Quay cuồng vì họp liên miên lấn cả vào giờ nghỉ, deadline thì vẫn dí

Chia sẻ Facebook
30/05/2023 09:41:39

Các cuộc họp diễn ra quá dày đặc đôi khi còn lấn chiếm cả vào thời gian riêng của mỗi người. Hơn nữa, việc này gây ảnh hưởng không nhỏ tới thời gian hoàn thành công việc, khiến các deadline luôn trong tình trạng dồn dập.

Các cuộc họp không còn là chuyện xa lạ đối với bất kỳ cơ quan, tổ chức nào. Buổi họp là thời điểm để tất cả nhân sự trong tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp nhìn nhận, đánh giá lại những sự việc đã xảy ra vừa qua. Đồng thời, đây cũng là lúc để bàn bạc đưa ra định hướng mới trong thời gian tiếp theo. Thế nhưng, họp như thế nào, họp bao lâu là đủ lại không phải là điều mà doanh nghiệp nào cũng có thể trả lời một cách chính xác.

Các cuộc họp không thể thiếu đối với mỗi doanh nghiệp. (Ảnh minh họa: Pinterest)

Ngày mấy cuộc họp luân phiên, họp giờ hành chính không đủ, tranh thủ họp giờ nghỉ

Nhiều bạn trẻ cho biết ngày nay đi làm không những bị áp lực bởi công việc mà còn thấy mệt mỏi vì những cuộc họp nối tiếp nhau. Mỗi cuộc họp thường diễn ra khoảng 1 - 2 tiếng, số lượng cuộc họp không cố định, có thể thay đổi tùy theo tính chất công việc. Các cuộc họp căng thẳng khiến nhân viên cảm thấy kiệt sức, không thể làm được việc gì khác.

Các cuộc họp đôi khi diễn ra dày đặc, liên miên. (Ảnh minh họa: Pinterest)


Việt Đức (27 tuổi, Hà Nội), nhân viên một công ty truyền thông tại Hà Nội cho biết thời gian gần đây, số lượng dự án nhiều, nhân sự trong công ty lại ít nên có những ngày anh phải tham dự tới 3 cuộc liên tiếp. Đức chia sẻ: “Đôi khi mình thấy việc đi họp còn mệt hơn là ngồi làm việc. Việc phải nghe những ý kiến từ cấp trên, những kế hoạch, dự định và ghi chép lại chúng khiến anh mệt mỏi. Mỗi cuộc họp lại có tính chất khác nhau nên mình lúc nào cũng phải căng não, lắm khi còn không hiểu sếp và đồng nghiệp đang nói gì”.

Nhiều người cảm thấy căng não với quá nhiều cuộc họp trong ngày. (Ảnh minh họa: Envato)

Có những ngày, các nhân viên phải họp xuyên ngày. Thậm chí, đôi khi cuộc họp còn lấn cả vào giờ nghỉ của nhân viên. Thanh Hằng (24 tuổi, Hưng Yên) đang làm tại một agency cho biết hầu như 3 ngày đầu tuần, cô chìm trong các buổi họp. Hết họp với các cấp lãnh đạo, họp nhóm, Hằng còn phải họp với đối tác. Nếu như các công việc có thể giải quyết qua email, tin nhắn, Hằng sẽ cố gắng trao đổi online để không phải họp quá nhiều. Có những ngày, cuộc họp kéo dài từ 11 giờ trưa đến tận gần 1 giờ. Thời gian này đã lấn cả vào giờ nghỉ trưa của mỗi nhân viên. Xong cuộc họp, Hẳng chỉ kịp ăn vội bữa cơm đã nguội rồi lại bắt đầu vào giờ làm.


Không còn thời gian để làm việc

Một nghiên cứu của Harvard Business Review đã chỉ ra rằng 70% các cuộc họp là nguyên nhân khiến dân công sở không thể tập trung làm việc và hoàn thành các nhiệm vụ của họ. Họp hành quá nhiều trong ngày khiến nhân viên không có đủ thời gian để hoàn thành công việc. Thanh Hằng cho biết do các cuộc họp diễn ra dày đặc nên cô chỉ còn lại khoảng 2 ngày trong tuần để làm công việc. Tuy nhiên, khối lượng công việc quá nhiều, buộc Hằng phải tăng ca, thức đêm để hoàn thành xong công việc.

