Quay cuồng sốt đất vùng cát, nở rộ “cò phố, cò quê”

Chia sẻ Facebook
28/03/2022 14:01:44

Vài năm trở lại đây, Quảng Bình trở thành điểm đến của nhiều khách du lịch trong và ngoài nước, đồng thời nhiều người cũng tìm đến nơi đây tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh… Việc giá đất cũng như một số mặt hàng dịch vụ tăng giá là điều hiển nhiên, song giá đất tăng chóng mặt, không chỉ khu vực nội thành phố Đồng Hới mà các vùng quê từ đồng bằng, ven biển, vùng núi có nơi đất tăng hàng chục lần phá vỡ mọi quy luật cung-cầu.


Mua qua bán lại hàng chục lần 1 lô đất

Trong quá trình tìm hiểu tư liệu cho bài viết, chúng tôi đã gặp nhiều cơ quan, đơn vị liên quan, cũng như giới kinh doanh bất động sản và người môi giới bất động sản (cò đất) để tìm hiểu, và nhiều người đều chung nhận định, giá đất ở nhiều nơi địa bàn tỉnh Quảng Bình bị đẩy quá cao, hoàn toàn không đúng với giá trị thực tế.

Một công chứng viên chuyên công chứng các hợp đồng bất động sản cho biết, có nhiều lô đất mới ba bốn tháng đã bán đi bán lại qua tay đến công chứng đặt cọc hàng chục lần. Thường thì các cò đất hay nhà đầu tư chỉ viết giấy cọc ít khi công chứng nhưng cũng có những người cẩn thận, đặt cọc giá cao để tránh bị bẻ cọc nên họ công chứng. Giá đất tăng chóng mặt, nên không ít nhà đầu tư ở nhiều nơi khác mang tiền đến đầu tư để mua đi bán lại là chính. Vì mua đi bán lại kiểu lướt sóng nên việc đặt cọc, viết giấy cọc… hầu như nhà đầu tư giao cho các “cò môi giới”. Và khi tìm được đất để giới thiệu cho nhà đầu tư thì cò lại đẩy giá thêm một vài giá để kiếm tiền lãi. Vì vậy, nhiều người nói “cò đất” là trung gian đứng giữa không cần bỏ vốn, nhưng có những “cò” mát tay chỉ làm vài ba tháng đã mua được ôtô sang chảnh. Và ngược lại có những “cò môi giới” thấy việc buôn bán bất động sản dễ kiếm lời nên cầm cố cả nhà cửa để lướt đất, mua đất giá cao đến khi không bán được đất nên mất cả nhà cửa vì cầm cố.

Quảng Bình đất không rộng, người không đông nhưng hiện giờ có hàng ngàn người làm nghề môi giới bất động sản. Mỗi khi địa phương đưa ra một khu vực đất nào đó để chuẩn bị đấu giá thì các cò đất chạy đi chạy lại, sốt xình xịch thông tin trước ngày đấu giá đất. Chính vì vậy, có khi chỉ đấu chục lô đất nhưng đã có cả ngàn người chen cứng hội trường đấu giá đất.

Vì giá đất không theo quy luật cung-cầu, nên có những con đường đất bị thổi đẩy giá lên gấp hàng chục lần để rồi người thực sự có nhu cầu mua đất để ở thì không mua được, còn người có đất ngậm ngùi ôm đất không bán được, song tiền trăm, tiền tỉ thì các “cò đất” đã lặng lẽ mang đi tự lúc nào.

