Quay lưng với gạo, nền kinh tế hàng đầu châu Á đối mặt mối đe dọa với an ninh quốc gia

Chia sẻ Facebook
31/08/2022 12:41:39

Những cánh đồng lúa đang ngày càng bị thu hẹp do người dân không còn mặn mà với các bữa ăn truyền thống đang khiến nước Nhật loay hoay tìm lời giải cho bài toán an ninh lương thực, vốn có vai trò đặc biệt quan trọng với an ninh quốc gia.


Trong nhiều thập kỷ, người Nhật Bản đã ăn ít gạo và cá hơn so với các thực phẩm nhập khẩu như bánh mì, thịt…, khiến khả năng tự chủ calo của đất nước này giảm xuống 37% vào năm 2020 so với 73% của năm 1965. Đây cũng là khả năng tự chủ lương thực thấp nhất so với các nền kinh tế phát triển trên thế giới.

Ông Toshiyuki Ito, Phó đô đốc đã nghỉ hưu của Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản, cho biết: "Việc chính phủ từ bỏ những cánh đồng lúa và đất nông nghiệp khác đang khiến nước Nhật dễ tổn thương hơn bao giờ hết. Họ chỉ quan tâm tới lợi ích kinh tế chứ không phải an ninh quốc gia".

Hàng loạt các vấn đề, từ Covid-19 tới xung đột Nga – Ukraine, đã khiến giá lương thực toàn cầu tăng vọt. Tình trạng thiếu phân bón và lạm phát nhiên liệu trở nên trầm trọng hơn do đồng yên yếu, tác động trực diện lên người tiêu dùng Nhật Bản trng những tháng gần đây.

Phụ thuộc vào nhập khẩu khiến khả năng tự chủ lương thực của Nhật Bản thấp nhất trong số các nền kinh tế phát triển.

Những căng thẳng địa chính trị trong khu vực khiến Nhật Bản đầu tư nhiều tiền cho ngân sách quốc phòng. Tuy nhiên, Nobuhiro Suzuki, giáo sư kinh tế nông nghiệp tại Đại học Tokyo, cho rằng nước Nhật cần tăng lượng gạo và lúa mì trồng trong nước để đảm bảo an ninh quốc gia.

"Về mặt an ninh quốc gia, lương thực nên đi trước vũ khí. Nếu không có thức ăn, chẳng ai có thể chiến đấu", ông Suzuki nói.


Người Nhật không còn mặn mà với gạo

Việc người Nhật lựa chọn chế độ ăn ít gạo một phần là do thu nhập bình quân đầu người cao hơn. Sự mở rộng của thương mại toàn cầu dẫn tới việc nhập khẩu lương thực nhiều hơn và dễ dàng hơn. Mở rộng văn hóa cũng khiến thói quen ăn uống của người dân Nhật đa dạng hơn. Số lượng phụ nữ đi làm và người độc thân ngày càng tăng dẫn đến xu thế thay đổi lối sống, trong đó thực phẩm ăn nhanh được tiêu thụ nhiều hơn. Quốc gia này có lượng cửa hàng McDonald lớn thứ 3 chỉ sau Mỹ và Trung Quốc.

Theo số liệu của chính phủ, mức tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người của Nhật đã giảm xuống dưới 25kg/năm so với hơn 40kg/năm của 2 thập niên trước. Những người ăn cá đang lựa chọn các loại thực phẩm nhiều chất béo hơn, chẳng hạn như cá thu và cá hồi Na Uy hay Chile. Một số yếu tố khác là nước Nhật gần đây phụ thuộc hoàn toàn vào ngũ cốc để làm thức ăn gia súc. Điều đó có nghĩa là hầu hết thịt bò nuôi trong nước của Nhật không được tính là tự cung tự cấp.

Hoạt động nhập khẩu ngũ cốc tại một cảng của Nhật Bản.

