Quảng Nam trong hành trình nỗ lực trở thành điểm đến du lịch xanh
Với chủ đề "Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh", địa phương này đã có nhiều kế hoạch, hành động cụ thể để dần chuyển đổi cơ cấu ngành du lịch một cách bền vững.
Sau 8 tháng triển khai kể từ tháng 3, đến nay đã ghi nhận được nhiều kết quả tích cực. Thời gian này khi đến với Hội An, du khách sẽ bắt gặp rất nhiều ngôi nhà xanh để đựng rác. Những loại rác này đa phần đều được người dân phân loại tại nguồn. Những chai nhựa, lon bia, ống hút, túi nilon giờ đây không chỉ được sử dụng một lần, mà còn được kéo dài vòng đời trở thành những vật dụng hữu ích.
Những ngôi nhà xanh tái chế rác thải
Làng chài Tân Thành ở Hội An là một trong những nơi triển khai mô hình tuần hoàn rác đầu tiên hưởng ứng phong trào du lịch không rác thải, có trách nhiệm. Những túi rác này đã được anh Lê Quốc Việt - Phó Giám đốc Hợp tác xã Du lịch Làng chài Tân Thành phân loại ngay tại nhà và điểm đến của chúng không phải là những bãi rác thông thường. Những tấm ván được tạo ra từ rác tái chế lại trở thành mái lợp cho 54 ngôi nhà xanh hiện đang được đặt trên toàn thành phố.
Hàng tuần, cô Nguyễn Thị Thanh Bình - Phường Minh An, thành phố Hội An, Quảng Nam tình nguyện thu gom các rác phân loại tại nguồn giúp các chị em trong khu phố bởi những vỏ chai, lon bia hay túi nilon đều phải được vệ sinh sạch sẽ thì công ty xử lý rác mới tiếp nhận.
Bà Lê Thị Mộng Nga - Phường Minh An, thành phố Hội An, Quảng Nam thấy rất vui và phấn khởi khi làm công việc tái chế rác thải vì góp phần giúp cho thành phố Hội An xanh - sạch - đẹp hơn.
Điều đặc biệt, dự án ngôi nhà xanh chú trọng xử lý loại rác thải reform - rác thải giá trị thấp, bao gồm túi nilon, hộp nhựa, vỏ hộp xốp… lâu nay vốn không được quan tâm tái chế. Từ đó, giảm thiểu 30 - 40% lượng rác thải sử dụng 1 lần ra bãi rác thành phố.
Mô hình "Ngôi nhà xanh" xuất hiện đã khiến việc phân loại và tái chế rác đúng cách dần trở thành thói quen sinh hoạt của mỗi gia đình tại Hội An. Qua đó cũng lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường tới các du khách khi đến đây du lịch.
Chuyển đổi mô hình kinh doanh để phát triển bền vững
Để hướng đến mục tiêu năm 2025 thành phố Hội An sẽ không phát thải nhựa sử dụng một lần, UBND TP. Hội An và Hiệp hội Du lịch Quảng Nam đã xây dựng "Khung kế hoạch Doanh nghiệp giảm rác thải hướng tới Hội An - điểm đến xanh giai đoạn 2021-2023". Cho đến nay, đã có 47 doanh nghiệp ký cam kết thực hiện các giải pháp giảm thiểu rác thải. Một số cơ sở kinh doanh đã chuyển đổi sang sử dụng các vật dụng thân thiện với môi trường như túi giấy, ống hút giấy/inox, dùng chai thủy tinh thay cho chai nhựa 1 lần.
Trở lại đây sau nhiều chuyến du lịch trước đó, chị Lê Thị Thái Thủy - Du khách đến từ Huế rất ngỡ ngàng với mô hình giảm thiểu rác thải dùng 1 lần của khu phố cổ.
