Quay cuồng trong cơn bão giá

Chia sẻ Facebook
02/04/2022 00:50:21

Chị Hạnh tiếc tiền xăng nên bỏ ra 30 phút đi bộ đến công ty. Ngoài chợ, dầu ăn tăng giá, mỳ tôm tăng giá, trứng gia cầm cũng đã tăng giá.


Nữ công nhân cuốc bộ đi làm từ 5h sáng

Hơn hai tháng qua, chị Lâm Bích Hạnh, công nhân Công ty Pouyuen (quận Bình Tân) đều dậy vào 5h sáng. Người phụ nữ này nấu vội đồ ăn cho cả nhà, sau đó chị đi bộ tới công ty. Thay vì đi xe máy mất khoảng 5 phút như trước, nay chị cuốc bộ 30 phút khi trời mới tờ mờ sáng. Một cách tiết kiệm “cười ra nước mắt” của nữ công nhân nhưng hoàn toàn có thể hiểu được.

Bởi, tổng thu nhập bình quân của hai vợ chồng chị khoảng 13 triệu đồng/tháng. Trong đó, tiền nhà trọ; tiền cho hai con đi học; tiền gửi về quê đã ngốn 7 triệu đồng. Đấy là chưa kể tiền ăn uống, sinh hoạt phí và các khoản chi tiêu phát sinh.

“Quá chật vật. Tôi còn đi rửa bát thuê vào cuối tuần. Tiền công 80.000 đồng/buổi”, chị nói.

“Thu nhập ít ỏi mà giá xăng đắt, đồ gì ngoài chợ cũng tăng giá thì lấy tiền đâu mà tích lũy?”, chị Dương Thị Mơ (công nhận tại KCN Tân Tạo, quận Bình Tân) hỏi mà chẳng cần biết câu trả lời.

Người công nhân cảm nhận rõ rệt sự thay đổi giá hàng hóa tại các chợ (ảnh: Trần Chung)

Tại các khu nhà trọ ở TP.HCM, câu chuyện “thắt lưng buộc bụng” của giới công nhân trong cơn bão giá có lẽ chưa bao giờ điển hình như lúc này.

Trong khi đó, ở chợ truyền thống, đúng như lời chị Hạnh hay chị Mơ nói, dầu ăn tăng giá từ 5.000-7.000 đồng/chai; mỳ tôm tăng 5.000-10.000 đồng/thùng tùy loại; nước mắm tăng, xì dầu tăng, trứng gia cầm tăng...

Tiểu thương Đỗ Nguyệt (chợ Nguyễn Tri Phương, quận 10) cho hay, giá xăng cao kéo theo chi phí vận chuyển hàng hóa tăng, giá bán lập tức có sự điều chỉnh. Hàng càng đi xa thì giá càng lên. Đơn cử, xà lách Đà Lạt giá 40.000 đồng/kg, đắt gấp đôi so với trước.


Đối với các hệ thống phân phối hiện đại, đại diện WinMart/WinMart+ thông tin, thị trường tiêu dùng đang có xu hướng bước vào mặt bằng giá mới khi nhiều nhà cung cấp, nhà kinh doanh điều chỉnh tăng giá do tác động bởi giá xăng tăng cao . Đơn vị này đã nhận được đề nghị điều chỉnh giá của rất nhiều nhà cung cấp, nhưng cố gắng đàm phán nhằm trì hoãn việc tăng giá, đặc biệt với nhóm nhu yếu phẩm.

Ông Bùi Trung Chính, Giám đốc Khối Thu mua ngành hàng Thực phẩm,  Aeon Việt Nam, cho biết, DN này cũng nhận được đề xuất tăng giá.

Cụ thể, các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô (gạo, mì, dầu ăn,... ), khoảng 5% nhà cung cấp đề nghị tăng giá trung bình từ 5-10%. Aeon Việt Nam đang trao đổi với nhà cung cấp để giữ mức giá tốt cho người tiêu dùng, đồng thời chấp nhận giảm biên độ lợi nhuận, đồng hành cùng khách hàng.


