Quảng Nam: Kinh tế gặp khó, tốc độ tăng trưởng giảm so với năm 2022

Chia sẻ Facebook
26/12/2023 03:32:38

Ngày 25/12, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Họp báo Tổng kết tình hình kinh tế xã hội năm 2023, triển khai phương hướng nhiệm vụ 2024.

Theo báo cáo, năm 2023, phát triển kinh tế của Quảng Nam gặp nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng giảm so với năm 2022.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2023 ước giảm 8,25%; nguyên nhân ngành công nghiệp của tỉnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tình hình thế giới biến động phức tạp, kinh tế phục hồi chậm, suy giảm nhu cầu tiêu dùng, khó khăn trong thị trường tiêu thụ, nhất là ô tô.

Quy mô nền kinh tế 112,5 nghìn tỷ đồng; cơ cấu kinh tế khu vực nông nghiệp 14,8%; công nghiệp và xây dựng 29,8% (công nghiệp chiếm 24%); dịch vụ 35,5%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp 19,8%.

Kinh tế Quảng Nam gặp khó trong năm 2023, thị trường tiêu thụ ô tô sụt giảm.

GRDP bình quân đầu người năm 2023 khoảng 74 triệu đồng. Tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng giảm 21,7% (công nghiệp giảm 24,3%). Ước chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) giảm 25,2% so với năm 2022; trong đó: IIP ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (-26,8%), riêng IIP sản xuất xe có động cơ (-40,3%).

Sản lượng sản xuất ô tô các loại năm 2023 ước đạt hơn 68 nghìn chiếc (-45%; -55,4 nghìn chiếc); sản lượng ô tô tiêu thụ các loại cả năm 2023 ước đạt 75,4 nghìn chiếc (-36%; -43,3 nghìn chiếc).

Tốc độ tăng trưởng ngành thương mại - dịch vụ hơn 4,6%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng gần 70,3 nghìn tỷ đồng, tăng 13%. Tổng lượt khách tham quan, lưu trú năm 2023 hơn 7,5 triệu lượt, tăng gấp 1,6 lần; trong đó, khách quốc tế gần 3,9 triệu lượt, tăng 5,6 lần.

Doanh thu du lịch ước đạt 7.950 tỷ đồng, tăng 2 lần. Thu nhập xã hội từ du lịch khoảng 18.683 tỷ đồng.

Nông, lâm, thủy sản tiếp tục phát triển ổn định với mức tăng trưởng hơn 3,5%.

Về tình hình thu ngân sách chưa đạt dự toán nhưng đạt khá trên một số lĩnh vực; thị trường tài chính, tiền tệ từng bước ổn định.

Cụ thể, tổng thu ngân sách nhà nước năm 2023 dự kiến 23.951 tỷ đồng, đạt 89,8% so với dự toán; trong đó, thu nội địa 20.880 tỷ đồng, đạt 100% dự toán; thu xuất nhập khẩu 3.071 tỷ đồng, đạt 53% dự toán.

Chi ngân sách địa phương cơ bản bám sát dự toán và tiến độ thu, kịp thời giải quyết các chế độ, chính sách an sinh xã hội, hậu quả thiên tai, dịch bệnh. Ước chi ngân năm 2023 là 44.884 tỷ đồng, đạt 136% dự toán. Đến cuối năm 2023, dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh 104.138 tỷ đồng, tăng 5,92% so với đầu năm.

Bên cạnh đó, tỉnh này đạt được nhiều thành tựu tích cực ở các mặt như: Phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, chương trình nông thôn mới, giảm nghèo tiếp tục đạt kết quả nhất định; Quản lý tài nguyên, môi trường được chú trọng, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai; Cải cách hành chính thực hiện đồng bộ, quyết liệt, mạnh mẽ gắn với chuyển đổi số...

Năm 2024, tỉnh Quảng Nam tiếp tục chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức cạnh tranh, phát triển KT-XH nhanh, bền vững; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành thu, chi ngân sách đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trong tình hình mới; Đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số; tăng cường phân cấp, ủy quyền.

Xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đảm bảo công tác quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; giữ vững chủ quyền biên giới đất liền, biển đảo quốc gia; đấu tranh phòng, chống tội phạm. Có giải pháp khắc phục kịp thời các hạn chế, khuyết điểm do các Đoàn Thanh tra, Kiểm tra, Kiểm toán đã chỉ ra; Tăng cường công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Phát triển quan hệ hữu nghị đặc biệt các tỉnh của Lào; chú trọng hợp tác với các đối tác, địa phương của Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan,...

Chia sẻ Facebook