Anh Nguyễn Hữu Xuân - Tiệm nước Mót Hội An đã có nhiều cách để giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường. Trong khi đó, khách sạn Silk Sense Hội An, Quảng Nam - một trong những khách sạn đầu tiên tại Việt Nam chủ động xây dựng hệ thống lọc nước và đóng nước vào chai thủy tinh để phục vụ khách, đến nay, mô hình này đã nhận về những trái ngọt.
Chấp nhận đổi mới, chấp nhận đầu tư chi phí ban đầu cao hơn để có thành quả bền vững về sau. Đó là cách mà nhiều doanh nghiệp ở Hội An đã và đang xây dựng để tạo ra 1 hệ sinh thái du lịch xanh.
Năm 2021, 1/4 lượng rác thải sinh hoạt của thành phố Hội An là rác thải nhựa, trong khi chỉ 50% số hộ gia đình thực hiện việc phân loại rác tại nguồn. Năm 2022, nhờ việc việc giám sát và tuyên truyền, tỷ lệ các hộ gia đình thực hiện việc phân loại rác tại nguồn ở nhiều xã, phường lên đến 90%.
Với 6 trung tâm phục hồi tài nguyên và 54 ngôi nhà xanh thu gom các loại rác tái chế, thành phố đã tái chế được 106,6 tấn rác nhựa giá trị thấp và giảm được trên 30% lượng rác phải đem đi chôn lấp.Theo đó, Hội An cũng đang kiến nghị sẽ lắp đặt camera giám sát việc vứt rác bừa bãi và thực hiện nghiêm việc phân loại rác tại nguồn.
Trả tiền để được nhặt rác
Trong cuộc chiến với rác thải nhựa, rõ ràng việc tối giản, hạn chế sử dụng đồ nhựa ngay từ đầu sẽ là cách tốt nhất bởi dù thế nào thì việc thu gom, xử lý, tái chế rác cũng luôn tốn kém và mất nhiều thời gian. Và để mỗi người dân đều nhận thức được điều đó, nhiều ý tưởng về các tour du lịch xanh, các hình thức truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường gần gũi đã được các cấp chính quyền, các doanh nghiệp du lịch, những người yêu thành phố cùng chung tay thực hiện.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND thành phố Hội An, Quảng Nam cho biết: "Hiện nay, thành phố Hội An đang cơ cấu lại hết các sản phẩm, phát triển những tour mang tính chất bền vững như các sản phẩm du lịch biển, du lịch sinh thái, tour vớt rác trên sông, tour trồng cây xanh. Ví dụ mô hình Cù Lao Chàm không có bao nilon, được du khách hết sức đón nhận, góp phần vào xu thế chung của cả nước cũng như tỉnh Quảng Nam trong việc phát triển du lịch xanh".
Hoạt động này nghe thì có vẻ vô lý nhưng đây lại là mô hình thực tế đang diễn ra tại Hội An. Với tour du lịch đặc biệt này, các du khách sẽ được chèo thuyền trên sông, kết hợp nhặt rác bảo vệ môi trường, nhìn ngắm người dân đánh bắt cá hay thả hồn vào khung cảnh thiên nhiên yên bình. Đây là cách để du khách vừa tận hưởng bản sắc của địa phương, vừa được truyền cảm hứng về tình yêu với môi trường
Sau 5 năm triển khai, tour du lịch đặc biệt này đã thu hút nhiều tình nguyện viên, các đoàn học sinh, sinh viên đến tham gia với lượng rác thu gom được ấn tượng
Từ những tour du lịch vớt rác đến các tình nguyện viên dọn vệ sinh dưới đáy biển, mỗi ý tưởng, mỗi hành động, mỗi sự can đảm thay đổi đã góp phần trả lại diện mạo vốn có của tự nhiên. Bởi nếu chúng ta không bảo vệ và giữ gìn môi trường sống ngay bây giờ, thì rất có thể trong tương lai, những cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ sẽ chỉ còn lại trong những thước phim.