quế Vân đến cứu trợ là 12/9, thời điểm này đa phần người dân chịu ảnh hưởng của lũ ở khu vực Long Biên đã được đưa đến nơi an toàn.
Một chi tiết khác khiến cư dân mạng vô cùng bức xúc, cho rằng các nghệ sĩ này đã lợi dụng việc làm từ thiện để "làm màu" chính là họ mở livestream. Không chỉ đầu tư máy thu âm, máy quay mà một người trong ekip còn đề nghị Quế Vân và vợ chồng Ưng Hoàng Phúc đứng ở khu vực ngập sâu hơn, sau đó đếm ngược ra hiệu như đang quay phim. Người này gây tranh cãi khi nói: "Mọi người đứng lại đằng xa cho nước nó ngập sâu sâu tí. Đứng ngập sâu, ra hẳn đằng kia đi. Máy chạy 3 2 1 bắt đầu".
Ngoài ra, việc Quế Vân mang kính đen, vợ chồng Ưng Hoàng Phúc đeo ủng kỹ càng dù nước chỉ ngập đến khuỷ chân cũng khiến nhiều người bàn tán trái chiều.
Đến rạng sáng ngày 13/8, Quế Vân đã xoá bài đăng phát quà từ thiện trên nhưng lên tiếng đáp trả những vấn đề cư dân mạng đang bàn tán. Về việc ngồi thuyền để người khác phải đẩy, Quế Vân cho biết do đoàn cứu trợ mượn được thuyền nên cô chọn ngồi thay vì lội để bảo vệ sức khoẻ. Kim Cương và Ưng Hoàng Phúc không thể trực tiếp xuống nước vì bay gấp vào Hà Nội làm từ thiện, chỉ có bộ đồ để sau khi làm xong thì bay về TP.HCM, không có trang phục để thay nên tránh bị ướt. Tiếp theo, Kim Cương khẳng định đã lên kế hoạch cho hoạt động từ thiện này vào hôm 7/9 nhưng do ảnh hưởng của bão nên dời lại đến 12/9. Quế Vân cho hay một số người ở khu vực này từ chối nhận quà để tặng lại cho bà con khó khăn hơn.
Quế Vân cho biết một số bà con trong khu vực đoàn cứu trợ đi qua đã từ chối nhận quà
Một số ý kiến của cư dân mạng
- Mình đi giúp những người đang trong trường hợp bất khả kháng cần sự giúp đỡ thì mới là giúp, còn người ta đang sống cuộc sống bình thường, sáng đi ăn phở, chiều ăn nồi lẩu chill chill ngắm nước lên thì mình lại giúp lại là vô duyên. Hy vọng chị có thể tới vùng núi xa xôi, thực sự khó khăn để cứu trợ, họ đang cần lắm.
- Chị đi từ thiện thì điều đầu tiên là nên tìm hiểu thông tin. Từ thiện là tốt, bà con trân quý, xã hội kính nể nhưng chị nên đúng chỗ, đúng thời điểm không lại thành câu chuyện trái chiều.
- Đi từ thiện mà vào nơi người ta từ chối nhận là thấy rõ ràng đi cho có, không tìm hiểu rồi. Khu này họ khá giả, họ sẵn sàng nhường cho người nghèo khó hơn họ mà. Cớ chi chị lại gộp cả đánh đồng giàu nghèo thì lũ cũng như ai, không ai ngăn cản việc chị muốn làm điều hay ý đẹp nhưng nên chọn nơi đúng và hợp lý xíu đi. Nước đến đầu gối mà chị nói sợ ảnh hưởng tới sức khoẻ thì thật sự...
- Nhà mình ở vùng này, xưa nay cảnh này xảy ra thường xuyên nên cũng quen rồi.
- Làm từ thiện nhưng trước tiên phải chọn vùng nước cao, canh góc, âm thanh đầy đủ rồi 3 2 1 diễn xuất nữa thì thật sự khó bênh được.
- Bão lũ không phải là lúc câu view, chiêu trò PR thế này!
