Quay clip miệt thị người nghèo, TikToker Nờ Ô Nô có thể đối diện với hình phạt nào của pháp luật?

Chia sẻ Facebook
29/11/2022 14:51:58

Những hành vi ứng xử khinh miệt, coi thường người nghèo của Tiktoker Nờ Ô Nô gây xôn xao dư luận những ngày qua sẽ bị xã hội tẩy chay, lên án và xử lý bằng những chế tài của pháp luật.

Thời gian vừa qua, TikToker với tên "Nờ Ô Nô" đang thu hút sự chú ý cũng như vấp phải nhiều ý kiến trái chiều của cộng đồng sau một đoạn video làm từ thiện. Cụ thể, trong đoạn video được đăng tải, TikToker này đã tìm đến bà cụ ngồi ở trạm xe bus và ngỏ ý muốn mời bà cụ ăn một món yêu thích. Mặc dù việc làm này có thể được "bao bọc" dưới danh nghĩa việc làm từ thiện nhưng những lời lẽ đầy phản cảm và miệt thị người khác đã khiến dư luận không khỏi bức xúc.

TikToker Nờ Ô Nô gây bức xúc trong cộng đồng thời gian qua (Ảnh cắt từ video)


Hình phạt nào cho TikToker Nờ Ô Nô?

Đối với vấn đề này, TS. LS. Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho biết, những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn vẫn có đầy đủ các quyền công dân và được pháp luật bảo vệ về tính mạng, sức khỏe cũng như danh dự nhân phẩm. Luật sư Cường đặc biệt nhấn mạnh mỗi công dân không thể vì thấy người khác nghèo hơn mình mà có quyền miệt thị, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người đó.

Luật sư cũng nêu rõ, việc từ thiện giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn là nét văn hóa phù hợp với truyền thống đạo đức, thuần phong mỹ tục của người Việt Nam. Tuy nhiên, nếu trong đó vẫn có những hành vi ứng xử thiếu khiêm tốn, khinh miệt, coi thường người nghèo thì cá nhân làm từ thiện không chỉ nhận sự tẩy chay, lên án của xã hội mà còn bị xử lý bằng những chế tài của pháp luật.

Pháp luật Việt Nam cho phép mọi công dân đều có thể sử dụng mạng internet, sử dụng các nền tảng mạng xã hội để thực hiện các hoạt động học tập, vui chơi, giải trí, kinh doanh. Tuy nhiên, việc sử dụng các nền tảng MXH, mạng viễn thông mạng internet phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục.

Thời gian gần đây không ít những trường hợp lợi dụng các tính năng của mạng xã hội, lợi dụng các phương thức kiếm tiền trên mạng xã hội mà đưa ra những thông tin nhảm nhí, dung tục, xuyên tạc, bịa đặt, vu khống, xúc phạm danh dự nhân phẩm uy tín của người khác, gây bức xúc trong dư luận. Không ít những trường hợp đã bị xử phạt hành chính, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng tình trạng này vẫn diễn biến phức tạp trên không gian mạng khiến dư luận xã hội bức xúc và cơ quan chức năng liên tục phải xem xét xử lý.

TS. LS. Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội


Luật sư Đặng Văn Cường thông tin cụ thể như sau, theo điều 8, Luật An ninh mạng năm 2018, những hành vi đưa thông tin trái phép trên mạng internet, cụ thể như xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác, những thông tin không phù hợp với chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục là hành vi bị cấm.

Tùy thuộc vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả của hành vi mà người thực hiện hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác trên không gian mạng, đưa những thông tin không phù hợp với chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục trên không gian mạng sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông; tội lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân; tội làm nhục người khác...

"Cụ thể đối với trường hợp của TikToker Nờ Ô Nô đã nêu trên, do hậu quả đối với nạn nhân chưa ở mức độ nghiêm trọng và nạn nhân cũng không đề nghị cơ quan chức năng xử lý nên có thể mức phạt đến 3.000.000 đồng theo quy định tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP về "Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn cứu hộ; phòng chống bạo lực gia đình" sẽ không được áp dụng.

Tuy nhiên, với những diễn biến sự việc trên không gian mạng, cơ quan chức năng có thể vào cuộc và căn cứ xử lý theo quy định tại Nghị định số 15/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông tần số vô tuyến điện. Số tiền xử phạt đối tượng có thể lên tới 20.000.000 đồng". TS. LS Đặng Văn Cường nêu rõ với trường hợp của TikToker này.

Theo điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP, với các vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:

a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;...".

Mỗi người đều phải có ý thức để môi trường mạng xã hội được trong sạch

Luật sư Cường cũng thông tin thêm, với những người có sức ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội, có nhiều người theo dõi thì những nội dung thông tin của họ đưa ra sẽ tác động tích cực hoặc tiêu cực đối với xã hội. Những thông tin cổ suý cho những hành vi thiếu văn hóa, thiếu chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục có thể tác động tiêu cực đến xã hội, đặc biệt là đối với lớp trẻ.

Thái độ ứng xử thiếu khiêm tốn, khinh miệt, coi thường người nghèo là đi ngược lại với truyền thống đạo đức, thuần phong mỹ tục của người Việt, có thể tác động đến tiêu cực đến suy nghĩ và hành động của giới trẻ.

Trong xã hội hiện đại, các bậc phụ huynh thường cuốn vào công việc, ít có thời gian giáo dục, quan tâm, chăm sóc con cái. Trong khi đó các bạn trẻ thanh thiếu niên thì thường xuyên sử dụng mạng xã hội, hay theo dõi những người nổi tiếng và học theo, làm theo. Bởi vậy với những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội mà không có chuẩn mực đạo đức hoặc vì muốn có nhiều lượt tương tác nên đã làm các video rẻ tiền. Các nội dung độc phải dị, lạ, không phù hợp với chuẩn mực đạo đức thuần phong mỹ tục để câu view (lượt xem) thì đó là hành vi rất đáng trách, đáng lên án và cần phải bị xử lý bằng các chế tài của pháp luật, dư luận xã hội cần lên án để tẩy chay các tài khoản mạng xã hội kiểu này.

Đối với những trường hợp tài khoản mạng xã hội vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng, Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông cũng có thể khóa tài khoản hoặc theo yêu cầu của các cơ quan bảo vệ pháp luật, đánh giá những tác động tiêu cực từ các tài khoản mạng xã hội có thể gây ra đối với xã hội để yêu cầu với đơn vị cung cấp dịch vụ mạng xã hội có biện pháp ngăn chặn và tiến hành xử phạt hành chính đối với các trường hợp vi phạm.

Để môi trường mạng được trong sạch, bớt rác thì mỗi người dân phải có ý thức trong việc sử dụng mạng xã hội, đưa các thông tin trên mạng xã hội.

Dưới góc độ pháp lý thì mọi hành vi, hoạt động trên mạng xã hội đều có sự quản lý bởi pháp luật, những người đưa thông tin không phù hợp với pháp luật thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Dưới góc độ dư luận xã hội thì những hành vi không phù hợp với chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục thì sẽ bị xã hội cười chê, lên án và tẩy chay. Để nổi tiếng trên mạng xã hội không khó nhưng để giữ được sự nổi tiếng đó thì không đơn giản. Nếu người sử dụng mạng xã hội dùng các chiêu trò bẩn, xả rác lên mạng xã hội để được nổi tiếng thì cũng rất dễ bị tẩy chay và có thể sẽ có kết cục là các chế tài của pháp luật giống như một số giang hồ mạng hoặc những người sống ảo đã phải trả giá trong thời gian gần đây.

Chia sẻ Facebook