Quảng Ninh: Gia tăng số ca mắc sốt xuất huyết
Quảng Ninh đang ở giai đoạn cao điểm của dịch sốt xuất huyết, trung bình mỗi tuần có khoảng 50 ca bệnh.
Trong đó, 30% là số ca mắc xâm nhập (người mắc có nguồn lây từ địa phương khác), còn lại là xuất hiện trên địa bàn, tập trung nhiều ở thành phố Hạ Long, thành phố Cẩm Phả, thị xã Đông Triều, Quảng Yên.
Bên cạnh đó, thời gian gần đây, các bệnh viện trên địa bàn tỉnh ghi nhận nhiều trường hợp tới khám và điều trị do viêm đường hô hấp, chủ yếu liên quan tới chùm ca bệnh cúm B và một vài tác nhân ngoài cúm. Tính đến hết tháng 10/2022, Quảng Ninh ghi nhận trên 2.780 ca mắc cúm, gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Theo bác sĩ Trần Thị Diệp, Phó Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Ninh, khi dịch COVID-19 được kiểm soát, các bệnh truyền nhiễm khác xuất hiện trở lại và có dấu hiệu phức tạp hơn so với chu kỳ thông thường. Theo chu kỳ, sốt xuất huyết sẽ xuất hiện từ tháng 4 - 11 và đỉnh dịch ghi nhận vào tháng 8. Tuy nhiên năm nay, bệnh ghi nhận nhiều vào tháng 9 và đỉnh kéo dài hết tháng 11, đầu tháng 12 mới giảm. Đây có thể coi là bất thường với Quảng Ninh vì nhiều năm trở lại đây, tỉnh ghi nhận bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nhưng không ghi nhận các ca nặng và xuất huyết cảnh báo như năm 2022. Nguyên nhân một phần là do khi người dân đã mắc COVID-19, hệ miễn dịch và sức đề kháng giảm nên nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm khác cũng gia tăng.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh, đơn vị đã triển khai xét nghiệm định type sốt xuất huyết và đánh giá sự lưu hành các tuýp Dengue tại tỉnh. Kết quả ghi nhận, sự xuất hiện Dengue type 1 và Dengue type 2 lưu hành tại địa phương năm 2022 là chủ yếu.
Chị Nguyễn Thị Thắm (người dân thị xã Quảng Yên) có con điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi (Quảng Ninh) chia sẻ, trước đây, con chị bị sốt cao, sổ mũi 2 ngày, nhưng lần này kéo dài 3 ngày không khỏi. Vì vậy, chị đưa cháu đi khám và được chẩn đoán là bị sốt xuất huyết. Nhờ được điều trị kịp thời nên sức khỏe cháu đã ổn định. Xung quanh nhà chị, nhiều trẻ con và người lớn bị ốm.
Trước thực tế bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine phòng bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh nhận định, việc phòng, chống bệnh sốt xuất huyết cần sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, nhất là sự tham gia tích cực của mỗi người dân, mỗi hộ gia đình trong thực hiện diệt muỗi, diệt loăng quăng, bọ gậy, triệt phá tận gốc nguồn sinh sản của muỗi truyền bệnh "Vì một cộng đồng không còn bệnh sốt xuất huyết".
Đồng thời, tăng cường hệ thống giám sát ghi nhận ca bệnh nghi sốt xuất huyết từ cộng đồng, tại bệnh viện, đặc biệt giám sát dựa vào sự kiện (EBS) để phát hiện sớm ca bệnh; phun hóa chất chủ động tại các vùng nguy cơ. Các bệnh viện giám sát chặt chẽ các trường hợp cúm, sốt xuất huyết vào điều trị, đặc biệt là ca bệnh nặng, ca bệnh cảnh báo; tích cực triển khai công tác truyền thông thay đổi hành vi của người dân cùng chung tay phòng, chống dịch bệnh.
Người dân khi có triệu chứng sốt cao, mệt mỏi, đặc biệt nếu có tiền sử đi từ vùng dịch sốt xuất huyết về, cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời tránh biến chứng nặng; tăng cường vệ sinh cá nhân, vệ sinh nhà cửa, ăn uống đủ chất, khoa học để tăng cường đề kháng phòng bệnh.