Những ngày qua, nhiều nghệ sĩ Việt như Bằng Kiều, Kiều Anh, Hoàng Anh Vũ, Diệp Lâm Anh, SOOBIN... đã trực tiếp đến các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề như Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái... để hỗ trợ sức người, sức của. Không chỉ mang những chuyến hàng cứu trợ lương thực, nhu yếu phẩm mà hơn 50 nghệ sĩ hưởng ứng lời phát động đóng góp vào quỹ của Ban cứu trợ Trung ương - Uỷ ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam để khắc phục hậu quả sau lũ lụt. Một số chương trình, đêm nhạc, livestream gây quỹ cũng liên tục được công bố.
Dù đóng góp và giúp sức với bất kỳ hình thức nào, người của công chúng nói riêng và người dân nói chung nên có sự tìm hiểu kĩ càng, không nên mang danh từ thiện cứu trợ để trục lợi ngay tại thời điểm khó khăn này, để dẫn đến những hành vi đánh bóng tên tuổi hay phô trương phản cảm.
Các nghệ sĩ Việt trực tiếp đến vùng chịu ảnh hưởng của lũ để phát lương thực, hỗ trợ và động viên bà con
Ngày 10.9, theo thống kê Hà Nội có 118 trường không thể tổ chức dạy học, tăng gần gấp 3 lần so với ngày 9.9. Nguyên nhân là đường đến trường của học sinh (HS) tại nhiều nơi bị ngập lụt. Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết sở luôn nhấn mạnh tinh thần chỉ đạo tới các nhà trường là chú trọng triển khai phương án bảo đảm tuyệt đối an toàn mới được tổ chức dạy học trực tiếp. Đồng thời, cần chủ động, sẵn sàng triển khai dạy học trực tuyến, không để ảnh hưởng đến kế hoạch thời gian năm học.
Trường học ở Yên Bái (trái), TP.Thái Nguyên ngập sâu nên nhiều học sinh vẫn phải nghỉ học
Trước đó ngày 11/09/2024 Thanh niên đưa tin "Trường học trong bão lũ: An toàn cho học sinh là quan trọng nhất'. Nội dung chính như sau:
Nhiều trường học cũng chia sẻ đã sẵn sàng phương án dạy học trực tuyến nếu tình hình ngập lụt diễn biến phức tạp, để không gián đoạn việc học tập của HS.
Là vùng trũng, thường xuyên đối phó với tình trạng ngập lụt, do ảnh hưởng của bão Yagi, ngày 10.9, H.Chương Mỹ có 7 trường học ở các cấp chưa thể đón HS trở lại trường. Trưởng phòng GD-ĐT huyện, ông Nguyễn Hữu Thìn, cho biết bảo đảm an toàn cho HS được toàn ngành xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Các trường học bảo đảm điều kiện thì dạy học bình thường; các trường không đủ điều kiện thì cho HS nghỉ. Căn cứ tình hình thực tế gia đình HS (có máy móc, đường truyền), giáo viên (GV) dạy học trực tuyến. Nếu nhiều gia đình HS có hoàn cảnh khó khăn, các nhà trường sẽ có kế hoạch khắc phục dạy bù để bảo đảm kế hoạch năm học.
Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Hà Đông, cho biết trong tổng số 139 trường của quận, có 3 trường phải cho HS nghỉ học hoàn toàn; một số trường lác đác HS nghỉ học do đường từ nhà đến trường bị ngập sâu, không bảo đảm an toàn. Với những trường có một số HS nghỉ học, tạm thời vẫn dạy học trực tiếp bình thường, số còn lại có thể dạy học trực tuyến hoặc sắp xếp kế hoạch dạy bù. Những trường nghỉ học hoàn toàn xây dựng phương án sẵn sàng dạy học trực tuyến để không ảnh hưởng đến kế hoạch thời gian năm học.