Việc gia tăng sự phụ thuộc vào nhập khẩu khiến cựu Bộ trưởng Nông nghiệp Hiroshi Moriyama lo ngại. Vào tháng 6, ông dẫn đầu một nhóm các nhà lập pháp đảng Dân chủ Tự do cầm quyền, trình báo cáo lên Thủ tướng Fumio Kishida để kêu gọi chính phủ hành động nhiều hơn về an ninh lương thực.

"Thông qua những vấn đề mà chúng ta phải đối mặt sau cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, tôi nghĩ rằng chúng ta phải chủ động sản xuất càng nhiều càng tốt, bao gồm cả phân bón và hạt giống', ông Moriyama chia sẻ.

Tiêu thụ lương thực truyền thống – gạo – đã giảm trong nhiều thập niên. Tỷ lệ lúa mì sản xuất trong nước của Nhật Bản cũng đã giảm 1 nửa trong 50 năm qua xuống còn 13%. Hầu hết lúa mì tiêu thụ ở Nhật Bản đều được nhập khẩu từ các nước như Mỹ, Canada và Australia.


Bài toán khó để kéo người dân trở lại với gạo

Các chuyên gia lo ngại một cuộc xung đột trong khu vực có khả năng cắt đứt các nguồn cung lương thực của Nhật Bản, dẫn tới nguy có tạo ra bất ổn với an ninh quốc gia. Hiện tại, Nhật Bản vừa phải tăng ngân sách quốc phòng, vừa phải phân bổ nguồn lực cho an ninh lương thực. Tuy nhiên, chỉ có tiền cũng không giải quyết được vấn đề.

Dân số Nhật trong lĩnh vực nông nghiệp đang già đi và ngày càng thu hẹp. Cùng với đó, số nông dân bán thời gian đang ngày một nhiều, đồng nghĩa họ không thể canh tác một năm 2 vụ và số thời gian ruộng đồng bị bỏ không ngày càng nhiều.

Các bữa cơn truyền thống của người Nhật trở nên lép vế hơn so với đồ ăn nhanh.

Itsuo Kenmochi, một nông dân trồng lúa thế hệ thứ ba ở Niigata, miền bắc Nhật Bản cho biết: "Tôi trồng lúa từ tháng 5 đến tháng 10. Từ tháng 11 đến tháng 4, tuyết rơi và tôi chẳng thể canh tác được gì". Kenmochi là một trong rất nhiều nông dân Nhật Bản phải tìm kiếm các công việc khác ngoài trang trại của mình. "Tôi vẫn tiếp tục làm nông nghiệp vì cánh đồng của mình. Nếu phải đi thuê đất, tôi đã bỏ cuộc".

Nhà chức trách Nhật Bản đang nỗ lực khuyến khích để người dân ăn gạo nhiều hơn. Họ tính toán nếu mỗi người dân Nhật Bản chỉ cần ăn thêm một miếng cơm mỗi bữa, khả năng tự chủ calo của nước này có thể tăng thêm 1%. Tuy nhiên, vẫn chưa có thành công đáng kể nào được ghi nhận.

Một người Nhật hiện ăn 53 kg gạo mỗi năm, ít hơn một nửa so với những gì họ ăn vào những năm 1960. Cuộc khảo sát đã chỉ ra rằng mọi người đang cố gắng tránh nạp nhiều carbohydrate vì lý do sức khỏe trong khi dân số già nghĩa là ít người thèm ăn hơn.

Bên cạnh đó, nhiều người trẻ nói rằng việc nấu các loại ngũ cốc theo cách truyền thống, vốn có thể kéo dài tới 1 giờ, là quá tốn thời gian. Ngày nay, mọi người có xu hướng bắt đầu ngày mới với bánh mì và sữa chua hơn là cơm, súp miso và cá nướng. Đó là lý do khiến gạo tiếp tục kém hấp dẫn.

Chia sẻ Facebook