Nhiều người phải tăng ca để hoàn thành công việc. (Ảnh minh họa: Pinterest)

Chung tình trạng đó, rất nhiều nhân viên cũng cảm thấy mệt mỏi khi cứ đến đầu tuần lại phải tham gia quá nhiều cuộc họp, từ họp với cấp trên đến họp nội bộ trong nhóm. Họ thậm chí còn mong muốn những ngày đầu tuần trôi qua nhanh chóng vì quá căng thẳng. Các cuộc họp trung bình kéo dài 1 - 2 tiếng. Khi nào có quá nhiều vấn đề thì thậm chí nó còn kéo dài tới 3 - 4 tiếng. Thời gian đó đã chiếm gần 1/2 giờ hành chính đi làm mỗi ngày. Vậy thì thử hỏi nhân viên còn lại bao nhiêu thời gian để hoàn thành công việc?

Lúc nào cũng trong tình trạng quá tải vì không đủ thời gian làm việc do họ chiếm quá nhiều thời gian. (Ảnh minh họa: Pinterest)

Quỳnh Vân (25 tuổi, Hà Nội) cho rằng cuộc họp chiếm quá nhiều thời gian của một cá nhân trong ngày khiến các công việc bị tồn đọng. Nhiều nhân viên phải OT ở công ty hoặc mang việc còn đang dang dở về nhà để giải quyết. Các cuộc họp lấn sang giờ nghỉ cũng khiến nhân sự mệt mỏi, không được tỉnh táo và không đạt được hiệu quả về mặt công việc. Không chỉ vậy, khi tham gia một buổi họp, nhân viên cần phải chuẩn bị báo cáo từ trước đó nên cũng tốn rất nhiều thời gian.

Nhiều người cảm thấy áp lực khi phải đi họp quá nhiều. (Ảnh minh họa: Pinterest)


Họp nhiều chưa chắc giải quyết được vấn đề

Các cuộc họp diễn ra thường xuyên nhưng đôi khi nó không thể giải quyết được ngọn nguồn của vấn đề. Thậm chí, có những đầu việc hoàn toàn có thể xử lý qua tin nhắn, email nhưng nhiều quản lý lại lựa chọn tổ chức các buổi họp kéo dài tới vài tiếng mà nhân sự không đưa ra được bất kỳ ý kiến gì khác, không khí rơi vào im lặng, gây lãng phí thời gian làm việc trong ngày.

Họp nhiều nhưng đôi khi vẫn không giải quyết được vấn đề. (Ảnh minh họa: Pinterest)

Tuy vậy, chúng ta cũng cần phải hiểu cho nỗi lo của quản lý. Đôi khi, các cuộc họp trước đã đưa ra phương hướng thực thi cho tuần mới và nhìn nhận lại những gì còn vướng mắc trong tuần trước. Thế nhưng, nhân sự cấp dưới lại không làm theo, buộc họ phải tổ chức các cuộc họp.

Nên tạo không gian họp thoải mái để giảm áp lực cho nhân viên. (Ảnh minh họa: Pinterest)

Nhìn chung, việc họp là cần thiết nhưng phải có sự phù hợp. Không thể bắt nhân viên ngày nào cũng phải họp, lại chuẩn bị cả báo cáo cầu kỳ, tốn thời gian. Cuộc họp hiệu quả nhất là mọi người đều cảm thấy thoải mái, không bị áp lực. Đối với các cuộc họp, trao đổi ngắn, cấp quản lý có thể cân nhắc bỏ báo cáo, chỉ cần nói nhanh để tránh áp lực cho nhân sự. Trước cuộc họp cũng nên thông báo cho nhân viên trước về nội dung sẽ bàn bạc để cuộc họp đi vào nội dung chính, không kéo dài lên thê gây tốn kém thời gian mà không giải quyết được vấn đề nào.


Công ty bạn có đang gặp tình trạng họp hành liên miên nhưng chưa hiệu quả, chưa giải quyết được vấn đề không? Cùng chia sẻ dưới phần bình luận với YAN nhé!

Các cuộc họp là không thể thiếu đối với bất kỳ tổ chức, doanh nghiệp nào. Đó là thời điểm để nhìn nhận lại giai đoạn cũ cũng như đưa ra phương hướng mới cho thời gian sắp tới. Tuy nhiên, đó không phải là lý do để lạm dụng chúng, bắt nhân viên họp hành liên miên, lấn chiếm cả vào thời gian riêng tư trong khi deadline vẫn giữ nguyên, không hề giảm. Các cấp quản lý nên có phương án phù hợp cho mỗi cuộc họp. Trước khi họp, các thành viên tham dự nên được biết trước nội dung để có sự chuẩn bị cũng như cuộc họp diễn ra hiệu quả nhất.


Cùng cập nhật những tin tức khác TẠI ĐÂY !

Chia sẻ Facebook