Nước lũ tràn vào phòng học, phòng chức năng trường học ở TP.Thái Nguyên
Hải Phòng, Quảng Ninh: HS CHƯA THỂ TRỞ LẠI TRƯỜNG
Sau bão số 3, hơn 300 trường học trên địa bàn TP.Hải Phòng bị ảnh hưởng, thiệt hại. Để an toàn cho thầy trò, Sở GD-ĐT tiếp tục cho HS nghỉ học ngày 10.9 để các nhà trường khắc phục hậu quả. Ví dụ, Trường THPT Cát Hải, H.Cát Hải bị tốc 300 m tôn chống nắng khu nhà hiệu bộ; 15 m tường bao phía cổng trường bị đổ sập; mái tôn nhà để xe và 30 m tường bao phía sau cũng hư hỏng.
Phòng GD-ĐT Q.Đồ Sơn cũng cho biết 17 trường học trong quận đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão số 3. Ông Bùi Văn Kiệm, Giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng, chia sẻ để đảm bảo an toàn cho HS trên đường tới trường, đồng thời có thêm thời gian cho các nhà trường dọn dẹp, tu sửa cơ sở vật chất, ngành giáo dục quyết định cho HS toàn thành phố nghỉ học tiếp ngày 10.9. Sau đó, phòng GD-ĐT các quận, huyện sẽ rà soát lại các trường học trên địa bàn, báo cáo UBND quận, huyện để chủ động quyết định việc đi học của HS trên địa bàn theo phân cấp…
Tại Quảng Ninh, theo thống kê của Sở GD-ĐT đến chiều 10.9, riêng các trường THPT trực thuộc sở bị tốc hơn 7.600 m2 mái, gần 400 phòng học bị vỡ kính, 110 phòng học bị sập trần, gần 500 cây xanh trong trường bị gãy đổ... Nhiều cơ sở giáo dục bị thiệt hại nặng do bão, như: THPT Cô Tô, Quan Lạn, Bãi Cháy...
Ông Trịnh Đình Hải, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ninh, cho biết công tác dọn dẹp trường học đang được các trường thực hiện. Trong ngày 10.9, có một số trường cho HS trở lại trường, nhưng nhiều trường vẫn phải cho HS nghỉ học.
Dân ngoại thành Hà Nội bơi xuồng vào nhà, dựng lán cứu gia cầm
LŨ CHƯA QUA,THIỆT HẠI KHÓ ĐONG ĐẾM
Với những địa phương ngập lụt do chịu ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3, đến chiều 10.9 vẫn có hàng nghìn trường học phải đóng cửa, chưa thể thống kê được thiệt hại do nước chưa rút. Với các địa phương này, tạm thời cũng chưa tính phương án dạy học trực tuyến do điều kiện về điện lưới, đường truyền không đảm bảo.
Tại Lào Cai, Sở GD-ĐT cho biết đến ngày 10.8, trừ một số trường ở thành phố, gần 580 trường còn lại trong tỉnh đều đóng cửa để phòng, tránh bão lũ. Nhiều trường học chịu ảnh hưởng khá nặng nề do sạt lở, đất đá vùi lấp, nước lũ dâng gây ngập úng. Bà Dương Bích Nguyệt, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Lào Cai, thông tin tại H.Bát Xát có 7 trường bị ảnh hưởng, trong đó Trường PTDTBT tiểu học và THCS Ngải Thầu có 1 HS lớp 5 bị đất sạt lở vùi lấp; một số điểm trường có nguy cơ sạt lở đã di chuyển GV và HS đến nơi an toàn. "Sở GD-ĐT tỉnh Lào Cai đã đề nghị các đơn vị thuộc sở bố trí lực lượng tại cơ sở giáo dục trực 24/24 giờ để kịp thời xử lý các tình huống do diễn biến của bão lũ gây ra", bà Nguyệt nói.
Tại Yên Bái, có 440 trường phải cho HS nghỉ học ngày 10.9 và nước vẫn dâng cao, nguy cơ sạt lở ở địa phương này cũng được cảnh báo ở mức cao. Sở GD-ĐT cho biết có đến khoảng chục trường ở TP.Yên Bái và H.Lục Yên vẫn đang bị ngập sâu. Một số trường bị thủng mái tôn, nứt trần, sạt taluy, lũ tràn vào tận phòng học phá hủy mọi thứ… Vì lũ chưa rút nên chưa thể đánh giá mức độ thiệt hại nhưng chắc chắn nhiều nơi bị ảnh hưởng rất nặng nề.