Đối phó với giá cả tăng và lạm phát

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) hai tháng đầu năm tăng gần 2% so với cùng kỳ năm ngoái, tức vẫn nằm trong mức lạm phát mục tiêu dưới 4% của Chính phủ cho năm 2022. Điều này có nghĩa CPI chưa gây tác động xấu quá mức đối với nền kinh tế và đời sống của người dân.

Tuy nhiên, giá xăng đã tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong sinh hoạt hàng ngày, người tiêu dùng đều bày tỏ lo ngại ngày một tăng về việc giá cả đắt đỏ. Với họ, lạm phát đơn giản là giá thay đổi. Ngày sau tiền mua đồ ăn, thức uống cao hơn ngày hôm trước, tháng sau chi tiêu tốn kém hơn tháng trước là họ lo lắng.

TS. Phạm Công Hiệp, Giảng viên cấp cao, Giám đốc chương trình Cử nhân Kinh doanh (Đại học RMIT) nhận định, tiêu thụ xăng dầu đóng một vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng của rất nhiều hàng hóa tiêu dùng. Do đó, việc giá nhiên liệu tăng cao thường khiến giá các sản phẩm tiêu dùng khác tăng theo.

Giá xăng dầu tác động ro ràng nhất đến lạm phát, giá cả tăng cao (ảnh: Trần Chung)

Theo Tổng cục Thống kê, kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%.


Giá xăng dầu tăng sẽ gây ra lạm phát do chi phí đẩy, bởi năng lượng là nguyên liệu đầu vào cho hầu hết các ngành trong nền kinh tế. Khi đó, giá nguyên vật liệu nhập khẩu và nguyên vật liệu trong nước cũng tăng theo. Giá xăng dầu là yếu tố trực tiếp và rõ ràng nhất có thể thấy tác động đến lạm phát, giá cả tăng cao thời điểm này.

Nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê - ông Nguyễn Bích Lâm - từng cho rằng, khi giá xăng dầu tăng 10% sẽ làm GDP giảm khoảng 0,5%. Đây là mức giảm khá lớn, phản ánh tác động rất mạnh của biến động giá xăng dầu tới tăng trưởng kinh tế.

Giải pháp được thành viên đến từ Đại học RMIT đưa ra là Việt Nam có thể hạn chế tối đa các cú sốc từ bên ngoài bằng cách chủ động nguồn cung trong nước, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa cũng như tập trung phát triển thị trường nội địa.

DN cần chủ động trong việc quản lý chuỗi cung ứng, đặt hàng sớm cũng như tìm các nguồn hàng thay thế nếu giá nguyên liệu đầu vào gia tăng. Người dân cũng cần có kế hoạch tiêu dùng hợp lý và chuẩn bị tâm lý cho các kịch bản xấu hơn.

Tuy nhiên, chuyên gia khuyến cáo, nên bình tĩnh ứng phó hợp lý hơn là gom hàng tích trữ, có thể gây tăng lực cầu đột biến, làm giá cả hàng hóa tăng vọt, lạm phát càng nghiêm trọng hơn.

Theo TS. Hiệp, ngoài việc thực hiện linh hoạt chính sách tài khóa - tiền tệ, kiểm soát linh hoạt yếu tố gây biến động giá xăng dầu, Chính phủ cần giám sát chặt các đơn vị trong ngành năng lượng, nguyên vật liệu để hạn chế tối đa hiện tượng đầu cơ tích trữ, gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường và an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, việc xuất khẩu dầu thô sẽ gia tăng đáng kể cho ngân sách khi giá dầu tăng mạnh. Vì vậy, Nhà nước có thể dùng một phần tiền này để giảm thuế, phí trên giá xăng dầu, hỗ trợ bình ổn giá trong nước.

Trong mức lạm phát 1,68% của hai tháng đầu năm nay, việc tăng giá xăng dầu đã đóng góp tới 1,63 điểm phần trăm. Giảm thuế, phí với nhiên liệu đầu vào là nỗ lực cần thiết từ Chính phủ nhằm kiểm soát lạm phát. Song song đó, cần có giải pháp để bảo đảm nguồn cung xăng dầu từ sản xuất trong nước, tăng dự trữ nhập khẩu để điều tiết khi cần.


Trần Chung

Chia sẻ Facebook