Nhiều tuyến đường ở xã Bảo Ninh, nơi được coi là cồn cát bên kia sông của thành phố Đồng Hới nơi ít người qua lại, nay trở nên đỉnh điểm của cơn sốt đất. Từ giá đất chỉ khoảng chục triệu đồng một mét vuông, nay đất dọc nhiều tuyến đường khu vực này được đẩy lên giá gần cả trăm triệu đồng một mét vuông. Nhiều khu vực một vài năm trước chẳng mấy ai quan tâm chuyện đất đai như ở vùng xã Hải Ninh, Võ Ninh, Lương Ninh (huyện Quảng Ninh), Ngư Thuỷ, Hồng Thuỷ (huyện Lệ Thuỷ)…

Nhiều người dân sống ở những khu vực này từng nài nỉ người thân, người quen bán đất để có tiền làm nhà tránh mưa, trú bão nay luôn than phiền vì bán giá đất rẻ. Và giờ thì nhiều người nơi đây thực sự có nhu cầu mua đất cho con ở riêng khi dựng vợ gả chồng cũng đành đứng ngó, vì giá đất quá cao hoặc có đất nhưng không ai muốn bán vì tâm lý sợ bán xong giá lại lên tiếp…

Điều đáng nói khi giá đất tăng cao, do các nhà đầu tư tìm cách lướt sóng nên mua đi bán lại, và người ôm đất sau cùng hầu hết toàn là người địa phương. Thấy đất tăng giá chóng mặt, nhiều người đã cầm cố cả sổ đỏ, nhà cửa cho ngân hàng, thậm chí vay nóng… để lướt bán kiếm lời nhưng mua xong đều không bán được vì lúc này các cò đất đã rút và lại chuyển đến một trục đường, vùng đất khác cùng thành phố để làm giá đất tiếp theo.


Siết chặt quản lý, tránh hệ luỵ cho người dân

Theo nhận định của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Bình: thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh có sự phát triển chưa thực sự bền vững, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro. Giá đất thiếu ổn định, bị đẩy lên cao xảy ra hiện tượng đầu cơ, mua đi bán lại, tăng giá đột biến làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội, thu hút đầu tư và đời sống, sinh hoạt của người dân; gây khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng và những người có nhu cầu chính đáng về đất ở.

Để ngăn chặn tình trạng cò đất gây sốt đất ảo, tạo bong bóng bất động sản Tỉnh uỷ Quảng Bình đã chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, các huyện, thành phố, thị xã, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Bình về việc tăng cường quản lý đất đai, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Bình đề nghị các đơn vị công khai, minh bạch đầy đủ thông tin về các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các dự án khu nhà ở thương mại, khu đô thị và các dự án tạo quỹ đất một cách rộng rãi để người dân dễ nhận biết.

UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, quá trình phát triển của thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh có những thời điểm phát triển nóng, giá bất động sản bị đẩy lên cao, gây sốt ảo tiềm ẩn nhiều rủi ro. UBND tỉnh nhận định, thời gian gần đây, có dấu hiệu một số chủ đầu tư, nhà đầu tư trên địa bàn tổ chức huy động vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng đất chưa đúng quy định phát luật; tổ chức hội nghị, phát tờ rơi thổi phồng để quảng cáo, rao bán đất khi chưa có đầy đủ quy trình, thủ tục và chưa đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho dự án. Những tồn tại này đã gây ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, an ninh trật tự và việc thực hiện các dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh.

UBND tỉnh Quảng Bình giao lực lượng Công an tăng cường kiểm tra, tổ chức điều tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, đối tượng kinh doanh, hoạt động môi giới bịa đặt thông tin không đúng sự thật nhằm gây sốt đất để trục lợi, có dấu hiệu lừa đảo, mua bán, chuyển nhượng đất đai không đúng quy định của pháp luật gây mất an ninh trật tự trên địa bàn. UBND các huyện, thị xã, thành phố áp dụng phương pháp định giá để xác định giá đất cụ thể, giá đất khởi điểm đưa ra đấu giá, đảm bảo phản ánh đúng giá trị thật của thị trường.

Đặc biệt các địa phương hạn chế việc chia nhỏ lượng quỹ đất đưa ra đấu giá gây khán hiếm thị trường, tạo ra sốt ảo. Các địa phương theo dõi, đánh giá nhu cầu về đất ở của nhân dân, kịp thời tổng hợp, dự kiến lượng quỹ đất hàng năm và các năm tiếp theo để đưa vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm của địa phương bảo đảm không để xảy ra tình trạng khan hiếm quỹ đất, dẫn đến giá đất tăng bất thường.

Chia sẻ Facebook