Một lớp học ở Yên Bái bị lũ tấn công
ẢNH: SỞ GD-ĐT YÊN BÁI
Ngay tại TP.Thái Nguyên hiện vẫn đang ngập lụt, người dân phải sơ tán nên HS của 32 trường phải nghỉ học; cán bộ, GV vẫn phải lội nước, chèo thuyền vào trường sơ tán đồ dùng thiết yếu.
Tại Phú Thọ, dù là địa phương ngập lụt không nhiều nhưng vụ sập cầu Phong Châu khiến 419 HS ở H.Tam Nông và Lâm Thao không thể đến trường. Ngày 10.9, Sở GD-ĐT Phú Thọ đã phải chỉ đạo cụ thể về việc các trường học trên địa bàn bố trí để các HS học tạm trong thời gian chờ khắc phục sự cố lớn này. Sau khi có cầu tạm thay thế cầu Phong Châu và thông xe cầu Trung Hà, Tứ Mỹ, các cơ sở giáo dục bàn giao HS và kết quả học tập, rèn luyện của HS học tạm về trường cũ.
Bắc Giang cũng là địa phương có nhiều trường học đang bị ảnh hưởng nặng nề. Bà Trần Thị Minh Sử, Trưởng phòng GD-ĐT H.Lục Ngạn, một trong những địa bàn bị chia cắt vì lũ, cho biết có 21 trường học bị ngập lụt, thiệt hại ước tính khoảng 4 tỉ đồng. Tương tự, tại H.Lục Nam, Phòng GD-ĐT cho hay tổng thiệt hại ước tính khoảng trên 5,8 tỉ đồng. Đến ngày 10.9, gần 20 trường học vẫn phải tiếp tục cho HS nghỉ học do mất điện hoặc ngập lụt, đường đến trường của HS bị chia cắt…
Tại Lạng Sơn, gần 400 trường phải cho HS nghỉ học những ngày qua, chỉ 4 trường có thể triển khai học trực tuyến. Theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT tỉnh này, ngày 11.9, những đơn vị trường học, điểm trường còn bị ngập úng, chưa sửa chữa khắc phục thiệt hại xong, dễ gây mất an toàn trường học; những trường học, điểm trường HS phải qua sông, suối nước to chảy xiết nguy hiểm, đèo dốc sạt lở, cần tiếp tục thông báo cho HS nghỉ học.
Bộ GD-ĐT chỉ đạo không dạy học nếu chưa an toàn
Trong 2 ngày qua, Bộ GD-ĐT đã có liên tiếp 2 văn bản chỉ đạo về việc khắc phục hậu quả bão lũ tại cơ sở giáo dục, đảm bảo an toàn cho GV và HS. Kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ HS, gia đình chính sách, HS có hoàn cảnh khó khăn, HS bị thiệt hại do mưa, bão sớm ổn định học tập; thực hiện các giải pháp để việc dạy học ở các nhà trường an toàn, hiệu quả.
Các địa phương lên kế hoạch và triển khai ngay việc sửa chữa cơ sở hạ tầng trường học, đặc biệt ưu tiên các hạng mục có nguy cơ ảnh hưởng đến sự an toàn của GV và HS. Di dời HS, GV, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học khỏi các khu vực bị hư hại nặng hoặc chưa an toàn. Đặc biệt, kiểm tra các điểm trường, các cơ sở giáo dục gần sông suối, gần khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất để cảnh báo hoặc ngừng cho HS đến trường nếu mất an toàn.
Đối với các đơn vị tổ chức biên soạn, phát hành SGK, Bộ GD-ĐT đề nghị chủ động phối hợp với các địa phương rà soát, nắm bắt kịp thời tình hình sách giáo khoa bị hư hại do ảnh hưởng của cơn bão số 3 để khẩn trương in ấn bổ sung và cung ứng, hỗ trợ kịp thời cho GV, HS tổ chức dạy học, ưu tiên cho HS các lớp đầu cấp và cuối cấp; không để xảy ra tình trạng thiếu nguồn cung sách giáo khoa.